Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:47 GMT+7

Doanh nghiệp hồi phục sản xuất bảo đảm nguồn cung cuối năm

Biên phòng - Sau 1 tháng từng bước trở lại trạng thái bình thường mới, các hoạt động kinh tế của thành phố (TP) Hồ Chí Minh dần được khôi phục, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại. Nhiều doanh nghiệp đã tăng cường sản xuất hàng hóa để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu và chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Nhiều doanh nghiệp tăng ca, làm thêm giờ để đảm bảo các đơn hàng dịp cuối năm. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Nỗ lực hoàn thành các đơn hàng

Tính đến cuối tháng 10-2021, đã có gần 1.100 lao động, chiếm hơn 90% số công nhân của Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) đi làm trở lại. Tương tự, tại Công ty cổ phần giày Thiên Lộc (quận 12), phần lớn công nhân đã đi làm trở lại với khoảng 2.100 người trong tổng số 2.400 công nhân ở thời điểm trước dịch. Trước khi công nhân quay lại làm việc, Ban Giám đốc công ty quyết định chi hỗ trợ cho mỗi người 1 triệu đồng trong 2 tháng 9 và 10-2021; riêng tháng 11-2021, nếu công nhân nào có mặt tại công ty và đi làm đầy đủ sẽ được nhận thêm 1 triệu đồng nữa.

Anh Hà Quang Tuyến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần giày Thiên Lộc cho biết, công ty có đơn hàng xuất khẩu tương đối ổn định từ tháng 7 đến nay nhờ công ty duy trì phương án “3 tại chỗ”. Từ đầu tháng 10-2021, công nhân quay trở lại làm việc nhiều hơn nên bảo đảm đơn hàng xuất khẩu cho đối tác dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, do tác động của dịch bệnh nên các đơn hàng xuất khẩu cũng giảm so với các năm trước.

Tương tự, tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean (TP Thủ Đức), 600 công nhân cũng hoạt động trở lại từ đầu tháng 10-2021. Doanh nghiệp này hiện đang nỗ lực để xuất xưởng 1,2 triệu sản phẩm sang 8 nước châu Âu vào dịp cuối năm. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, hiện nay, quần áo của đơn vị đã lên kệ ở khắp châu Âu để bán vào dịp Noel và năm mới thông qua vận chuyển bằng máy bay. Công ty đã nhận đơn hàng sản xuất đến hết tháng 6-2022, vì vậy, ngay khi TP Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới, công ty vận động công nhân trở lại để bắt tay vào việc hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm. Trước đó, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp này luôn đảm bảo lương, thưởng đầy đủ và có nhiều khoản phụ cấp để người lao động ổn định cuộc sống tại TP.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, các đơn hàng tồn đọng chưa sản xuất còn khá nhiều. Cụ thể, sau hơn 1 tháng TP Hồ Chí Minh mở cửa trở lại, nhiều đơn vị đã nhận các đơn hàng mới bổ sung để có thể làm qua Tết Nguyên đán sắp tới, thậm chí hết quý II-2022. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cũng “hừng hực” khí thế lao động để gấp rút hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm. Ngoài ra, sau khoảng thời gian dài ngưng trệ vì dịch Covid-19, công nhân đang rất cần việc làm để tăng thu nhập sau mùa dịch.

“Để đảm bảo các đơn hàng dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án tăng ca, làm thêm giờ... Đây không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp dệt may phía Nam, mà còn là dấu hiệu lạc quan cho việc khôi phục lại nền kinh tế TP Hồ Chí Minh khi đợt dịch lần thứ tư được kiểm soát” - ông Phạm Xuân Hồng nói.

Gia tăng mua sắm Tết trực tuyến

Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, vào dịp này hằng năm, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng Tết. Tuy nhiên, tác động lớn của đại dịch Covid-19, dự báo tình hình tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ khó khăn nên các nhà sản xuất cũng dè chừng trong việc đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, công ty đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết khá dồi dào và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa năm nay không tăng cao so với các năm chưa có dịch bệnh. Nguyên nhân là do thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng từ đợt dịch bệnh lần thứ tư khá nặng nề. Năm nay, Vissan chỉ bổ sung một số ít dòng sản phẩm mới phục vụ thị trường Tết Nguyên đán là hàng hóa chế biến sẵn và hàng có tẩm ướp...

“Điểm khác của thị trường Tết năm nay là sau 4 tháng giãn cách vì dịch bệnh, người dân cũng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn nên đơn vị đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua việc hợp tác với các trang thương mại điện tử, chủ động mở website bán hàng trực tuyến. Nhiều mặt hàng Tết năm nay cũng được áp dụng các chương trình khuyến mãi luân phiên giữa các sản phẩm để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng” - ông Nguyễn Ngọc An nói.

Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, phương châm chuẩn bị hàng Tết năm nay là khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn. Trong đó, nâng cao ý thức về tiêu dùng và lựa chọn thực phẩm sạch của người tiêu dùng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước. Trong đó, tập trung phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa để chủ động phối hợp với doanh nghiệp bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội... trong dịp trước, trong và sau Tết.

“Hiện nay, các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu tung ra thị trường nhiều mặt hàng Tết mặc cho ảnh hưởng của dịch bệnh. Các mặt hàng Tết năm nay đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã và không tăng giá cao nhằm chia sẻ với khó khăn của người dân. Để đảm bảo kiểm soát giá cả dịp trước, trong và sau Tết, Sở cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra giá cả thường xuyên đi kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa Tết đảm bảo không để hàng hóa tăng giá đột biến, khan hàng, thiếu hàng trong dịp Tết Nguyên đán” - ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.

Trong khi đó, để ngăn chặn tình trạng hàng gian, hàng giả qua biên giới để vào TP Hồ Chí Minh trong dịp Tết năm 2022, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã giao Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Đoàn Đặc nhiệm Miền Nam - Cục Phòng chống tội phạm ma túy, Hải đoàn 28, lực lượng Biên phòng 2 tỉnh giáp ranh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang để kiểm tra, xử lý vi phạm vận chuyển hàng lậu tại cửa khẩu cảng, vùng biển. Ngoài ra, BĐBP TP cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển, khu vực cửa khẩu cảng; có kế hoạch trinh sát kịp thời phát hiện, bắt giữ khi có hành vi hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cửa khẩu cảng, biển TP…

Đại tá Nguyễn Văn Sửu, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: “Thời điểm cuối năm 2021, hoạt động buôn lậu dự báo sẽ diễn ra “rầm rộ” hơn, vì thế, lực lượng chống buôn lậu BĐBP TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, cảng sông. Ngoài ra, đơn vị đã chỉ đạo các lực lượng cơ sở nắm chắc mọi diễn biến tình hình về địa bàn, mục tiêu, đối tượng buôn lậu. Đặc biệt, đẩy mạnh phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thu thập, phân tích, theo dõi các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu có yếu tố phức tạp, hoạt động trên nhiều địa bàn nhằm sớm phát hiện vi phạm để xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước sau cú sốc mang tên Covid-19”.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO