Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Dìu nhau trong lốc xoáy

Biên phòng - Gió đổ, mây đen bao phủ, vòi rồng cuồn cuộn hút nước, những con tàu phải chịu trận tại chỗ và kêu gọi bạn chài khắp vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa dồn về ứng cứu. Đó là cảnh vừa diễn ra trên biển khơi trong những ngày qua. Cuộc sống trong đất liền khá yên bình, chỉ có những người sống ở làng chài đánh bắt xa bờ ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mới thấu hiểu, người thân của họ đã phải hứng chịu những diễn biến thời tiết nguy hiểm tới mức nào.

nr31_10a
Thuyền trưởng Ngô Văn Thành bên chiếc tàu được bộ đội Trường Sa sửa chữa giúp. Ảnh: Lê Văn Chương

Vòi rồng xuất hiện như cơm bữa

Ông Nguyễn Ngọt, cán bộ Nghiệp đoàn nghề cá Bình Chánh vẫn ám ảnh câu chuyện về giông lốc khiến người thân không trở về. Đó là trong một chuyến ra khơi câu mực ở quần đảo Trường Sa, cách đây chưa lâu, khi tàu của ông Ngọt, Nguyễn Mía và Nguyễn Hữu Chính neo gần nhau. Một cơn lốc kỳ lạ của biển khơi nổi lên rất nhanh và nhấn chìm tàu neo bên cạnh, khiến ông Chính và 6 ngư dân đi bạn bỏ mạng. Sự việc diễn ra ngay trước mũi 2 con tàu, nhanh đến mức không ai kịp trở tay. Đó là câu chuyện về giông lốc ở vùng biển khơi Trường Sa. Những cơn lốc đến rất nhanh rồi lại biến đi. Mùa hè năm nay, lốc biển lại liên tiếp xuất hiện.

Những ngày cuối hè ở miền Trung, không khí trong đất liền hầm hập hơi nắng. Nhưng các ngư dân ở xã Bình Chánh trở về đất liền với tâm trạng lo âu. Lốc xoáy trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa liên tục xuất hiện từ đầu tháng 7, kéo dài gần 2 tháng, đẩy đoàn tàu câu mực phải sớm trở về đất liền. Khi có giông lốc, gió tới rất nhanh, tàu không chạy kịp, ngư dân phải chấp nhận sống chung với sóng dữ. Các tàu cá của ngư dân Ngô Văn Thành bị sóng đánh toác mũi tàu; tàu của ông Lê Hồng Sơn được cứu 2 lần nhưng vẫn bị sóng đánh chìm...

Ngư dân Ngô Văn Thành, thuyền trưởng tàu cá QNg 95255 TS chia sẻ câu chuyện về thời tiết bất thường trên biển, chưa năm nào như năm nay. Theo anh Thành và các ngư dân, những năm trước đây, vùng biển Trường Sa xuất hiện gió giông, nhưng nó trôi qua nhẹ nhàng. Giông trên biển Trường Sa giống như ráng mây cuối ngày. Khi bầu trời ngả về chiều thì giông báo hiệu bằng vòi rồng. Trong đất liền, vòi rồng rất hiếm hoi, nhưng ngoài vùng biển Trường Sa thì vòi rồng xuất hiện như cơm bữa. Vòi rồng di chuyển nhanh, như chiếc bơm siêu cao áp, rút nước biển lên bầu trời. Nơi vòi rồng thọc xuống, mặt biển như nồi nước sôi và nổi sóng trắng xóa.

Vòi rồng chấm dứt hút nước thì tiếp đến là giông gió, hoặc 2 ngày sau có mưa. Những năm trước đây, cơn giông mùa Hè thoảng qua nhanh với sức gió cấp 6, cấp 7. Nhưng mùa hè năm nay, giông lốc đến nhanh và tạo ra những trận cuồng phong lên đến cấp 9, giật trên cấp 9. Gió giông trên biển khác với gió bão. Nếu bão xuất hiện thì trừ vùng tâm bão là lặng gió, còn toàn bộ đều nằm trong vòng xoáy. Còn gió giông trên biển thì bên này nắng hanh hao, bầu trời quang đãng, mặt biển êm mượt như nước hồ, nhưng cách đó không xa là một vùng biển như bị một chiếc đũa thần thò xuống khuấy đảo.

Cứu tàu giữa biển khơi

Đứng bên cạnh con tàu QNg 95255 TS, ngư dân Ngô Văn Thành chỉ lên những vạt gỗ trên mũi tàu bị sóng đánh bật tung. Mũi tàu được nẹp bằng 5 miếng thép, phía bên trong mũi tàu là dây cáp, ốc xoắn để cố định lại những tấm ván bị sóng đánh bật tung ra. Con tàu này bị một cơn lốc đánh toạc mũi ở Trường Sa. Các ngư dân đi bạn cho biết, sóng đánh tràn qua boong, anh em thả neo nổi cho tàu trôi theo sóng, nhưng thân tàu gỗ không chịu đựng được lâu, đã bị toác phần mũi. Lúc tai nạn xảy ra, những chiếc tàu cùng quê cách tàu này khoảng 120 hải lý, nên toàn bộ ngư dân cảm thấy bơ vơ trên biển.

Các ngư dân hì hục tát nước, chèn quần áo vào các kẽ hở, thay phiên nhau ngủ trực canh mũi tàu, cho con tàu thả trôi mấy ngày đêm trước khi quay về đảo. Tại đảo Trường Sa, con tàu này được anh em bộ đội sử dụng mỏ hàn cắt thép thành miếng để nẹp bên ngoài mũi tàu, néo dây cáp để cố định mũi tàu ở phía bên trong. Ở trên biển, việc tìm ra được những vật liệu này để “băng bó” cho con tàu đã là một nỗ lực lớn của anh em bộ đội. Sau 3 ngày, con tàu được khắc phục ổn định, tàu cá QNg 90549 TS của ngư dân Bùi Đức Thanh đã dìu tàu bị nạn trở về. Hành trình của 2 con tàu này từ Trường Sa vào đất liền mất 7 ngày 7 đêm.

m8v7_10b
Thuyền trưởng Lê Hồng Sơn vừa thoát nạn trở về. Ảnh: Lê Văn Chương

Đối với trường hợp của tàu cá Lê Hồng Sơn được tàu cá Nguyễn Tấn Trưởng cứu vớt cũng được nhiều người kể lại, nhất là tinh thần ra tay cứu giúp người. Gặp thuyền trưởng Sơn, ông nói rằng, tài sản mất hết, giờ lâm cảnh trắng tay, nhưng may mắn vẫn còn giữ được mạng sống. Nhưng khó quên nhất là lúc tàu cá sắp chìm, các ngư dân đi bạn đã di chuyển sang tàu cá cứu nạn, nhưng hai cha con ông vẫn chưa chịu rời đi. Một cuộc vật lộn trên con tàu sắp chìm giữa các ngư dân và cha con ông Sơn, cuối cùng, cha con ông cũng thoát nạn, trở về bến an toàn.

Trước đó, mờ sáng ngày 6-8, tại vùng biển Hoàng Sa, ông Sơn thức giấc vì linh cảm có chuyện lạ trên tàu. Tình hình thời tiết trên biển đang xấu dần, trong khi đường về đất liền khá xa xôi. Khi lần xuống hầm tàu, ông  Sơn giật nảy người phát hiện ra nước ngập tràn trong hầm. Tiếng kêu thảng thốt của ông Sơn đã đánh bật các ngư dân dậy để tát và bơm nước. Ông Sơn lên Icom kêu cứu nạn khẩn cấp: “Tàu Lê Hồng Sơn bị phá nước, tọa độ...”.

Mãi đến 8 giờ sáng, tàu cá của ngư dân Nguyễn Tấn Trưởng chạy hết tốc độ mới tiếp cận tàu ông Sơn. Các ngư dân hối hả đẩy sang 3 chiếc bơm và chạy máy điện để bơm cứu tàu. Suốt mấy tiếng đồng hồ, chiếc tàu mới cạn nước dưới khoang và bắt đầu được tàu cứu nạn kéo về hướng đất liền. Tàu hành trình đến ngày hôm sau thì bắt đầu đuối dần, vì sóng lớn, nước liên tục tràn vào hầm, máy tàu chết vì bị ngập nước, không thể khắc phục được. Cha con ông Sơn đã kêu khóc khi nghĩ đến nợ nần, thương tiếc con tàu ngày mai không còn được nhìn thấy.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO