Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Độc đáo hát đối trên sông Bắc Luân

Biên phòng - “Buổi giao lưu văn nghệ hát đối trên sông Bắc Luân lần nào cũng hát bài “Tình hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa”: “Việt Nam - Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông/... Bên sông tắm cùng một dòng/ Tôi nhìn sang đấy anh nhìn sang đây/ Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng”... Là người dân ở sát đường biên giới Việt - Trung mới cảm nhận cái hay của ca từ bài hát. Lúc nào nghe, tôi cũng chảy nước mắt”.

fu3p_8a
Các diễn viên biểu diễn hát đối trên sông Bắc Luân giữa TP Quảng Ninh và TP Đông Hưng. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Móng Cái cung cấp

Đó là cảm xúc dạt dào của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 1, phường Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, khi nhắc đến hát đối trên sông Bắc Luân giữa nhân dân TP Móng Cái và TP Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). “Tiết mục song ca nam nữ bài “Tình hữu nghị Việt Nam - Trung Hoa”, một bên hát tiếng Việt, một bên hát tiếng Trung. Rồi cả hai hát hòa quyện vào nhau. Dù trời mưa, rét cỡ nào đi nữa, người dân ở hai bên biên giới cũng đứng kín dọc bờ sông xem hát đối” - Bà Hà nói thêm.

Qua biên giới tập hát

Buổi biểu diễn hát đối gần đây nhất giữa thanh niên hai TP Móng Cái và Đông Hưng là cuối năm 2017, tại ngã ba sông Xoáy Nguồn, trên dòng sông biên giới Bắc Luân. Hai sân khấu được ghép sát nhau, tượng trưng hai TP liền kề. Sân khấu được làm trên những chiếc thuyền kết lại. Phần phía Việt Nam trang trí nhiều họa tiết hình trống đồng nổi bật trên màu xanh hòa bình, thể hiện đặc trưng bản sắc văn hóa Việt; phía Trung Quốc là họa tiết hoa văn trên nền đỏ. Chương trình diễn ra với 18 tiết mục, 40 ca sĩ và trên 1 vạn nhân dân, cùng du khách thưởng lãm. Chương trình thể hiện ấn tượng các chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng hòa bình, khát vọng tuổi trẻ, ca ngợi tình hữu nghị, đoàn kết hai nước Việt - Trung.

“Vạn sự khởi đầu nan”, năm 2002, chính quyền hai TP Móng Cái và Đông Hưng tổ chức buổi hát đối trên sông Bắc Luân lần đầu tiên. “Lần tổ chức đầu tiên, sân khấu biểu diễn rất nhỏ, chỉ đứng hát thôi, không múa nhảy như bây giờ. Mỗi bên có 10 nam và 10 nữ diễn viên, hát đối qua đối lại. Tôi phải tập thuộc lời, thuộc nhạc của 10 bài Trung Quốc rồi dịch ra tiếng Việt hát cho thuộc. Phía bên bạn họ cũng tập thuộc những bài hát của Việt Nam. Khi bạn đăng cai tổ chức, đoàn chúng tôi phải qua biên giới vào sâu trong TP Đông Hưng tập hát, tập múa và chạy chương trình cho khớp nhau. Đến khi TP Móng Cái đăng cai tổ chức, phía bạn sang bên mình tập luyện. Tập xong, có gì ăn nấy, chuyện trò vui vẻ như anh em một nhà, mời nhau về nhà chơi” - Chị Lan Hương, TP Móng Cái, nhớ lại những lần tham gia hát đối.

Cái khó của hát đối là hiểu rõ văn hóa, phong tục tập quán của hai nước. Chính vì vậy, các diễn viên quần chúng ngoài hát hay, múa đẹp, còn phải tìm hiểu văn hóa “gần nhất” ở TP Đông Hưng và Móng Cái thì khi lên sâu khấu mới biểu diễn được cái cốt cách, cuộc sống, tâm hồn... của nhân dân hai bên biên giới.

Hát trên sông gắn với hội chợ trên bờ

Phải khẳng định rằng, hát đối trên sông biên giới Bắc Luân là “đặc sản” mang tính độc đáo của nhân dân hai TP Móng Cái và Đông Hưng. Giao lưu văn hóa này đã “bắc cầu” cho nhiều giao lưu, hợp tác khác phát triển, nhất là giao thương phát triển kinh tế vùng biên. Hát đối thường tổ chức vào cuối năm gắn với hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung của hai TP. Trong hội chợ thương mại vẫn có những chương trình giao lưu văn nghệ ở trên bờ. Chị Lan Hương nhớ lại: “Có lần, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh và Đài Truyền hình Quảng Tây phối hợp tổ chức cuộc thi “Tiếng hát Việt - Trung” ở một sân vận động tại TP Đông Hưng. Hôm đó, tôi hát mấy bài cả tiếng Trung và tiếng Việt, nhiều người chạy lên tặng hoa. Bạn đồng nghiệp hát đối trên sông Bắc Luân kéo đến chụp ảnh vui lắm”.

TP Móng Cái và Đông Hưng là “cửa ngõ” của hai quốc gia, thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, nơi giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa và du lịch diễn ra sôi động bậc nhất. Bà Nguyễn Thị Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Móng Cái cho biết: “Năm 2017, TP Móng Cái đăng cai tổ chức hát đối trên sông và hội chợ thương mại - du lịch. Năm nay, sẽ diễn ra vào tháng 12, do TP Đông Hưng đăng cai. Mỗi lần tổ chức lễ hội giao lưu đều thể hiện được nét văn hóa đặc sắc của hai địa phương, hai quốc gia. Qua đó, góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết của hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc, gia tăng tốc độ phát triển kinh tế cửa khẩu”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO