Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Doanh nghiệp xuất hàng sang Trung Quốc cần thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19

Biên phòng - Tính đến sáng nay, 21-12, lượng xe hàng hóa còn tồn tại 3 cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.461 xe. So với 4.598 xe tồn tại thời điểm sáng ngày 20-12-2021, sau 1 ngày lượng tồn đã giảm 137 xe.

Hiện chỉ còn cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đang thông quan hàng hóa. Ảnh: Văn Thượng

Theo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân xe hàng giảm không phải do năng lực thông quan được nâng lên mà do thời gian chờ đợi lâu, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng, các doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, chuyển tiêu thụ nội địa nhằm gỡ lại phần nào chi phí.

Đánh giá về nguyên nhân ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, chiều 20-12, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Việc hàng hóa xuất khẩu ùn tắc hiện nay tại Lạng Sơn do rất nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu, cốt lõi là do lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vượt quá khả năng thông quan tại các cửa khẩu trong thời điểm hiện tại.

Ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn, hiện duy nhất còn cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị còn thông quan. Theo số liệu của Ban quản lý cửa khẩu, số lượng thông quan xe mỗi ngày hiện giữ ở mức 90-100 xe, bằng khoảng 1/5 so với công suất trước đây.

Lượng xe hàng hóa ùn ứ nhiều đang tạo sức ép lên công tác phòng, chống dịch Covid-19, sắp xếp bến bãi, đảm bảo an ninh trật tự…

Tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, đảm bảo công khai, minh bạch theo thứ tự, xe đến trước được xuất trước; ưu tiên các các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh như dưa hấu, mít, xoài... kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong điều hành hoạt động thông quan xuất nhập khẩu.

Trước tình trạng ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Lạng Sơn, chiều 20-12, ông Hồ Tỏa Cẩm, tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, cho biết hai nước đã có nhiều biện pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc.

"Chúng tôi nhập khẩu nông sản từ nhiều nước, trong đó nguồn hàng từ Việt Nam là rất lớn. Việc ùn ứ quy mô nhỏ, hàng năm đều có. Song chính vì Covid-19, việc ùn ứ phát sinh nghiêm trọng. Trong ấn tượng của tôi, đây là lần ùn tắc nghiêm trọng nhất", ông Hồ Tỏa Cẩm nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT )Trần Thanh Nam lưu ý: “Một số doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện nghiêm quy định 5K, dẫn đến một số lái xe nhiễm Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn, dẫn đến ùn tắc xe chở nông sản. Trung Quốc thực hiện kiểm soát rất kỹ, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa. Do đó, tôi rất mong các doanh nghiệp thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung",

Để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 20-12, ông Hồ Tiến Thiệu cho rằng cần nhiều giải pháp căn cơ: Thứ nhất, giữa Việt Nam và Trung Quốc phải thống nhất về các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 để giữ an toàn cho cả 2 bên, đây là mục tiêu trọng yếu ở giai đoạn hiện nay.

Thứ hai là, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cần phải ký các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các nông sản, hoa quả của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc để giảm thiểu thời gian kiểm dịch đối với hàng hóa, tạo điều kiện để thúc đẩy nhanh thời gian thông quan.

Thứ ba là cần khuyến cáo, chỉ đạo đối với nông dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản, hàng hóa, sản xuất nông sản theo đúng quy trình, quy định, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và các yêu cầu ngày càng cao của phía Trung Quốc và để tổ chức xuất khẩu hàng hóa chính ngạch, hạn chế tình trạng không có các hợp đồng thương mại, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới rất rủi ro trong việc mua bán, trao đổi giá cả bấp bênh… Về lâu dài phải sản xuất theo các quy trình, quy phạm đáp ứng được yêu cầu của cả 2 bên thông qua con đường chính ngạch.

Theo ông Thiệu, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn - địa bàn trọng điểm trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có điều kiện để đầu tư hạ tầng cơ sở, bến bãi, dịch vụ logistics để đảm bảo hàng hóa khi bị ùn ứ chưa thông quan được ngay có điều kiện bảo quan, đảm bảo chất lượng, giữ được hàng hóa không bị hàng hóa bị hư hỏng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ông Thiêu cho biết thêm, chính quyền tỉnh Lạng Sơn thường xuyên có trao đổ, điện đàm với chính quyền và các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thông quan hàng hóa để mọi việc được giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thương mại giữa 2 bên.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO