Biên phòng - Tà Lao là một bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của xã Tà Long, huyện Đakrông (Quảng Trị), hầu hết người dân là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Lúc trước, đời sống của người dân nơi đây thiếu thốn trăm bề, nhưng giờ đây, bản Tà Lao đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kéo điện lưới về từng gia đình. Ánh điện văn minh đã thật sự mang lại niềm vui cho người dân bản Tà Lao…
Từ trung tâm xã Tà Long, chúng tôi vượt dốc tìm vào bản Tà Lao. Qua hết đoạn đường bê tông chỉ kéo dài vài trăm mét thuộc tổ 1, là đoạn đường cấp phối lầy lội, lởm chởm những đá hộc, đá tảng. Những trận mưa lớn trước đó đã tạo ra những rãnh sâu xé đôi mặt đường. Con đường khúc khuỷu, gồ ghề và dựng đứng như thử thách những tay lái miền xuôi như chúng tôi. Có nhiều đoạn trơn tuột và dốc đứng nên người bạn đồng hành của tôi phải xuống xe cuốc bộ lên đỉnh dốc. Phải mất hơn 30 phút trên đoạn đường gồ ghề, quăng quật liên hồi, chúng tôi mới vượt qua được gần 10km để đến với tổ 2, tổ 3, bản Tà Lao. Đường dây điện lưới quốc gia chạy men theo con đường hiểm trở này từ trung tâm xã đến tận tổ 3, bản Tà Lao.
Khi mái nhà sàn đầu tiên ở tổ 2 vừa hiện ra, chúng tôi đã nghe tiếng nhạc vang vọng những âm điệu xập xình vui nhộn của bài hát "Em là cô gái nông thôn" do nhạc sĩ trẻ Lynk Lee sáng tác, phát ra từ ngôi nhà sàn của anh Hồ Văn Quyền. Thấy chúng tôi quần áo xộc xệch, lấm lem bùn đất, anh Hồ Văn Quyền, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lao hóm hỉnh: "May mà mấy hôm nay trời không mưa đó, chứ trời mưa thì các anh còn phải lấm lem hơn nhiều mới vào được đây". Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau ái ngại. Thôn Tà Lao có tất thảy 80 hộ dân với 460 nhân khẩu, được phân bố đều trên 3 tổ (từ tổ 1 ở sát trung tâm xã đến tổ 2, tổ 3 ở sâu nhất). Tổ 1 đã được sử dụng điện lưới quốc gia từ lâu, riêng tổ 2 và tổ 3 thì đến cuối năm 2015 mới có điện.
"Trước đây, vì không có điện lưới nên người dân thôn Tà Lao phải sống trong bóng tối, mù tịt những thông tin về thế giới bên ngoài. Nhiều gia đình khao khát có điện nên đã xuống tận chợ Đông Hà (TP Đông Hà) mua máy phát điện mi ni với giá hơn 1 triệu đồng/chiếc về đặt dưới suối để có điện sinh hoạt. Vì dòng điện yếu nên lúc được lúc mất" - anh Quyền cho biết.
Nói rồi, anh Quyền chỉ tay về hướng trạm biến áp điện cách nhà anh không xa và phấn khởi: "Khắp thôn bản Tà Lao nhà ai cũng được sử dụng điện lưới quốc gia, ai cũng sắm cho mình những thiết bị điện cần thiết như tivi, dàn karaoke, quạt máy, nồi cơm điện… Tới nhà nào cũng nghe tiếng nói cười của bà con". Quả đúng như vậy! Riêng các hộ gia đình ở tổ 2, thôn Tà Lao đã có gần 10 cái tivi và dàn karaoke, còn nồi cơm điện, quạt điện và bóng đèn chiếu sáng thì hầu hết nhà nào cũng có.
Trước đó, khi nghe tin có điện lưới quốc gia về bản, nhiều người đã lặn lội về tận TP Đông Hà để mua sắm các thiết bị điện dân dụng cần thiết cho gia đình. Như chị Hồ Thị Cum (40 tuổi), ở tổ 2, khi biết điện sắp về với thôn bản, chị đã cùng chồng đi mua sắm tivi, quạt máy và nồi cơm điện trị giá vài triệu đồng về sử dụng. Chị Cum nhớ lại: Lúc trước, cả thôn bản chỉ được một, hai cái tivi cũ kỹ sử dụng nguồn điện từ những chiếc mô-tơ phát điện, đến mùa hạn thì không có điện, còn mùa lũ thì rác từ trên nguồn về làm tắc nghẽn mô-tơ. Một ngày họ phải lọ mọ mấy chục lần ra suối gỡ rác khỏi mô-tơ. Giờ thì sướng rồi, được xem tivi, nghe radio thoải mái. Việc nấu cơm nay cũng khỏe hơn vì có nồi cơm điện và bếp điện, không phải lên rừng tìm chặt củi như trước nữa.
