Biên phòng - Là một xã biên giới của tỉnh Thanh Hóa, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với du lịch tâm linh. Tận dụng ưu thế của địa phương, hiện nay, xã Bát Mọt đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, đưa nơi đây trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn của tỉnh trong tương lai không xa.
Những ngày cuối năm, chúng tôi có chuyến công tác lên xã biên giới Bát Mọt. Một trong những địa điểm chúng tôi chọn đến đó là thôn Vịn - một trong những nơi xa nhất của xã Bát Mọt, cách thành phố Thanh Hóa 130km về phía Tây, cách trung tâm huyện Thường Xuân 70km. Thôn Vịn có 177 hộ người Thái với 819 nhân khẩu. Đường lên thôn Vịn giờ đây đã được trải nhựa và bê tông hóa hoàn toàn nên việc đi lại cũng trở nên dễ dàng hơn. Hai bên đường là những cánh rừng xanh thẳm ngút ngàn và những cung đèo uốn lượn với cảnh sắc rất hấp dẫn.
Đón chúng tôi, ông Lang Hồng Tuyên, Trưởng thôn Vịn, hồ hởi nói: “Đã đến nơi đây mà không vào thôn Vịn thì coi như chưa đến Bát Mọt rồi...”. Đưa chúng tôi đi tham quan, ông Tuyên hào hứng chia sẻ về những ấp ủ, kế hoạch trong tương lai của bà con nơi đây để cùng vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông cho biết, vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tháng 3-2018, chính quyền huyện Thường Xuân đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, khảo sát 2 địa điểm là thôn Vịn, xã Bát Mọt và thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm để phát triển đề án. Hiện nay, đối với thôn Vịn, nhà cửa cơ bản đáp ứng được yêu cầu du lịch cộng đồng, còn đối với thôn Thanh Xuân đã có nhiều hộ dân thí điểm làm du lịch cộng đồng, bước đầu thu được hiệu quả nhất định.
Du lịch cộng đồng ở thôn Vịn nằm trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của huyện năm 2019. Đây là một bản làng người Thái được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hoang sơ, có tiềm năng du lịch sinh thái, được ví như một “Tam Đảo” hay “Sa Pa” của huyện Thường Xuân. Một trong những điểm hấp dẫn ở thôn Vịn là thác suối Liềm. Con thác này có phong cảnh còn hoang sơ, nằm cách xa khu vực dân cư và phải mất khoảng 2 giờ đi bộ từ bản Vịn để đến được thác.
Mặc dù ở cách xa trung tâm của huyện Thường Xuân, nhưng bù lại, Bát Mọt được thiên nhiên ưu đãi khi có khu rừng nguyên sinh nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Trong đó, thôn Vịn có khu rừng nguyên sinh và là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm đang được bảo tồn. Đây là điểm dừng chân lý tưởng để du khách có thể trải nghiệm trèo đèo, lội suối, khám phá rừng nguyên sinh. Đặc biệt là tìm hiểu, khám phá nhiều loại thực vật quý hiếm, rừng cây cổ thụ, trong đó có quần thể cây pơ mu và sa mu trên 1.500 tuổi được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Nơi đây còn có nhiều loài thú quý hiếm như quần thể voọc xám trên 200 cá thể, vượn đen má trắng trên 120 cá thể. Cảnh đẹp nơi đây còn hoang sơ và tự nhiên, khí hậu ở thôn Vịn mát mẻ quanh năm có cảm giác như lạc vào một thế giới tự nhiên đẹp thơ mộng với những trải nghiệm du lịch sinh thái tuyệt vời. Đặc biệt, người dân ở đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của người Thái như: Hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống; cùng với nhiều món ăn đặc trưng của đồng bào Thái như: Canh ui, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng...
Từ những lợi thế đó, ngày 9-3-2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định 715 phê duyệt “Đề án cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân”. Với sự quan tâm của các cấp, hiện nay, thôn Vịn đang được đầu tư nhiều chương trình, dự án để thúc đẩy du lịch. Đáng chú ý là dự án trồng 20ha mận tam hoa tạo nên cảnh quan ven đồi rừng và làm nhà sàn theo mô hình “Homestay”, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và bản sắc văn hóa bản địa, giao lưu văn nghệ và thưởng thức ẩm thực của đồng bào Thái. Thông qua các chương trình, dự án hứa hẹn sẽ tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lang Thanh Doãn, Bí thư Đảng ủy xã Bát Mọt cho biết, nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó có việc thí điểm xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Vịn. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng rất tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng làng du lịch cộng đồng. Quan tâm cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc như nhà sàn truyền thống, khua luống, nhảy sạp, dệt thổ cẩm... và các món ăn truyền thống của dân tộc Thái, qua đó thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
Quang Long