Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:58 GMT+7

Độc đáo nghề nuôi ong lấy mật của dân tộc Cơ Tu

Biên phòng - Một ngày đầu tháng 3-2022, tôi lên huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) gặp già làng Cơlâu Blao, 77 tuổi, người dân tộc Cơ Tu ở thôn Voòng, xã Tr’hy, người có kinh nghiệm lâu năm trong việc dụ ong rừng về nuôi trong bộng cây để lấy mật, vừa làm thú vui tuổi già, vừa cải thiện kinh tế gia đình, góp sức giữ rừng và bảo vệ loài ong.

Già làng Cơlâu Blao dùng rựa bật nắp bộng cây, chuẩn bị lấy mật ong c’roót (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Văn Sơn

Để chuẩn bị cho một chuyến đi lấy mật ong nuôi trong bộng cây, già Cơlâu Blao chuẩn bị cái rựa, tấm che mưa, một thùng đựng mật, ít nước uống và thức ăn cần thiết. Sau bữa cơm trưa, già Blao dẫn chúng tôi đi về hướng núi Quế (xã Tr’hy), khu vực giáp với những khu rừng già nguyên sinh rộng lớn. Sau khi vượt rừng chừng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã tới được khu vực mà già làng Cơlâu Blao nuôi ong trong bộng cây để lấy mật.

Dừng trước một cây có bộng nuôi ong, già Blao dùng rựa để phát quang nơi cây ong làm tổ. Già Blao chia sẻ: “Người Cơ Tu vốn không biết nuôi ong như các dân tộc khác, nhưng cách làm tổ “dụ” ong về nuôi trong bộng cây để lấy mật, thì được truyền lại từ bao đời nay. Người Cơ Tu gọi là c’roót (ong ruồi). Loại ong c’roót có đặc tính chọn những cây thân bị mục rỗng, tạo thành bộng rồi chui vào ở. Biết được đặc điểm này của ong c’roót, người Cơ Tu đục cây tạo thành bộng làm nhà cho ong c’roót sinh sống. Vì thế, cây càng lớn thì ong càng nhiều”.

Đầu tiên, người Cơ Tu phải chuẩn bị tổ cho ong c’roót, hay còn gọi là đõ. Họ thường chọn những thân cây ti tanh (cây dẽ) nằm gần bờ suối, có nhiều bóng mát. Đây là loại cây rừng có mùi hương để làm bộng nuôi ong. Cây ti tanh để làm tổ phải đủ lớn, có độ cứng khoảng một người ôm, để khi tiến hành đục bộng xây tổ cho ong, cây không ngã hoặc bị chết. Bộng càng lớn thì lượng mật càng lấy được nhiều. Khi chọn được cây ti tanh rồi, đàn ông Cơ Tu dùng rìu khoét trong thân cây làm bộng. Bộng ong được đục chính giữa trên thân cây, cách mặt đất chừng 1m-1,3m, sâu vào thân khoảng 20-25cm, cao khoảng 35-40cm và rộng 20cm.

Theo già Cơlâu Blao, kinh nghiệm của người Cơ Tu là, sau khi dụ ong vào bộng, hoàn thành đục bộng trên thân cây, họ tìm chặt cây gỗ sồi làm nắp gọi là đõ. Vì ong c’roót rất thích mùi thơm của loại gỗ này, gỗ càng cũ thì ong càng thích về. Đõ có kích thước phù hợp, vừa khớp với miệng bộng và gắn lại như một cánh cửa. Thân đõ được dùi khoảng 5, 6 lỗ nhỏ, to, đủ để ong chui ra chui vào. Hai đầu đõ được người Cơ Tu bịt kín lại bằng phân trâu, lúc đó, ngôi nhà cho ong c’roót hoàn thành.

