Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:48 GMT+7

Đoàn kết quốc tế theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Biên phòng - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân và dân tộc ta hệ thống di sản vô cùng phong phú và quý báu. Hệ thống di sản đó không chỉ được phản ánh trong các tác phẩm, các bài viết và nói, mà còn được thể hiện trong suốt quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng của Người. Đặc biệt, trước lúc đi xa, Người đã để lại bản Di chúc lịch sử, thấm đượm và kết tinh đạo đức, tư tưởng và văn hóa Hồ Chí Minh...

sypw_3a
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành trên quê hương lãnh tụ vô sản V.I. Lenin, tại thành phố Ulyanovsk, thuộc tỉnh Ulyanovskaya, Liên bang Nga, ngày 6-6-2017. 

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và rút ra vấn đề mang tính quy luật là: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”... Tư tưởng đoàn kết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm cuối cùng Người để lại cho Đảng ta, cho dân tộc và nhân dân ta trước lúc đi xa thể hiện ở tầm cao mới – văn hóa Hồ Chí Minh. Thật vậy, Osip Emilyevich Mandelstam (một nhà báo Xô Viết) sau lần gặp duy nhất Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) ở Moscow vào năm 1923 đã nhận định: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”. 

Về sau, “nền văn hóa của tương lai” và “tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương” của Hồ Chí Minh không những chỉ tạo nên sức mạnh đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam, mà còn là sức mạnh đại đoàn kết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược... Có thể khẳng định, sức mạnh đại đoàn kết là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng trước đây và công cuộc bảo vệ đất nước ngày nay. 

Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng và văn hóa Hồ Chí Minh, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết (1987) vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, là người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên toàn thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”... Nhân sự kiện này, Times - một tờ báo có uy tín với công chúng Mỹ cũng khẳng định: “Hồ Chí Minh là một trong những chính khách đã làm thay đổi diện mạo của hành tinh trong thế kỷ XX”.   

Với trí tuệ mẫn tiệp, tư duy lôgic và khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu và xây dựng phương châm hoạt động cách mạng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình để mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân, nhưng trước lúc đi xa vẫn trăn trở và căn dặn: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Với nhãn quan chính trị của một vĩ nhân, sự minh triết của nhà tổ chức cách mạng, Người luôn đặt lên hàng đầu yếu tố “đoàn kết”. Theo những di huấn của Người, chỉ có “đoàn kết, đại đoàn kết” mới tập hợp được lực lượng, hình thành được tổ chức cách mạng, tạo sức mạnh to lớn để biến lý luận khoa học, đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực và mang lại sự “đại thành công”.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến vấn đề “tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng”. Đó chính là ngọn nguồn để xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh để Đảng luôn ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, tư tưởng đoàn kết của Người không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội bộ (Đảng, Nhà nước ta), mà thể hiện trên bình diện rộng lớn - đó là đoàn kết quốc tế. Thực tiễn cho thấy, dân tộc Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng mạnh cũng bởi nhờ toàn dân luôn đoàn kết một lòng; đồng thời, nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu (cả về tinh thần và vật chất) của các nước anh em, bạn bè khắp thế giới. 

Những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình đoàn kết quốc tế bắt nguồn từ tình yêu thương đối với con người, với nhân loại và đoàn kết toàn nhân loại vì mục tiêu giải phóng các dân tộc bị áp bức, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở Tours (12-1920), Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Cũng từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới. 

Những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác cũng như các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới... 

Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến đoàn kết giữa các đảng cộng sản anh em trên toàn thế giới, với khẩu hiệu nổi tiếng: “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Người đã căn dặn: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. 

Di chúc thực sự còn là một mẫu mực tuyệt vời về sự ứng xử tinh tế và cao thượng của một vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, người con ưu tú của dân tộc. Sự khoáng đạt, nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng và tình nghĩa thủy chung, sâu sắc  là sự hoàn chỉnh của chân - thiện - mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động, cảm động, sức cảm hóa và làm lay động muôn triệu trái tim con người Việt Nam và nhân loại cần lao. Sự ứng xử tinh tế, sâu lắng và tình yêu thương đồng loại của Hồ Chí Minh thể hiện ở câu kết Di chúc: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. 

Công Minh

Bình luận

ZALO