Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

DOC - Nền tảng của hợp tác trên biển

Biên phòng - Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là một văn kiện được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký kết ngày 4-11-2002, tại Phnom Penh (Campuchia) nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 8. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

tm6u_26b
Toàn cảnh Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 tổ chức tại Singapore hồi tháng 11-2018. Ảnh: ASEAN.Org

Đó cũng là văn kiện nền tảng cho sự hợp tác trên biển và đang tiếp tục là cơ sở cho những nghiên cứu thay đổi tiếp theo để kiểm soát các mối quan hệ trên biển, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Hợp tác lâu dài vì lợi ích chung

Hòa bình và ổn định của khu vực luôn là mục tiêu cốt lõi của ASEAN. Từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, ASEAN rất quan tâm đến tranh chấp ở Biển Đông, từ một DOC được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 24 năm 1992, đến “Tuyên bố của ASEAN về sự kiện đá Vành Khăn” năm 1995, hay “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông”, đều kêu gọi các bên có tranh chấp từ bỏ việc sử dụng vũ lực, thông qua phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp, phản ánh những sự theo đuổi quan trọng và mục tiêu ưu tiên của ASEAN trong vấn đề Biển Đông trong một thời gian dài. 

Sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc có vai trò hết sức quan trọng trong hòa bình ở Biển Đông. Mối quan hệ hợp tác song phương này đã trưởng thành toàn diện trong 16 năm qua kể từ khi hai bên thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN, trải rộng từ can dự kinh tế và văn hóa sang an ninh và quản lý hàng hải.

Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã có những bước đột phá đáng chú ý trong các lĩnh vực hợp tác an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống. Chẳng hạn, đã có những tiến bộ chưa từng có trong ngành nuôi trồng thủy sản và thực thi luật biển trong 3 năm qua. Tháng 10-2018, cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên giữa Trung Quốc và ASEAN đã được tổ chức ở Biển Đông, không chỉ đánh dấu một giai đoạn mới trong hợp tác an ninh hàng hải Trung Quốc-ASEAN, mà còn cung cấp thêm kinh nghiệm và kiến thức giá trị liên quan tới việc phát triển cấu trúc an ninh khu vực mới. 

Trong khi đó, việc tham vấn và đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đã tiến triển đều đặn. Đến nay, Trung Quốc và 10 nước ASEAN đã tổ chức 16 lần cuộc họp cấp cao Trung Quốc-ASEAN về việc thực hiện DOC và 26 lần hội nghị nhóm công tác chung. Trên cơ sở dự thảo khung đạt được vào năm 2017, Trung Quốc và các nước ASEAN đã hình thành văn bản duy nhất về đàm phán COC vào năm 2018. Tại Hội nghị cấp cao Đông Á được tổ chức vào tháng 11-2018, Trung Quốc đã đưa ra thời gian biểu hoàn thành đàm phán COC trong 3 năm tới, nhận được sự hoan nghênh của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế. 

Có thể thấy, Trung Quốc và ASEAN có lợi ích chung quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông, vì vậy, bảo vệ hòa bình khu vực này là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi bên.

DOC - Điểm tham chiếu...

Giải quyết các tranh chấp về yêu sách chủ quyền lãnh thổ của một số quốc gia đối với Biển Đông là vô cùng quan trọng vì lợi ích của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực. DOC đóng vai trò là một điểm tham chiếu khi xuất hiện vấn đề căng thẳng và là cơ sở để đàm phán một COC chính thức.

Việc phát triển một COC cho các bên ở Biển Đông là mục tiêu ban đầu của sự can dự của ASEAN với Trung Quốc về Biển Đông vào cuối những năm 1990, từ đó dẫn tới việc ký kết DOC vào năm 2002. Sau khi thế bế tắc kéo dài hàng thập kỷ liên quan tới việc hướng dẫn thực hiện DOC được khai thông vào năm 2011, các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã bắt tay vào các cuộc tham vấn chính thức về COC vào tháng 9-2013. Trong giai đoạn 2013-2016, các cuộc tham vấn chỉ tập trung vào việc tích lũy những điểm tương đồng và thảo luận về các vấn đề mang tính thủ tục. Bắt đầu từ giữa năm 2017, Trung Quốc đã đổi hướng và áp dụng cách tiếp cận hướng về phía trước nhiều hơn đối với COC. Điều này đã mở đường cho việc thông qua dự thảo khung COC vào tháng 8-2017 và Văn bản dự thảo đàm phán duy nhất vào tháng 6-2018. 