Từ khi có điện, đời sống sinh hoạt của người dân thôn Tà Lao đã được cải thiện rõ rệt. Các em học sinh có ánh sáng đèn điện để phục vụ cho việc học tập tốt hơn, không còn cảnh thắp đèn dầu ngồi học mỗi khi trời tối. Em Hồ Thị Mây, ở tổ 3 nói: "Trước đây, em phải thắp đèn dầu để học bài, nếu nhà hết dầu thì không học được. Từ khi có điện, em có nhiều thời gian để học bài hơn. Em rất vui!". Thôn Tà Lao hiện có gần 20 em đang độ tuổi từ mầm non đến tiểu học, 5 em học trung học phổ thông và 7 em đang học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh và cả nước.
Đến tận bây giờ, chị Hồ Thị Men (32 tuổi) là nhân viên y tế thôn bản vẫn chưa quên được những lần làm "bà đỡ" trong bóng đêm mịt mùng bao phủ. Chị Men chia sẻ: "Mình thường đảm đương công việc khám chữa bệnh và đỡ đẻ cho các chị em trong bản. Lúc trước không có ánh sáng đèn điện, mình phải thắp đèn dầu leo lét để giúp chị em "vượt cạn" trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Từ khi có điện về bản, công việc nhẹ nhàng và thuận tiện hơn rất nhiều. Chị em không còn chịu cảnh sinh ra không thấy rõ mặt con nữa rồi". Cũng từ khi có điện, 3 người con của chị Men đạt thành tích cao hơn trong học tập và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Trên đường đến nhà Trưởng bản Tà Lao, chúng tôi gặp hai công nhân điện lực đang kiểm tra hệ thống điện tại trạm biến áp thôn Tà Lao. Anh Phạm Văn Vĩnh (sinh năm 1986) là một trong những người trực tiếp kéo điện từ đường dây cao thế về tận từng hộ gia đình ở thôn Tà Lao, vui vẻ cho biết: "Đường vào thôn Tà Lao, người bình thường đi đã khó, để kéo được đường dây cao thế và nối được từng mạch điện vào tận nhà dân càng khó khăn gấp bội. Nhưng để bà con thôn bản sớm có điện, anh em công nhân chúng tôi đã nỗ lực làm việc ngày đêm để hoàn thành trước thời hạn đặt ra.
Chỉ trong vòng 5 ngày, chúng tôi đã kéo điện đến 49 hộ dân ở tổ 2 và tổ 3 của thôn Tà Lao. Nhìn thấy nét mặt hân hoan, nụ cười tươi rói, ánh mắt rạng ngời của bà con, chúng tôi thật sự xúc động". Nói rồi, anh Vĩnh cùng chúng tôi đến nhà Trưởng bản Tà Lao. Trưởng bản Nguyễn Văn Hiếu năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, phong thái quắc thước, đạo mạo. Tiếp chuyện chúng tôi, già Hiếu cười sảng khoái rồi kể: "Từ khi có điện, bố và con cháu được xem thời sự, được biết nhiều thứ mà từ trước tới giờ chưa được biết. Cũng nhờ có cái tivi mà bố và con cháu học được nhiều điều bổ ích trong cách trồng trọt, chăn nuôi như thế nào cho có hiệu quả. Trước giờ, người dân bản Tà Lao này thiếu thốn nhiều thứ quá! Thiếu nhất là "ánh sáng văn minh".
Nhờ có điện mà văn minh mới tìm đến với con người nơi đây. Cũng nhờ có điện mà bà con đã thay đổi cách suy nghĩ trong lối sống hàng ngày và sản xuất. Bố vui lắm!". Qua ánh mắt của già Hiếu, tôi thầm hiểu và chia sẻ niềm vui cùng ông. Niềm vui của già Hiếu cũng là niềm vui chung của người dân bản Tà Lao. Nó hiển hiện qua từng ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ của con người nơi đây. Ai ai cũng nói cười rộn ràng, vui vẻ trò chuyện. Họ kể cho nhau nghe hôm nay lên nương rẫy, mình đã áp dụng kỹ thuật trồng ngô mà chương trình "Chuyện nhà nông" trên tivi bày vẽ như thế nào, nó hay ho và thú vị ra sao, phải chăn nuôi gia súc theo hướng nuôi nhốt mới đạt hiệu quả… Hết câu chuyện này đến kinh nghiệm khác được bà con truyền tai nhau trong niềm hân hoan.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Diên, Chủ tịch UBND xã Tà Long cho biết: "Xã Tà Long có 9 thôn bản, thôn Tà Lao là thôn thứ 8 được hòa lưới điện quốc gia, hiện vẫn còn một thôn Ba Ngày chưa có điện. Từ khi có điện, cuộc sống của người dân đã có sự khởi sắc đáng kể về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Bà con hứng khởi, mạnh dạn đầu tư làm ăn phát triển kinh tế. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao, các em học sinh có điều kiện tốt để học tập, số lượng con em đến trường ngày càng tăng và ổn định. Việc khám chữa bệnh cho người dân cũng thuận tiện hơn. Bà con xem trên tivi nên đã hiểu được khi đau ốm thì nên đến trạm xá chứ không nhờ thầy mo, thầy cúng như trước.
Việc Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giúp người dân thôn Tà Lao nói riêng, xã Tà Long nói chung được sử dụng lưới điện quốc gia đã góp phần mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giúp nâng cao đời sống gia đình của các hộ dân nơi đây".
Thanh Thanh