Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 05:38 GMT+7

Độc đáo phong tục cưới hỏi của dân tộc Nùng

Biên phòng - Phong tục cưới hỏi của dân tộc Nùng không chỉ đơn thuần là việc kết duyên của đôi lứa mà có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống, đạo lý của dân tộc, giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

e7rw_8a
Cô dâu người Nùng chờ chú rể ở ngoài sân để làm lễ vào nhà chồng. Ảnh: Thiên Minh

Quan niệm khi xưa, trai gái dân tộc Nùng không được quyền tự do yêu đương mà được sự sắp đặt của gia đình: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Ngày nay, phong tục này dần bị mất đi, thay vào đó, trai gái dân tộc Nùng đến tuổi được tự do yêu đương, tìm hiểu nhau và tiến đến hôn nhân.

Ông Kỳ Dùng Phú, ở thôn Bản Mạ, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Phong tục cưới hỏi của người Nùng rất quan trọng. Người Nùng có quan niệm chuẩn bị tốt, chu đáo mọi việc trước hôn nhân thì đám cưới của cô dâu, chú rể mới thật sự hạnh phúc. Dân tộc Nùng thường chọn thời điểm cưới vào tháng 8 cho đến tháng 10 âm lịch”.

Tục cưới hỏi của người Nùng trải qua 6 bước, trong đó, bước thứ nhất là Sam Mình (hỏi mệnh của cô con gái), nhà trai sẽ cử một người tới nhà cô gái để “đánh tiếng” về chuyện tìm hiểu của đôi trai gái. Ở buổi gặp gỡ này chưa có lễ vật nào mang theo. Nếu nhà gái đồng ý, nhà gái sẽ thông tin cho nhà trai giờ, ngày, tháng, năm sinh của cô gái vào một tờ giấy hồng hoặc đỏ để đưa cho nhà trai đem về nhà, nhờ ông thầy tướng số xem giúp tuổi. Nếu xem tuổi hợp nhau, nhà trai sẽ tiến hành lễ dạm hỏi. 

Bước thứ hai gọi là Pao Mình (lễ dạm hỏi). Bước này, nhà trai lại cử người thân lần trước tới nhà cô gái để nói chuyện về tuổi của cô dâu và chú rể. Nhà trai sẽ mang một lá trầu được đặt trong cái đĩa úp cái bát lên và để ở trước cửa nhà cô gái. Nếu nhà gái không ưng thuận sẽ trả lại lá trầu. 

Bước thứ ba là Kin Háp (lễ ăn hỏi). Bước này được tổ chức trang trọng hơn, tiến hành sau lễ dạm hỏi khoảng 3 tháng do ước định của hai bên gia đình và dựa vào việc chọn ngày lành, tháng tốt.

Trong buổi lễ ăn hỏi, hai bên bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đám cưới như: Của hồi môn, tiền bạc, chăn màn, ngày giờ đón dâu... Từ ngày làm lễ ăn hỏi kéo dài từ 2 đến 3 năm mới tiến hành lễ cưới chính thức.

Bước thứ tư là An Nhi (lễ báo ngày cưới). Bước này, nhà trai chọn được ngày lành, tháng tốt, đến thông báo cho nhà gái về thời gian cụ thể của ngày cưới và các khoản đã được báo trước như: Gạo, rượu, lợn, bạc, tiền..., mặt khác, để hai gia đình có thêm thời gian mời bạn bè, họ hàng thân thuộc về dự lễ cưới.

Bước thứ năm là Co Dảu (ngày cưới), gia đình nhà trai và nhà gái cử ra một số thanh niên giúp làm bếp, tiếp khách... Đồng thời, trong lễ này, nhà trai phải dẫn sang nhà gái một con lợn to, gạo tẻ, rượu ngon... Nhà trai phải đưa “sính lễ” sang nhà gái từ tối hôm trước. 

Người Nùng thường tổ chức ăn cưới 2 ngày đối với người thân, còn bạn bè thì 1 ngày. Khách đến mừng, có thể bằng tiền hoặc vật chất như: Khăn, chăn màn, quần áo...

Bước thứ sáu là Tu Dảu (đón dâu), nhà trai cần phải đón đúng thời gian đã được hai bên thống nhất. Đi theo đoàn chú rể có một đôi vợ chồng làm trưởng đoàn. Cặp đôi này đã có con, khỏe mạnh, hiểu biết các phong tục, tập quán của dân tộc và đặc biệt, thuộc nhiều bài hát sli (một hình thức đối đáp cổ của người Nùng thường hát trong đám cưới). Đi cùng đoàn nhà trai còn có phù rể từ 6 đến 8 người là con gái (dân tộc Nùng kiêng số lẻ). Những người được chọn này phải là người bạn thân thiết của chú rể, biết hát sli, hoạt bát, nhanh nhẹn. Tất cả mọi người đi đón dâu đều phải mặc quần áo truyền thống. Các cô gái đi đưa dâu cũng phải là bạn thân của cô dâu, chưa có chồng, hiền lành, nết na và phải thuộc nhiều bài hát sli. 

Bà Vi Thị Tiếp, ở thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình cho biết: “Người Nùng quan niệm, nếu trong ngày cưới, chú rể bị ướt nhiều sẽ gặp may mắn. Khi cô dâu đến nhà trai, cô dâu sẽ dừng lại ngoài sân để thầy cúng làm thủ tục diệt trừ tà ma và cầu phúc cho đôi bạn trẻ khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Làm xong thủ tục, cô dâu vào nhà lạy tạ tổ tiên và gia đình bên chồng, đánh dấu việc cô dâu đã là người trong gia đình của chú rể”. 

Ngày nay, do cuộc sống phát triển, một số bước trong tục cưới hỏi của người Nùng được giảm bớt, nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc này.

Thiên Minh

Bình luận

ZALO