Biên phòng - Đình Trà Cổ tọa lạc ở khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, không chỉ có kiến trúc độc đáo, mà còn là ngôi đình linh thiêng và lâu đời nhất vùng biên viễn này.

Đình Trà Cổ xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỉ XV) và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần sau đó. Nơi đây thờ 6 vị tiên công có công dựng làng, lập ấp. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, thì tổ tiên xưa của làng Trà Cổ là người Đồ Sơn (Hải Phòng) làm nghề đánh cá, trong một lần đi biển, gặp sóng to, gió lớn, 12 gia đình đã trôi dạt về đây. Trước địa thế đầy tiềm năng của vùng đất, họ quyết định ở lại khai phá, sinh làng lập ấp, xây dựng nơi đây thành vùng đất đông vui, giàu đẹp như ngày nay.
Đình Trà Cổ quay hướng Nam, kiến trúc kiểu hình chữ đinh, gồm 5 gian, 2 chái tiền đuờng và 3 gian hậu cung. Mái lợp ngói mũi hài, trên bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nhật. Toàn bộ kiến trúc tuy đồ sộ nhưng các đầu đao, hoa văn uốn cong hình rồng đã tạo cho đình một nét uyển chuyển mềm mại. Đình Trà Cổ có nhiều kèo cột gỗ lim theo kiểu giá chiêng chồng, rường chạm trổ mềm mại được ghép mộng chắc chắn. Với tổng số 32 cây cột, trong đó, 14 cột cái có đường kính 65cm và 18 cây cột quân đường kính 45cm, đều được sơn son, thếp vàng. Lòng đình được đóng dầm ngang dọc, sàn đình lát ván có tác dụng giữ cho khung đình không bị xiêu vẹo và cũng là chỗ để phân biệt ngôi thứ trước đây của chế độ phong kiến.
Trải qua gần 600 năm tồn tại, song đình Trà Cổ vẫn giữ nguyên được kiến trúc điêu khắc. Các mảng chạm khắc ở vì kèo, đầu dư, đầu bẩy, các ván mê đã thể hiện sự tài năng, khéo léo của những người thợ xây dựng ngôi đình này. Các loại họa tiết Long mã phục trà đồ, Long cuốn thủy, Tứ linh, tứ quý, Lưỡng long chầu nguyệt, các con ốc biển, được chạm trổ một cách tinh xảo, khéo léo. Hình dáng các con rồng, phượng, trời, mây, hoa, lá được tạo dáng uyển chuyển, bố cục cân xứng, thoáng khỏe, vừa chắc chắn vừa mềm mại. Tất cả đều phản ánh rõ nét nghệ thuật điêu khắc gỗ độc đáo của dân tộc Việt Nam trong kiến trúc đình làng.
Điểm độc đáo nhất của đình Trà Cổ là hai bức hoành phi đối diện nhau, sơn son thếp vàng với hai hàng chữ: “Nam Sơn tịnh thọ” (Thọ tựa Nam Sơn) và “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài), khẳng định sự trường tồn, tính bền vững của giang sơn, bờ cõi Tổ quốc và lòng tự hào chân chính của người Trà Cổ. Hiện, đình Trà Cổ còn lưu giữ được nhiều hiện vật, tư liệu có giá trị như: 1 bộ kiệu bát cống, 8 long ngai, 2 hạc rùa, 1 bộ bát biểu, 1 bộ thắt sự bằng đồng, 5 bức đại tự, 7 đôi câu đối, 5 cửa võng đều được chạm khắc công phu, sơn son thếp vàng và nhiều hiện vật có giá trị từ thời Lê, Nguyễn.
Nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Quảng Ninh - ông Tống Khắc Hài cho biết: “Đình Trà Cổ là một ngôi đình tiêu biểu đẹp nhất của thời Lê và cũng là ngôi đình cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam. Đi suốt một dải ven biển Quảng Ninh từ Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà ra đến Trà Cổ, ta bắt gặp một ngôi đình mang nhiều nét hồn Việt. Đình Trà Cổ là biểu tượng của một nét kiến trúc làng quê, hồn quê Việt Nam nơi đầu sóng, ngọn gió biên cương của Tổ quốc. Nét nghệ thuật kiến trúc ở đình Trà Cổ rất độc đáo, những vì kèo, cột của ngôi đình được chạm khắc rất tinh tế. Ta có thể bắt gặp những hình ảnh về làng quê Việt Nam, hình ảnh người Việt đang đánh bắt hải sản, trồng lúa... trên những vì kèo, khắc gỗ bên trong ngôi đình”.
Lễ hội chính của đình làng Trà Cổ diễn ra vào ngày 1-6 âm lịch hàng năm, nhưng công việc chuẩn bị cho lễ hội kéo dài trong một năm. Đó là lễ rước thành hoàng, thi nuôi lợn, thi nấu cỗ và nhiều trò chơi dân gian khác. Đến nay, đình Trà Cổ vẫn nguyên vẹn vóc dáng kiến trúc, đường nét chạm khắc văn hóa Việt Nam, nội dung hoành phi câu đối tràn đầy hào khí tự chủ, tự cường dân tộc, ngời sáng bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.
Không những hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi giá trị kiến trúc nghệ thuật, phong tục tập quán, đình Trà Cổ còn là đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu và là “cột mốc” văn hóa vững chắc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc. Đình Trà Cổ đã được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1974.
Long Vũ