Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 11:07 GMT+7

Độc đáo bản sắc văn hóa các dân tộc vùng biên giới Việt - Lào

Biên phòng - Diễn ra từ ngày 17 đến 19-5 với chủ đề "Đoàn kết, hữu nghị và phát triển", Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2019 đã thu hút hàng nghìn người dân, du khách trong và ngoài nước đến dự, hòa mình vào không khí sôi động với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc vùng biên giới hai nước.

mzbj_8
Một tiết mục văn nghệ đặc sắc thể hiện nghĩa tình sắt son của hai nước Việt - Lào.  Ảnh: Võ Tiến

Ngày hội đa sắc màu văn hóa

Ngày hội có sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc thuộc 5 tỉnh vùng biên giới Việt Nam gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và 4 tỉnh nước bạn Lào gồm Attapeu, Sekong, Savannakhet, Salavan. Đến với ngày hội lần này, du khách trong và ngoài nước có thể cảm nhận âm hưởng những giai điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, cho thấy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống anh hùng, đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tình đoàn kết, gắn bó thủy chung giữa hai nước Việt - Lào. Qua đó, tăng cường và nâng cao sự hiểu biết về những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo và đa sắc màu của văn hóa dân tộc thiểu số hai bên biên giới.

Ông Buangan Xaphuvong, Thứ trưởng Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước CHDCND Lào khẳng định: “Mối quan hệ truyền thống vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam thật hiếm có trên thế giới. Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính mến gây dựng, cùng các thế hệ lãnh đạo dày công vun đắp. Nhân dân hai nước chúng ta đã kề vai sát cánh bên nhau, cùng chung một chiến hào chiến đấu với kẻ thù chung trước đây và trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc tổ chức ngày hội lần này sẽ phát huy và tăng cường hơn nữa việc trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa hai nước Lào - Việt Nam; vừa tăng cường thắt chặt hơn nữa tình đồng chí, anh em giữa hai dân tộc Lào - Việt Nam nói chung và giữa nhân dân khu vực có chung đường biên giới nói riêng”.

Trong thời gian diễn ra ngày hội, Quảng trường trung tâm huyện miền núi A Lưới có hàng nghìn người dân ở khắp các bản, làng và du khách tập trung về đây để được thưởng thức, chiêm ngưỡng những bộ trang phục truyền thống tại không gian trưng bày và trình diễn thổ cẩm Zèng của người Tà Ôi, thổ cẩm của người Giẻ Triêng, Bru-Vân Kiều, Hre... 

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Zèng Mai Thị Hợp đại diện cho dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia trình diễn dệt vải, cho biết: “Dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc Tà Ôi tại huyện miền núi A Lưới. Những sản phẩm từ tấm Zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt, cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới.

Mỗi sản phẩm dệt Zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa các dân tộc vùng cao A Lưới. Để tạo nên một tấm Zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc là bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và tỉ mỉ trong việc đính cườm tạo nên những hệ hoa văn độc đáo”. 

Điểm nhấn độc đáo của ngày hội là du khách được đắm mình vào không gian các lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng qua phần tái hiện lại lễ cưới của cộng đồng dân tộc Pa Cô với nhiều nghi thức và phong tục đặc sắc, diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, dòng họ, cộng đồng. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới cho biết: “Người Pa Cô ngày nay không còn hủ tục thách cưới như ngày xưa, nhưng riêng lễ vật liên quan đến phong tục cưới thì nhà trai phải chuẩn bị theo số lượng quy định”.

Đưa văn hóa trở thành tiềm năng phát triển du lịch

Trong khuôn khổ ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của các địa phương; Liên hoan văn nghệ quần chúng; không gian trưng bày và trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn dệt thổ cẩm; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; hội thi ẩm thực; triển lãm cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Lào, khu vực miền Trung-Tây Nguyên; các hoạt động du lịch gồm: Tổ chức đoàn famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới và kết nối với huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam...

Những hoạt động này nhằm giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và di sản văn hóa các dân tộc trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển, góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: “Ngày hội nhằm tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc. Đồng thời, tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các tỉnh vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào trong công cuộc hội nhập và phát triển. Đến với ngày hội, chúng ta được cảm nhận những giai điệu dân ca, dân vũ và được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, được chung vui, hòa mình vào những trích đoạn lễ cưới truyền thống, được trải nghiệm không gian trình diễn dệt thổ cẩm, cùng hào hứng cổ vũ cho các môn thể thao truyền thống và nhiều hoạt động du lịch phong phú, hấp dẫn”.

Các hoạt động của ngày hội được diễn ra với tinh thần đoàn kết, hữu nghị, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Thông qua sự kiện này nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong khu vực về ý thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với những mục tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

Võ Tiến

Bình luận

ZALO