Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 07:37 GMT+7

Độc đáo chợ phiên Cán Cấu

Biên phòng - Cán Cấu, phiên chợ vùng cao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Lần đầu, thoạt nghe cái tên khiến tôi thấy hơi là lạ. Đã "cấu" rồi lại còn “cắn", bạn bè chúng tôi thường đùa nhau là vậy. Cái tên đó đã gắn liền với lịch sử thủa xa xưa. Cán Cấu là phiên âm tiếng Hán, dịch ra tiếng kinh, từ ấy có nghĩa là: Cái suối khô.

9b2u_21
 Đồng bào dân tộc thiểu số xuống chợ Cán Cấu. Ảnh: Đỗ Dinh

Tôi đang đứng trên nền của phòng khám bệnh đa khoa khu vực Cán Cấu (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Phía trước phòng khám là chợ. Những quầy hàng mái làm bằng tôn như những chiếc ô có độ mở khác nhau, bày biện đủ các loại mặt hàng, từ đồ sắt, đồ nhôm, gói kim, cuộn chỉ, trảng vải, lưỡi cày… nằm la liệt trên chiếc bạt ni lông, kẻ chào hàng, người kéo tay chỉ trỏ, bạn bè gặp nhau tay bắt, mặt mừng bận bịu.

Trai gái thanh niên hôm nay đi chợ. Họ đi theo từng tốp, từng tốp. Chốc chốc lại dừng lại ở một quầy hàng để lựa chọn cho mình cái khăn voan, chiếc ô, cuốn sổ tay, tập thiếp mời… Mấy chàng trai cầm tay các cô gái không rời, kéo hết chỗ này đến chỗ khác, để rồi bình phẩm, tán tụng và mua bán… Những cô gái Mông duyên dáng trong chiếc váy xập xòe tất bật …

Đã là 9 giờ… chợ càng thêm đông vui. Từng nhóm, từng đoàn người chen nhau đổ xô đến bên hàng bán khèn… thôi thì đủ loại: Khèn to, khèn nhỏ, kèn dài, khèn ngắn với kích cỡ khác nhau. Các cụ già khăn mặt vắt vai, người bắt chân chữ ngũ, kẻ dạng chân chữ bát họ cứ say sưa thổi trong điệu dân ca quen thuộc.

Điệu khèn buồn hay vui, nỉ non hay hờ hững… tất cả vẫn có có một sức hút  đến lạ kì. Kì lạ như một bức phong tình, kì lạ như một lời hẹn hò về một ngày mai… Ngày trước, chỉ có cụ già đến mua, bây giờ có cả thanh niên cũng đến chọn khèn. Như để làm duyên, chàng trai ngồi dựa vào gốc đá phía trái chợ thử tài bằng âm thanh quyến rũ, quen thuộc.

Phía dưới khu chợ là bãi đất bằng, nơi bán ngựa, bán trâu. Ngoài cái tên là chợ Cán Cấu, ở đây còn cái tên khác là chợ trâu. Trâu ở Si Ma Cai dắt xuống, trâu từ Bắc Hà dắt lên, trâu từ mảnh đất Hà Giang dắt sang, cứ được giá là bán. Người Trung Quốc cũng sang đây dự chợ phiên, có cả người bán và người mua cùng hội tụ. Đi chợ nhiều, cùng bán với nhau nhiều phiên nên họ quen nhau, dặn dò nhau về hàng họ bên đó. Khi thì đôi ủng Trung Quốc, mua nông cụ sản xuất thì có cuốc con gà, liềm Thượng Hải, bàn thái cỏ ngựa Vân Nam. Thời buổi kinh tế thị trường đã mở cửa cho hai nước giao lưu, nụ cười của người mua và bán có phần thân thiện.

Người dân vùng cao từ bao đời nay gắn bó với con trâu, cái cày. Bởi họ đã quen dần với cung ruộng bậc thang. Con trâu quay đầu theo cung ruộng, cái cày len lỏi theo từng bờ đất, vai áo của con người cứ bạc dần theo thời vụ. Thế đất của vùng cao là vậy, chứ không phải người vùng cao không biết áp dụng khoa học công nghệ đưa máy cày, máy bừa vào sản xuất.

