Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 12:08 GMT+7

Điều hành giảm giá xăng dầu

Biên phòng - Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 lần, trong đó xu hướng chủ đạo là tăng. Sau lần điều chỉnh mới đây, xăng RON 95 đã cán mức 24.338 đồng/lít, dầu diesel 18.716 đồng/lít, đây là những mức giá cao nhất từ trước tới giờ, lại rơi vào thời điểm doanh nghiệp và người dân đang gượng dậy sau nhiều tháng oằn mình bởi Covid-19.

Bình ổn giá xăng dầu để giảm thiểu sự tác động tiêu cực của việc tăng giá đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Internet

Xăng dầu là một trong các mặt hàng đầu vào của nền kinh tế nên khi tăng giá sẽ tác động đến kết cấu giá thành của hầu hết các hàng hóa, dịch vụ và ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chịu tác động nặng nề nhất là lĩnh vực vận tải, vì tiền xăng dầu luôn chiếm đến 40% trong kết cấu giá dịch vụ của ngành này. Chịu nhiều tổn thất sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, nay chi phí xăng dầu tăng, trong khi giá dịch vụ không thể tăng tương ứng, ngành vận tải thật sự rơi vào thế khó.

Để tránh những tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là tìm giải pháp kiềm chế giá xăng dầu không tăng lên quá cao theo đà tăng thế giới. Tuy nhiên, điều hành giá xăng dầu cần phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời phải tính toán đến cân đối, để vừa bảo đảm nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.

Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng phi mã trong thời gian qua do nhu cầu tăng cao sau khi các nước nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa nền kinh tế, trong khi thiếu nguồn cung về than và khí đốt tại Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu...

Trước diễn biến trên, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính sử dụng linh hoạt các giải pháp, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để giảm thiểu sự tác động tiêu cực của việc tăng giá đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ Bình ổn giá đã chi sử dụng liên tục ở mức cao (từ 100-2.000 đồng/lít), tổng chi lên tới 9.000 tỷ đồng. Như kỳ điều hành mới đây, nếu không thực hiện tăng chi Quỹ Bình ổn giá thì mặt hàng xăng RON 95 tăng đến 2.527 đồng/lít.

Nhờ đó, giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03%, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.

Tuy vậy, giá xăng dầu hiện vẫn đang ở mức khá cao. Những diễn biến tăng giá hàng hóa, dịch vụ gần đây khiến dư luận lo ngại, giá xăng dầu tăng sẽ gây khó khăn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, giải pháp cấp bách lúc này là kìm đà tăng giá xăng dầu, tránh ảnh hưởng bất lợi tới nền kinh tế còn đang “đuối sức” do dịch Covid-19. Nhưng đáng lo ngại là Quỹ Bình ổn giá đang dần cạn. Bộ Tài chính ước tính chỉ còn khoảng 600 tỷ đồng trong quỹ. Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối âm quỹ lớn, như Petrolimex âm hơn 200 tỷ đồng, PVOil âm gần 700 tỷ đồng.

Thế nên, các chuyên gia đề xuất, sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh giá xăng dầu là khả thi nhất. Bởi, trong giá bán lẻ 1 lít xăng có khá nhiều loại thuế và phí, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, trích quỹ bình ổn... Tính ra, các loại thuế và phí chiếm gần 65% tổng giá sản phẩm xăng đến tay người tiêu dùng. Ngay cả xăng sinh học RON 92 (E5) là nhiên liệu thân thiện với môi trường nhưng hiện phải chịu thuế bảo vệ môi trường đến 3.800 đồng/lít.

Rõ ràng, việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ về tài khóa thời gian qua cũng chính là vì người dân, doanh nghiệp. Do đó, việc Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế cho xăng dầu để giảm giá mặt hàng này là cần thiết, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để sớm phục hồi nền kinh tế.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO