Biên phòng - Trung tuần tháng 8-1954, tại làng Yên Dục, xã Thuận Hòa, huyện Quốc Oai, Sơn Tây (nay là xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội), Tiểu đoàn 12 (còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên) trực thuộc Trung đoàn 600 đã ra đời. 60 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên đã có mặt ở những điểm nóng nhất, nhận những nhiệm vụ gian khổ, phức tạp nhất, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ và cơ quan đầu não của Trung ương về tiếp quản Thủ đô; tiễu phỉ, bắt gián điệp, biệt kích... Với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của mỗi cá nhân, tập thể Đoàn Thanh Xuyên đã khắc họa nên truyền thống chiến đấu oanh liệt và vô cùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP).
![]() |
Các đại biểu Trung đoàn Thanh Xuyên tại Hội nghị mừng công ngày 4-4-1979, ở Thái Nguyên. (Ảnh do ông Trình cung cấp). |
Đại tá Nguyễn Đức Hiệu nhập ngũ năm 1968, được phân công về Đại đội 5 - Đại đội hỏa lực của Đoàn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Thanh Xuyên. Đến năm 1970, ông được rút về Tiểu đoàn bộ làm chiến sĩ thông tin rồi giáo viên văn hóa. Sau đó, ông lại được điều sang Ban Chính trị làm trợ lý thanh niên, rồi Trưởng ban Tuyên huấn của Đoàn Thanh Xuyên, hiện đảm nhiệm vai trò làm Trưởng ban liên lạc của Đoàn Thanh Xuyên. Người cựu binh này, từ lúc còn đương chức đã bỏ khá nhiều công sức sưu tầm, ghi lại các câu chuyện lịch sử, thành tích và tiếp xúc với nhiều cá nhân anh hùng của Đoàn Thanh Xuyên, nên nắm khá rõ lịch sử 60 năm phát triển và trưởng thành của Đoàn.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hiệu kể: Nhiệm vụ đầu tiên của Tiểu đoàn 12 là phối hợp cùng một số đơn vị bảo vệ, giữ gìn an toàn cho các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ từ chiến khu về Hà Nội vào tháng 8-1954. Sau đó, Tiểu đoàn tiếp tục nhận nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị và nhiều lực lượng, tổ chức bảo vệ lễ ra mắt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trước quốc dân đồng bào sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội làm việc. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn là bảo vệ lễ đài và giữ gìn trật tự an ninh khu vực Quảng trường Ba Đình, nơi diễn ra buổi mít tinh vào ngày 1-1-1955. Mặc dù nhiệm vụ phức tạp, mới mẻ, phương tiện vật chất thiếu thốn, nhưng nhờ nắm chắc địa bàn và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn, nên Tiểu đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, giai đoạn 1955-1958, cùng với nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia trên địa bàn Hà Nội, Tiểu đoàn 12 còn tham gia nhiều đợt bảo vệ các đoàn khách quốc tế tới thăm và làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, theo chỉ đạo của cấp trên, Tiểu đoàn đã phái một số cán bộ có trình độ tham gia làm nhiệm vụ cải cách ruộng đất ở nhiều địa phương trong cả nước. Mặc dù khối lượng công việc lớn, lực lượng phân tán, luôn phải cơ động, nhưng với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong những năm 1957-1958, Đoàn Thanh Xuyên đã cùng nhân dân, thanh niên Hà Nội xây dựng đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất, những công trình tiêu biểu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thời bấy giờ. Đặc biệt, năm 1957, Đoàn cùng các đơn vị thuộc Trung đoàn 600 và thanh niên Hà Nội tham gia đào đắp ao nuôi cá trong vườn Phủ Chủ tịch. Ao này được Bác Hồ thả cá và mang tên "Ao cá Bác Hồ", hiện trở thành một trong những di tích lịch sử vô giá.