Ở đây, họ chọn trâu theo tuổi, đo sức khỏe của trâu theo gang. Chân cao, lưng phẳng và bằng, đuôi dài là tốt và khỏe. Cặp sừng dài độ hơn hai gang là đạt. Còn như tính nết thì phải xem xoáy. Loại trâu bợm trợn, thích gây gổ thì xoáy ngược. Loại thuần tính chịu nghe lời chủ thì xoáy to trên đỉnh đầu. Người mua trâu kĩ tính thì còn xem kĩ đến từng móng chân trước, chân sau… nếu bạn là khách đến mua thì đừng nên sốt ruột. Buổi sáng có thể bạn đã xem và ưng ý. Thôi thì cứ ngồi uống 1 tuần rượu với thắng cố đến xế trưa quay lại trả tiền, dắt trâu cũng không muộn.

Anh thanh niên làm công tác thông tin tuyên truyền tất bật bên đống tài liệu, tờ rơi, áp phích. Chiếc loa phóng thanh được gắn trên thân cây gạo hướng xuống chợ thông báo nội dung của những Nghị định, Thông tư 47 của Chính phủ cấm tàng trữ, sử dụng vũ khí, chất nổ… Dừng ít phút, đội thông tin, tuyên truyền lại chuyển sang chủ đề mới: Phòng chống đại dịch cúm A(H1N1), cúm A(H5N1); phòng chống rét cho trâu bò... thôi thì đủ thứ thông tin bằng tiếng: Mông và tiếng Kinh. Tiếp đó là một bản nhạc dân ca Mông réo rắt lòng người.

Bên hàng tạp hóa, mấy cô gái đến chợ hôm nay đang mân mê cuốn sổ tay, bàn tay cô gái Mông vuốt đều trên mép sổ, trả tiền xong xuôi, cô cúi đầu, soi gương, sửa soạn chiếc khăn voan trên cổ... Chiếc loa từ nãy đến giờ vẫn phóng thanh, người về chợ chật nêm như cối, lời hát dân ca Mông lại vang lên. Và như đồng vọng, như cao trào, âm thanh lan tỏa đến hàng bán khèn... và có tiếng khèn đáp lại. Từng tốp thanh niên, trai có, gái có xếp thành hàng đua nhau thổi điệu Pí lè... Một thanh niên cao hứng khom lưng, hua chân, dồn tay xoay lắc cho chiếc khèn chao đều âm thanh bên đám con gái đang cười.

Cán Cấu, cái thời buổi kinh tế thị trường ngày càng sôi động. Kẻ mua, người bán ngày càng tấp nập. Hàng của Trung Quốc sang, hàng từ miền xuôi theo xe tải ngược lên, thôi thì đủ loại. Cứ đóng thuế môn bài, thuế chuyến, thế tháng đúng ngày đúng lịch là ta được tự do buôn bán, tự do trao đổi. Người dân vùng cao thiếu xoong, thiếu nồi, thiếu lịch treo ở nhà... ra chợ là có tất. Tha hồ mà sắm sửa, tha hồ mà mua bán.

Người miền xuôi lên chỉ thích săn tìm mật ong, trảng vải lanh. Thích thưởng thức, chế biến món đặc sản thì họ tìm mua lợn cắp nách, con dúi, con cầy... rượu ngô, xôi màu. Anh bạn tôi quê ở Cam Đường thì chỉ thích thưởng thức món đặc sản thắng cố. Theo anh, thắng cố là món ăn rẻ tiền, hơn thế được chế biến tổng hợp, pha trộn gia vị tự nhiên, không có hóa chất, không độc hại... Nhâm nhi bên chiếc bàn gỗ, anh tâm sự cùng tôi và tấm tắc khen rượu ngô và chè vùng cao ngon tuyệt.

Cán Cấu, phiên chợ vùng cao mang đậm bản sắc văn hóa - đặc biệt là không thể lẫn với các chợ khác được. Các dân tộc dù là người Mông hay Phù Lá, người Dao hay người Tày... họ đi chợ cùng nhau tâm sự về ngày lễ, ngày hội, ngày Tết... bạn bè hẹn nhau ngày họp mặt. Phụ nữ đến chợ hay đem theo cơm nắm để rồi cùng ăn với phở. Trẻ con về chợ thường mua đôi ủng, đôi giày, ăn bỏng, ăn kem. Những thứ nông sản, gia súc, gia cầm mà gia đình trồng được, nuôi được đem ra chợ bán đến quá trưa phải bán cho xong để rồi có tiền mà mua, mà sắm. Thanh niên đến chợ là để điểm tô cho sắc đẹp, để được ghi hình, hẹn hò nhau, tìm lời nói giao duyên....