Đặc tính của loài ong c’roót hiền nên khi bắt không cần hun khói. Khi mở nắp, phải nhẹ tay để không làm giập sáp ong, rồi dùng cái rựa cắt từng tảng sáp ong chứa đầy mật cho vào túi nilon. Mật thì được chứa trong thùng nhôm, đậy lại bằng lá chuối và mang về. Mật có màu đỏ sẫm, vị ngọt mặn. Một năm, người Cơ Tu có 4 thời gian thu hoạch c’roót, gọi là c’roót t’réch. C’roót t’réch thường thu hoạch vào trước Tết âm lịch. Đây là loại mật tốt nhất, quý hiếm nên đồng bào thường để dành dùng trong gia đình.

Sau khi lấy mật, chỉ cần đắp lại tổ, khoảng 20 ngày hoặc một tháng sau, hay sang năm sau, ong lại đến làm tổ tiếp, có thể lấy mật nhiều lần nữa. Ong c’roót có thời gian xây tổ và làm mật rất nhanh, chỉ sau 20 ngày làm tổ là có thể khai thác được mật. Tuy nhiên, để mật đạt chất lượng tốt nhất thì phải hơn 30 ngày. Khi lấy mật, chỉ cần nhìn những mảng sáp vàng óng trong bộng cây để đánh giá lượng mật, tổ nhiều mật thì khai thác luôn, tổ mới làm, ít mật sẽ để dành khai thác sau. Khi lấy mật, tuyệt đối không được phá tổ, để ong tiếp tục sinh sôi, nảy nở, cho mật ngọt những mùa sau. Đây là cách khai thác mật ong trong bộng cây mà không một người Cơ Tu nào không nắm được quy luật để có được “mùa bội thu” và khai thác bền vững.

Ngoài ra, ở huyện vùng cao Tây Giang còn có 2 loại ong cho mật khác so với loài ong c’roót. Người Cơ Tu gọi là ch’ngor (ong rú) và h’pét (ong phễu). Đây là 2 loại ong làm mật trong hốc đá. Mật loại này có quanh năm, nhiều nhất là tháng 9-10, có vị thơm, ngọt, chữa được nhiều bệnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hằng năm, ở khu rừng thuộc làng Voòng, dưới chân núi Quế này với tứ bề núi rừng trùng điệp, đẹp như một đóa pơ lang bung nở, mà từ lâu ở làng Voòng, người Cơ Tu luôn được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, hưởng nhiều “lộc rừng” là các loại lâm sản phụ quý như trái ươi, trái xay, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây. Để rồi khi vào mùa trổ hoa cũng là thời gian để đàn ông dân tộc Cơ Tu nuôi ong trong bộng cây để lấy mật. Già Cơlâu Blao có hơn 50 tổ ong trong bộng cây ti tanh như thế. Trung bình, mỗi bộng cây khai thác được từ 1 lít rưỡi đến 2 lít mật ong. Cây có bộng lớn, có thể cho 3 lít mật ong. Như vậy, mỗi năm, già Blao ít nhất cũng được hơn 100 lít mật ong. Hiện nay, giá 1 lít mật ong bán ra từ 500.000 - 600.000 đồng vào ngày thường, còn những ngày cận Tết thì lên tới 700.000 đồng hoặc cao hơn nữa.

Già làng Cơlâu Blao cho chúng tôi biết thêm: Người Cơ Tu khấm khá lên là nhờ nghề nuôi ong c’roót trong bộng cây. Họ giữ gìn nghề nuôi ong c’roót này và truyền cho nhau kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Đến mùa hoa, các đàn ong tìm vào bộng để làm tổ đẻ trứng, trữ mật. Ra Tết âm lịch, người Cơ Tu thường rủ nhau vào rừng thăm chừng bộng cây, chờ ong c’roót đến làm tổ. Khi nhộng chín, mật đầy thì họ đến mở nắp lấy mật mang về dùng và bán.

Anh Cơlâu Rinh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tr’hy cho biết: “Ý thức bảo vệ rừng của người Cơ Tu rất cao, bởi có rừng, họ mới giữ được nguồn lợi kinh tế của mình. Nghề nuôi ong trong bộng cây để lấy mật vì thế rất cần được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm, gìn giữ, vừa giúp người dân nâng cao đời sống, vừa góp phần bảo vệ rừng nguyên sinh”.

Nguyễn Văn Sơn

Bình luận

ZALO