Biên phòng - Bạc Liêu có khá đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất... nên cuộc sống của đồng bào Khmer có bước phát triển rõ nét. Cùng với đó, diện mạo các xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng ngày càng khởi sắc.
Phum sóc ngày càng khởi sắc
Về Bạc Liêu, đi qua từng con đường, ngõ xóm, chúng tôi bắt gặp sắc diện mới trải lối về tận các phum sóc vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đang bừng lên những gam màu tươi sáng. Đến với đồng bào Khmer xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), đi trên con đường xanh - sạch - đẹp, chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự đổi thay của vùng quê này. Từng là những xóm nghèo của xã, nhưng nay, các ấp Cù Lao, Cái Giá, Sóc Đồn, Nước Mặn... đã được phủ lên mình một diện mạo mới. Từ trung tâm xã dẫn về các ấp, sự khang trang đến từ những căn nhà tường, trường học và chùa Khmer làm cho phum sóc thêm phần khởi sắc.
Cái Giá là ấp có hơn 80% đồng bào Khmer sinh sống. Chúng tôi đến nhà anh Danh Sua, một nông dân Khmer tiêu biểu về sự cần cù lao động, quyết chí vươn lên làm giàu. Qua rồi những tháng ngày vất vả, cuộc sống gia đình anh nay đã khấm khá với thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Danh Sua cho biết: “Ngoài chuyện phấn khởi vì kinh tế gia đình đang dần ổn định thì nhân dân ở đây cũng rất vui khi nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống chợ cũng được nâng cấp, sửa chữa. Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, hầu hết đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến trong nhận thức, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.
Khi đời sống kinh tế được cải thiện, bà con Khmer tích cực tham gia vào các công trình, phần việc xây dựng quê hương, nhất là phong trào làm đường giao thông nông thôn, xây cầu, sửa đường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp trong xóm ấp... Ông Sơn Song, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Biển Trên (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) chia sẻ: “Không chỉ chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, bà con Khmer còn đóng góp vì lợi ích của cộng đồng, nhất là hiến đất làm đường, xây cầu, làm trụ điện... Nhờ vậy, bộ mặt phum sóc không ngừng được đổi mới, đời sống bà con ngày càng nâng lên, chung tay góp sức xây dựng quê hương và có ý thức vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước”.
Ông Quách Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sinh kế cho bà con đồng bào Khmer, xã còn thường xuyên tiếp xúc, tuyên truyền cho bà con về những lợi ích thiết thực mà các công trình công cộng mang lại. Vì vậy, khi xã phát động các phong trào như làm đường giao thông nông thôn, vận động trẻ em đến trường, giữ gìn vệ sinh môi trường..., bà con đều nhiệt tình ủng hộ”.
Ông Hứa Ngọc Triệu, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: Nhiều năm qua, việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với các chương trình khác đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được cải thiện đáng kể, hộ nghèo giảm rõ rệt, điều kiện sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại của người dân được tốt hơn.
Năm 2022, tỉnh được Trung ương phân bổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là hơn 27,4 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ. Đến nay, Bạc Liêu có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia, gần 90% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã được phủ sóng điện thoại di động...”.
Ưu tiên phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022-2025 được tỉnh Bạc Liêu ban hành, tỉnh ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế không gian sinh sống của đồng bào DTTS; từng bước rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng phát triển.
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Theo đó, vốn được phân bổ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022-2025 là 67,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, Bạc Liêu triển khai thực hiện 7 dự án để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS.
“Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, hộ nghèo giảm còn dưới 1%. Trong đó, khu vực nông thôn, hộ nghèo giảm còn dưới 2%; khu vực thành thị (phường, thị trấn) giảm còn dưới 1% (trừ hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội); hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm 1%” - ông Duy nói.
Sự đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc Khmer hôm nay đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào. Đây cũng là động lực giúp người dân thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm các công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào thi đua, mang lại sự khởi sắc cho phum, sóc.
Phương Nghi