Ánh nắng đã đứng con sào, anh thanh niên làm công tác thông tin tuyên truyền chỉnh lại tăng âm thông báo bản tin cuối. Đó là quy trình xét duyệt học sinh hưởng chế độ theo Nghị định 49/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thực hiện chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Triển khai nội dung 19 tiêu chí xây dựng nông thôn  mới. Mấy cô cậu đang chuyện trò bên gốc cây gạo bỗng im bặt chú ý lắng nghe. Chắc hẳn đó là học sinh tại trường Trung học cơ sở nào đó.

Nắng chiều đã vắt qua ngọn tre, cung ruộng bậc thang, xe chạy trên đỉnh cao của dốc, ánh nắng lấp lóa quét ngang kính xe, trải đều trên con đường xuôi về phía Bắc Hà. Ánh sáng chói chang là vậy, nhưng ta vẫn cảm giác thấy hơi se lạnh. Phải chăng, ánh nắng của cao nguyên đã dịu đi, mang hơi lạnh của núi đá, của màn sương đang bồng bềnh, bồng bềnh như chiếc khăn voan bên dãy núi phía chân trời xa.

Những con người vùng cao đến chợ, cho dù là mua hay là bán, họ đều thuần phác, chân thành, đem lại cái hơi thở, nhịp sống vùng cao, cho chợ. Họ sống hồn nhiên, vô tư, cởi mở dân dã, đó là những người con của núi: Uống rượu hết mình, phi ngựa cũng hết mình và bán hàng cũng rất nhanh. Tôi yêu đám trẻ con vùng cao, cho dù là tóc xanh hay tóc đỏ, bởi sinh ra đã là thế, hôm nay đã cùng người thân xuống chợ. Chúng là những công dân vô tư nhất, hạnh phúc nhất. Giấc mơ về chợ đã luồn sâu trong giấc ngủ con trẻ, đã ấp ủ trong cả một tuần lễ, để rồi sáng sớm, chưa kịp tan sương, vừa tụt xuống giường đã ôm con gà chân có buộc dây từ buổi chiều tối hôm trước và cắp  vào nách lẽo đẽo theo mẹ lên đường.

Năm qua đi, tháng qua đi và con người sinh ra từ núi đồi cao nguyên quen dần với việc khoác chiếc túi thổ cẩm trước ngực để về phiên chợ. Đón xuân mới, nhà nào, nhà nấy đều mua thêm một mảnh vải đỏ. Dù chỉ là hai đến ba mét, dài hay ngắn… tất cả như mua  cái may mắn vào nhà. Mảnh vải được xé ra trang trí trên khung cửa ra vào hoặc đính trên bàn thờ tổ tiên. Dăm bảy que hương chụm lại, vài ba lông gà dán quanh bàn thờ tạo ra sự linh thiêng đáng trân trọng.

Cái rét của cao nguyên cứ gạn nắng thêm trong. Những tia nắng buổi chiều quét ngang trên đoạn đường dốc, phát sáng trong những rừng thông. Dòng sông sương đang bồng bềnh trôi dưới triền thung, một màu trắng đục đến gợi cảm, thường xuất hiện vào buổi sớm hay lúc chiều muộn. Một thứ tình cảm như mơ hồ đang xuất hiện trong tôi, ấy là lúc tôi nghe thấy tiếng cười thấp thoáng trong sương từ cổng trời trên con đường buổi sáng nay.

Tôi muốn hét thật to lên, để âm vang đó vang xa, vang xa, lan tỏa, dội vào vách đá, như điệu cười dài của núi. Tôi muốn đem những cành hoa đào ban phát cho  từng căn nhà, ngõ xóm để thay cho lời nói: Mùa xuân đã đến rồi đấy, các bạn ạ! Và: Tình yêu của tôi với Cán Cấu như thực như mơ nó quấn quýt như màn sương dăng dăng trên đỉnh núi, nó hiện thực như than đã vào lò, như rượu ngô có chứa chất men say… Thế đấy.

Đỗ Văn Dinh

Bình luận

ZALO