Ông Hiệu nhớ lại: "Sau lễ ra mắt quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Tiểu đoàn 12. Bác ân cần dạy bảo: "Bác cháu ta sống trong gian khổ và kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội địch chiếm lâu ngày, đầy rẫy những cảnh sống xa hoa, trụy lạc, đừng sa ngã trước "viên đạn bọc đường" của địch". Bác yêu mến, tin tưởng ở cán bộ, chiến sĩ và đã đặt tên cho Tiểu đoàn 12 là "Đoàn Thanh Xuyên" với ý nghĩa như một thanh gươm báu, thường xuyên được mài dũa, tôi luyện, sẵn sàng hoàn thành mọi trọng trách mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó". Nhớ lời Bác dạy, những người lính Đoàn Thanh Xuyên dù trong gian lao lửa đạn, giữa cái sống và cái chết, vẫn luôn giữ vững khí tiết cách mạng, trung dũng, sáng tạo, đi đầu trước mọi thử thách, khó khăn. Trong công tác, chiến đấu xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như liệt sĩ Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Công Thuận và nhiều cá nhân tiêu biểu khác.
Những bước chân không mỏi
Ngày 3-3-1959, lực lượng CANDVT được thành lập. Đoàn Thanh Xuyên được tách ra từ Trung đoàn 600 thành đơn vị cơ động, trực thuộc Ban chỉ huy CANDVT Trung ương, do đồng chí Lê Văn làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Viết Bảo làm Chính trị viên. Nhiệm vụ của đơn vị là cơ động chiến đấu trên các tuyến biên phòng miền Bắc, chi viện cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trấn áp kẻ thù. Với nhiệm vụ có tính chất đặc thù và để đảm bảo bí mật, tên "Đoàn Thanh Xuyên" do Bác Hồ đặt lúc này mới chính thức được sử dụng rộng rãi.
![]() |
Ông Hiệu và ông Nguyễn Trọng Trình hào hứng kể lại những năm tháng sống, công tác tại Đoàn Thanh Xuyên. |
Ngày 6-4-1978, Đoàn Thanh Xuyên được Bộ Nội vụ (Bộ Công an) nâng cấp thành Trung đoàn 12, CANDVT. Lễ ra mắt Trung đoàn được tổ chức long trọng tại thị trấn Xuân Mai, Hòa Bình. Ban chỉ huy Trung đoàn 12 gồm 4 người, trong đó, đồng chí Hà Tám làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Trọng Trình làm Chính ủy. Ông Trình năm nay đã bước sang tuổi 95, song trí nhớ vẫn còn rất minh mẫn. Gợi nhớ lại những trang sử hào hùng của Đoàn Thanh Xuyên, giọng ông sang sảng: "Năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp. Sau ngày thành lập Trung đoàn, tôi cùng một số cán bộ chỉ huy Trung đoàn và các đơn vị lên vùng Cao - Lạng, Quảng Ninh khảo sát tình hình, chọn địa điểm đóng quân, chốt giữ những khu vực trọng điểm, tăng cường tuần tra bảo vệ biên giới. Cán bộ chỉ huy Trung đoàn một mặt động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, phát huy tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, mặt khác còn chỉ đạo tổ chức một bộ phận tăng gia sản xuất cải thiện đời sống bộ đội. Mỗi năm, chúng tôi sản xuất được 25 tấn thóc, chăn nuôi hàng trăm con trâu, bò, dê. Thời đó, đời sống của người dân vô cùng thiếu thốn khó khăn, nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ còn thiếu ăn. Ban chỉ huy Trung đoàn đã mở kho thóc bán cho gia đình cán bộ, chiến sĩ với giá rẻ, để anh em yên tâm công tác. Phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, những người lính Thanh Xuyên đã cống hiến trí tuệ, sức lực, hy sinh thân mình để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Điển hình là tấm gương hy sinh anh dũng của anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh, người chiến sĩ ưu tú của Đoàn Thanh Xuyên, đã phất lên ngọn cờ đầu trong phong trào chiến đấu rực lửa của thanh niên cả nước thời kỳ đó”.
Thực hiện Nghị quyết 22/NQTW của Bộ Chính trị chuyển giao nhiệm vụ, tổ chức của lực lượng CANDVT từ Bộ Nội vụ (Bộ Công an) sang Bộ Quốc phòng, ngày 26-4-1980, Trung đoàn 12, CANDVT được chuyển về Quân khu Thủ đô, nằm trong đội hình QĐND Việt Nam. 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đơn vị đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Toàn Trung đoàn và Tiểu đoàn 1 (nay là Tiểu đoàn 4) cùng 3 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là liệt sỹ Lê Đình Chinh, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Công Thuận. Riêng tập thể Đoàn Thanh Xuyên được trao tặng 156 Huân chương các loại. |