Trung Quốc và ASEAN đã triển khai hợp tác có hiệu quả cho hòa bình và ổn định của Biển Đông. Ngày 25-7-2016, Trung Quốc và ASEAN đã thông qua Tuyên bố chung về thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nêu rõ Trung Quốc và các nước ASEAN đều ý thức được bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông và cam kết giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), do các bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp giải quyết vấn đề thông qua phương thức đàm phán; các bên giữ kiềm chế, không có hành động làm phức tạp hóa tranh chấp; các bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc thiết lập COC và cam kết nhanh chóng đạt được COC trên cơ sở thực hiện DOC. Sau đó, Trung Quốc và ASEAN đã đẩy nhanh tiến độ đàm phán COC.

Xem xét từ quá trình, COC mà Trung Quốc đàm phán với các nước ASEAN đã bắt đầu từ trước khi DOC được ký năm 2002. Ở góc độ nào đó, DOC là một nửa sản phẩm trong tiến trình đàm phán COC, trở thành nền tảng quan trọng để bảo vệ ổn định an ninh Biển Đông lâu dài, cũng là nội dung tham khảo then chốt để Trung Quốc và các nước ASEAN tăng cường đàm phán COC.

Nguyên nhân chủ yếu khiến DOC được Trung Quốc và đông đảo các nước ASEAN chấp nhận là trong tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, việc đạt được một văn bản chính sách như vậy đã không còn dễ dàng, cơ bản đã đáp ứng đòi hỏi lợi ích của các nước có liên quan đến vấn đề Biển Đông. Xem xét từ bất kỳ góc độ nào, đàm phán ngoại giao luôn là một quá trình thỏa hiệp, mà văn bản cuối cùng phải có khả năng ràng buộc nhất định, nhưng sự ràng buộc này lại có thể gây ra sức ép chiến lược lớn hơn đối với các nước ASEAN. Do đó, đạt được sự thỏa thuận có ý nghĩa hơn DOC được coi là một sự lựa chọn sáng suốt.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, DOC vẫn có hạn chế lớn, chủ yếu thể hiện ở nhấn mạnh các bên cam kết duy trì sự kiềm chế, không có hành động khiến tranh chấp phức tạp hơn, mở rộng hơn và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời, không có tính cưỡng chế cao về luật pháp quốc tế, đòi hỏi các bên phải kiên quyết thực hiện, không có không gian để mặc cả. Vì vậy, sau khi đạt được DOC, Trung Quốc và các nước ASEAN nhanh chóng khởi động tiến trình thúc đẩy đàm phán COC, hình thức chủ yếu là hội nghị quan chức của Bộ Ngoại giao các nước và hội nghị của những nhóm công tác chung.

Tất nhiên, trong bối cảnh Biển Đông phức tạp, DOC đã phát huy vai trò khá tích cực về mặt thúc đẩy ổn định an ninh khu vực Biển Đông và quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Các nước ASEAN và Trung Quốc đã đạt được “Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC” vào ngày 20-7-2011, nhấn mạnh “cuối cùng sẽ đạt được COC”, thể hiện rõ mong muốn cấp bách của các nước đối với việc ổn định tình hình khu vực.

Xem xét từ nội dung của DOC, mục tiêu cuối cùng để xây dựng lòng tin ngoài xóa bỏ rủi ro và mối đe dọa tiềm ẩn an ninh có thể dẫn đến xung đột, còn phải tạo điều kiện để các nước triển khai hợp tác trong lĩnh vực rộng lớn hơn. Và hợp tác giữa các bên về kinh tế lại giúp tăng cường lòng tin chính trị an ninh giữa các nước.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO