Biên phòng - Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ đang được triển khai tích cực, hình thành hệ thống dữ liệu lớn quốc gia và liên thông dữ liệu là nền tảng quan trọng nhất cho quá trình thực hiện CĐS quốc gia.

Đến hết tháng 4, cả nước đã cấp trên 80 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; thu nhận 26,1 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, phê duyệt 23,7 triệu hồ sơ và có 8,4 triệu tài khoản kích hoạt. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu trên 51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỷ lệ 83,28%)…
Tuy nhiên, việc quản lý không gian mạng, trong đó mạng xã hội vẫn là bài toán đau đầu ở nước ta. Không ít lần các cơ quan chức năng phản ánh rằng rất khó khăn để xác thực các tài khoản trên mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi đến thời điểm này còn 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ.
Báo cáo thực trạng thị trường Digital Việt Nam 2023 cho thấy, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đến tháng 1/2023 là 70 triệu người, trong đó 5 nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất gồm: Facebook (91,6%), Zalo (90,1%), TikTok (77,5%), Facebook Messenger (77%) và Instagram (55,4%)…
Theo chuyên gia an ninh mạng, đợt chuẩn hóa mạnh mẽ thông tin cá nhân tất cả thuê bao di động vừa qua sẽ giúp hạn chế được vấn nạn lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao qua SIM điện thoại…
Nhưng để có một môi trường thông tin lành mạnh và hợp pháp. Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang xây dựng và sớm ban hành trong năm nay nghị định mới thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Theo đó, thay đổi rất quan trọng là tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok… và mạng xã hội trong nước. Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Thông tin trên nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận vì việc sớm thực hiện, xác định người dùng thật, loại bỏ tài khoản ảo là điều rất tích cực và cần thiết, giúp cơ quan chức năng quản lý và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Trước ý kiến cho rằng, nếu định danh tài khoản mạng xã hội sẽ làm giới hạn nhu cầu của người dùng, lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định, quy định này không đáng lo ngại, tương tự như việc một người có thể sở hữu nhiều SIM điện thoại, miễn là được xác định tính chính chủ đầy đủ. Người dùng vẫn có thể sử dụng nhiều tài khoản xã hội được định danh để phục vụ những nhu cầu riêng biệt như gia đình, công việc, giải trí.
Cùng với quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình CĐS, thì vấn đề định danh rõ ràng mang nhiều giá trị và giá trị lớn nhất là sự minh bạch, thuận tiện trong giao tiếp, hướng đến sự phát triển của xã hội số. Điều này được thể hiện khá rõ khi gần đây các cơ quan nhà nước có nhiều nỗ lực để hình thành môi trường số, công dân số. Điển hình như VNeID, sẽ thay thế những giấy tờ truyền thống, đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân…
Trong đời sống số, hình thành, liên thông và khai thác hiệu quả, kịp thời các nguồn dữ liệu lớn quốc gia cần được ưu tiên. Do vậy, chúng ta kỳ vọng giải pháp định danh, minh bạch tài khoản các nền tảng mạng xã hội vừa đáp ứng nhu cầu của người dùng Internet, vừa đảm bảo việc thực thi các chính sách của pháp luật, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam.
Thanh Thảo