Biên phòng - Trước biến động đồng ngoại tệ tăng giá, ngân hàng tăng lãi suất, không ít doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đã tìm cách tự xoay xở, chủ động kịch bản ứng phó do chi phí sản xuất tăng, kéo theo tăng giá sản phẩm…
Xoay xở tìm nguyên liệu trong nước
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam đang thấp thỏm lo âu vì đồng USD đang tăng giá và một số doanh nghiệp phải chủ động tìm cách xoay xở nếu không muốn bị thua lỗ. Ông Lê Hoài Quốc, chủ doanh nghiệp sản xuất rau củ quả Quốc An (huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, vừa qua ông mất ăn, mất ngủ vì lô máy móc phục vụ công đoạn sơ chế rau, quả nhập từ châu Âu về Việt Nam phải bù thêm 500 triệu đồng vì chênh lệch giá USD đang tăng.
Ông Lê Hoài Quốc tiết lộ, lô máy móc đặt mua từ đầu năm với giá hơn 15 tỷ đồng, lúc đó USD có giá 23.000 đồng. Hiện, USD đã tăng giá lên 24.870 đồng, doanh nghiệp phải bỏ thêm gần 500 triệu đồng để nhận máy, đó là chưa kể khoản phát sinh từ lãi suất cho vay bằng USD của ngân hàng tăng từ 3,4%/năm lên 5,7%/năm.
“Chúng tôi mới nhập thêm máy móc để mở rộng sản xuất, tuy nhiên, khi chưa thu được hiệu quả thì đã phải bội chi số tiền không nhỏ do tỷ giá tăng, lãi suất ngân hàng tăng. Nếu tỷ giá USD chưa dừng lại, không chỉ ảnh hưởng đến máy móc nhập về, mà còn ảnh hưởng đến việc nhập nguyên liệu. Trong khi đó, một số thị trường cũ của chúng tôi đã ngưng nhập hàng và sức mua của người tiêu dùng trong nước cũng đang giảm sâu” - ông Lê Hoài Quốc cho biết thêm.
Vì vậy, để giải quyết khó khăn từ biến động giá cả, ông Lê Hoài Quốc quyết định tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước; cắt giảm chi phí khấu hao không cần thiết; ứng dụng công nghệ để có thể vừa tăng sản lượng, vừa giữ giá thành sản phẩm và giữ giá cho khách hàng.
Là ngành hàng cũng đang chịu tác động mạnh từ giá USD, ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch quốc tế Vinagroup cho biết, hiện nay, du lịch quốc tế đang mở cửa trở lại và doanh nghiệp cũng đưa nhiều du khách đi nước ngoài. Tuy nhiên, việc tỷ giá USD đang tăng đã khiến doanh nghiệp lo lắng hơn khi phải điều chỉnh giá tour đi nước ngoài cho du khách. Để duy trì nguồn khách và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp, đối với tour đoàn, khi bán tour, doanh nghiệp ấn định tỷ giá tương đương khi ký hợp đồng và tỷ giá tăng, doanh nghiệp sẽ tính phụ thu nhưng gia tăng thêm những ưu đãi cho khách hàng để khách hàng cảm thấy hài lòng nhất; khi tỷ giá giảm, đơn vị cũng sẽ giảm giá cho khách. Riêng khách lẻ, đơn vị vẫn đang tính giá tour bằng tiền Việt và bán ra sớm từ 3-6 tháng trước nên khách hàng không phải chịu thiệt thòi khi mua tour nội địa.
Theo bà Hồ Phước Vân, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm Hải Vân, các nguyên liệu thực phẩm của công ty đa số nhập khẩu từ Thái Lan và châu Âu, vì vậy, khi thanh toán đơn hàng, đơn vị cũng phải chuyển qua USD. Tuy nhiên, do giá USD tăng cao khiến doanh nghiệp đang gồng mình giữ giá cho người tiêu dùng. Nếu giá USD tiếp tục tăng, thì đơn vị sẽ điều chỉnh giá bán ra tăng ít nhất 150%. Về lâu dài, doanh nghiệp đang tìm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế để giảm giá thành nhập khẩu đầu vào cho đơn vị. Thực tế, gần đây, các nguyên liệu thực phẩm của Việt Nam đã nâng cao chất lượng hơn và không có nhiều chất phụ gia nên được khách hàng khá ưa thích.
Tập trung nâng chất lượng sản phẩm Việt
Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 700-800 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa, cao su và bao bì, trong đó có khoảng 5% doanh nghiệp xuất khẩu. Tỷ giá USD/VND tăng không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng tiêu thụ trong nước, mà còn tác động tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu do phải cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu của những nước có nguồn nguyên liệu trong nước nhiều và có tỷ giá thấp hơn.
“Với ngành nhựa, bao bì, doanh nghiệp nên tận dụng nhiều nguồn nguyên liệu trong nước, nhất là nguyên liệu tái chế, đây cũng là xu hướng toàn cầu và định hướng của Chính phủ về kinh tế tuần hoàn” - ông Trần Việt Anh cho biết thêm.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc thị trường xuất, nhập khẩu rất nhiều nên doanh nghiệp cần theo dõi sát biến động trên thị trường thế giới để có thể có chính sách ứng phó kịp thời. Mặt khác, các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) thời gian tới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Lạm phát gia tăng, kinh tế đình đốn sẽ làm sức mua của các thị trường này giảm sút. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, cần quan tâm đến biến động giá USD của thị trường để có giải pháp ứng phó kịp thời, tránh những thiệt hại nhiều hơn khi chuẩn bị nguồn hàng cho xuất khẩu cuối năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sắp tới, để vượt qua được những khó khăn hiện tại, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình đối tác xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các nước có quan hệ với Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp cần quan tâm chuyển hướng sang nhiều thị trường khác để bù đắp kim ngạch xuất khẩu truyền thống bị giảm sút; đa dạng hóa mặt hàng, linh hoạt trong phương thức thanh toán, chủ động về nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất phục vụ xuất khẩu, đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển để giảm chi phí xuất khẩu đi các nước…
“Mặt khác, để nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, bản thân doanh nghiệp Việt Nam cần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất cho đến khâu chăm sóc khách hàng. Doanh nghiệp có thể lên kế hoạch quay về “sân nhà”, liên kết với các nhà phân phối nội địa để giảm tồn kho; tận dụng thương mại điện tử, bán hàng có niêm yết giá xuất khẩu và giá khuyến mãi nội địa để kích thích tiêu dùng. Cùng với đó, Nhà nước nên xem xét giảm các loại thuế, phí liên quan; Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp để kích thích tiêu dùng, đầu tư, hỗ trợ lãi suất ưu đãi…” - ông Nguyễn Văn Bé cho biết thêm.
Nguyễn Hoàng