Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:25 GMT+7

Diện mạo mới trên quê hương Vĩnh An

Biên phòng - Là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Vĩnh An còn nhiều hạn chế. Nhưng sau khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vùng đất phèn, mặn, hoang hóa ngày nào, nay đã khởi sắc khiến cuộc sống của người dân nơi đây đổi thay từng ngày.

wd2n_14a
Anh Trần Văn Dũng, ở ấp An Quới, xã Vĩnh An, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chăm sóc đàn dê từ nguồn vốn hỗ trợ. Ảnh: Diệp Anh

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân 

Qua 8 năm thực hiện xây dựng xã nông thôn mới, Vĩnh An đã huy động được 139,4 tỉ đồng. Trong đó, vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ 86 tỉ đồng, huyện 4,3 tỉ đồng, vốn ngân sách xã và các nguồn do xã vận động là 22 tỉ đồng, vốn doanh nhgiệp 3,2 tỉ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, người dân đã đồng thuận hiến đất, đóng góp ngày công lao động để làm cầu, đường giao thông nông thôn... 

Ông Đinh Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết, bộ mặt nông thôn ở Vĩnh An ngày càng khởi sắc, những ngôi nhà kiên cố, khang trang mọc lên ngày càng nhiều, các công trình phúc lợi được đầu tư nâng cấp. Trong đó, 75% đường trục xã đến ấp được bê tông hóa, 55% đường trục ấp, đường liên ấp được cứng hóa. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng như điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, hệ thống thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường cũng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. 

“Đến nay, Vĩnh An đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,72 triệu đồng/năm, có 1.340 hộ có nhà ở đạt chuẩn Bộ Xây dựng (chiếm 78%), hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống còn 2,9%. Hiện, Vĩnh An tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân hưởng ứng tích cực “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” hằng tháng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, dọn dẹp cảnh quan môi trường, cắt tỉa hàng rào cây xanh sáng, xanh, sạch, đẹp” -  Ông Dũng chia sẻ.

Để đạt được kết quả trên là nhờ chính quyền xã Vĩnh An đã chú trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức phong phú. Qua đó, người dân hiểu rõ vai trò chủ thể của mình và tích cực hưởng ứng qua các việc làm cụ thể như hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng đường giao thông nông thôn; áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều hộ thoát nghèo bền vững 

Trong xây dựng nông thôn mới, Vĩnh An xác định mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Từ đó, xã đã quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế, giúp người dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vốn để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Vĩnh An đã thành lập hợp tác xã nuôi tôm thâm canh, nhiều tổ liên kết sản xuất ra đời như: Tổ hợp tác nuôi bò ở ấp Vĩnh Đức Trung; Tổ hợp tác nuôi dê ở ấp An Quới; Tổ hợp tác mô hình tôm-lúa ở ấp Vĩnh Đức Tây... 

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như trường hợp anh Trần Văn Dũng, ở ấp An Quới, xã Vĩnh An, chỉ có 1.000m2 đất cất nhà và trồng vài chục cây dừa, anh phải làm thuê kiếm sống; vợ là chị Nguyễn Thị Thu phải đi giúp việc ở thành phố Hồ Chí Minh. Thấy được hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Dũng, năm 2016, chính quyền xã Vĩnh An đã vận động gia đình tham gia Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững và hỗ trợ vốn mua dê để chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn tham gia Tổ hợp tác nuôi bò của Hội Nông dân xã Vĩnh An và được hỗ trợ 15 triệu đồng mua bò giống. 

“Với 1,8ha mặt nước, mỗi năm gia đình thả 2 vụ tôm (khoảng 200.000 con tôm giống/vụ), nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế khá cao, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Nhờ Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mà việc nuôi tôm thâm canh của người dân những năm gần đây rất thuận lợi” - Anh Đe chia sẻ. 

Nhờ cần cù chăm sóc dê, bò, đến nay, anh Dũng đã có vốn phát triển kinh tế gia đình. “Để thoát nghèo, ngoài nguồn vốn hỗ trợ đòi hỏi mỗi gia đình phải có sự quyết tâm và nỗ lực thật nhiều. Xem đài truyền hình thấy nhiều người còn khổ hơn mình mà người ta còn vượt qua được, mình còn sức khỏe phải cố gắng vươn lên” - Anh Dũng nói. 

Anh Phạm Văn Đe, ở ấp Vĩnh Đức Tây, xã Vĩnh An, thành viên Hợp tác xã nuôi tôm thâm canh Vĩnh An cho biết, qua tuyên truyền và sự vận động của Hội Nông dân xã, anh đã hiểu rõ được lợi ích khi tham gia hợp tác xã. Từ năm 2017 đến nay, anh và các thành viên hợp tác xã luôn được hỗ trợ kỹ thuật xử lý khi tôm phát sinh dịch bệnh, được tư vấn chọn con giống và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, hợp tác xã cũng đã kết nối với các doanh nghiệp để bảo đảm giá tôm đầu ra luôn cao hơn so với giá thị trường tại mọi thời điểm.

Diệp Anh

Bình luận

ZALO