Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 01:53 GMT+7

Độc đáo chợ phiên trên lưng núi Quảng Nam Châu

Biên phòng - Xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh nằm ở lưng chừng sườn núi Quảng Nam Châu, dãy núi có độ cao 1.507m so với mực nước biển, giáp biên giới với Trung Quốc. Phiên chợ của đồng bào ở đây họp vào Chủ nhật hằng tuần và là nơi giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của đồng bào 5 dân tộc anh em sống trên địa bàn 7 xã, thị trấn khu vực biên giới Bình Liêu.

Bà và các cháu người Dao Thanh Phán đi chợ phiên ngày cuối năm (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Hải Ninh

Ai đã từng tới chợ Đồng Văn, ăn món phở xào ở phiên chợ này đều nhớ mãi mùi vị thơm ngon so với phở xào ở các nơi khác. Bí quyết nằm ở chỗ nguyên liệu làm bánh phở hoàn toàn làm thủ công từ loại gạo giống bao thai ngon nhất được đồng bào gieo trồng trên nương, rất thơm và dẻo. Gạo được ngâm mềm rồi xay thành bột nước, mang chưng chín ở trên bếp củi. Bánh phở thì dày, to, tráng thành những bản dài, trắng ngà và gập thành miếng lớn. Khách gọi ăn thì chủ quán mới bỏ lên thớt thái to bản, còn nguyên mùi gạo ngâm thơm để xào cùng với thịt ba chỉ, rau cải xanh hoặc giá đỗ...

Phải tới được cửa khẩu Hoành Mô của Bình Liêu rồi mới lên được xã biên giới Đồng Văn với cung đường dọc biên giới quanh co, những lớp mây trắng bồng bềnh ấp ôm những ngọn núi, tạo nên biển mây nên thơ, hữu tình. Vào mùa hoa sở, cung đường này ngập tràn sắc hoa trắng, nhụy vàng. Thỉnh thoảng, qua những khúc quanh, những ngôi nhà mái cũ của đồng bào Dao thấp thoáng bên những chân ruộng lúa thẳng thớm. Trái ngược với màu sắc thâm trầm của đất đai, tường rêu đá cũ là sắc mùa sặc sỡ của trang phục những phụ nữ Dao. Họ đội khăn vổng cao trên đầu, tà áo và tay áo thêu hoa văn màu đỏ, tía, cam, vàng ấm áp. Những ngày giáp Tết, đồng bào lùa trâu bò, gia súc thả hoang vào chuồng và cắt cỏ cho chúng, sợ chúng ngã nước vì nhiệt độ xuống thấp. Ở Đồng Văn trên núi cao, nhiệt độ thường cao hơn vùng thung lũng và đồng bằng bên ngoài khoảng 2 độ C. Thời tiết giá buốt sương mù quanh năm.

Xã Đồng Văn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, cùng với sự khám phá về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao biên giới. Lên tham quan trải nghiệm chợ phiên vùng cao của đồng bào nơi đây thấy khác biệt hẳn với chợ dưới trung tâm huyện họp thường xuyên. Chợ chỉ đông nhất vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Tháng Chạp là tháng sắm Tết của bà con nên đông vui hơn bội phần. Đồng bào các dân tộc mang, vác, gùi hàng, nông, thổ sản xuống chợ để bán, đổi lấy nhu yếu phẩm về ăn Tết. Nhìn váy áo, trang phục của họ có thể nhận ra màu sắc các dân tộc Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Tày...

Đồng bào các dân tộc từ các bản, các nẻo đường xa thường về chợ khá sớm và nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các cô gái người Dao trong trang phục sắc đỏ sặc sỡ xuống chợ như trảy hội, người lớn gùi hàng dắt theo con trẻ, trên lưng mẹ, em bé vẫn ngủ ngon lành trong tiếng huyên náo của chợ phiên... Có lẽ, đó là những “đặc sản” riêng có, những khoảnh khắc thú vị trong văn hóa độc đáo của vùng biên cương Đông Bắc.

Vào chợ, việc mua bán diễn ra rất đơn giản, nhanh chóng. Người bán hàng gùi hàng tới chợ đặt các loại hàng hóa lên tấm bạt, hoặc một khoảnh đất trước chợ, người mua nếu ưng là ưng luôn, không trả giá nhiều. Bán mua đơn giản, nhưng hàng hóa thì lại đặc sắc bởi rất nhiều sản vật có tính địa phương không thể tìm mua ở nơi khác. Chợ vẫn bày bán chủ yếu các mặt hàng truyền thống, do người dân địa phương sản xuất như miến dong làm thủ công, vải thổ cẩm, các loại bánh truyền thống, cây gia vị, cây thuốc... và không thể thiếu các loại nông, lâm sản trong vùng, kể cả quế, hồi, thảo quả.

Chợ phiên Đồng Văn những ngày cuối năm. Ảnh: Hải Ninh

Tình nguyện đưa chúng tôi dạo tham quan quanh chợ Đồng Văn, anh Lý A Vinh, dân tộc Dao, người quản lý trực tiếp Homestay A Dào trên bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn giới thiệu và mời chúng tôi nếm thử món phở xào ở chợ Đồng Văn. Ở đây, phở là một trong những món ăn ưa thích và hàm chứa tập tính, thói quen của đồng bào ở đây nên chúng tôi hào hứng thưởng thức. Miền biên viễn này dường như làm cho món ăn ngon hơn, lạ hơn, được xào lửa lớn trên chảo lớn nên mùi vị thật khó quên. Nó cứ phảng phất nét cổ xưa biên thùy, hoi khói bếp củi như sương mờ khí núi, khó diễn tả lắm. Thưởng thức đĩa phở xào vàng óng còn đang bốc khói nghi ngút, thơm nức mũi, anh bạn đi cùng chúng tôi có phần phấn khích quá, thốt lên: Đỉnh cao của nghệ thuật phở xào là đây!

Phiên chợ Đồng Văn ấm áp, ngọt ngào mùi bản địa này còn có một nét đặc biệt nữa là nơi tụ hội của đồng bào vào ngày hội “kiêng gió”. Đây là lễ hội của đồng bào Dao Thanh Phán, là ngày nghỉ ngơi, vui chơi sau vụ mùa, sau khi đã lao động chăm chỉ ra hạt thóc, hạt gạo. Hội diễn ra vào tháng 4 âm lịch bắt nguồn từ phong tục chống lại thú rừng quấy phá, phòng thiên tai và cầu mùa màng bội thu, ấm no của đồng bào Dao Thanh Phán. Đồng bào quan niệm vào ngày 4 tháng 4 âm lịch hằng năm, cả gia đình ra khỏi nhà từ sớm để thần gió vào nhà mang đi những rủi ro, phiền muộn và đem vào nhà họ những điều tốt lành, ấm no, sung túc. Những năm gần đây, ngày hội càng được người dân coi trọng, trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng đặc sắc, mang đến tinh thần phấn khởi vui tươi cho đồng bào Dao Thanh Phán ở huyện Bình Liêu.

Hải Ninh

Bình luận

ZALO