Biên phòng - 19 giờ 45 phút, đêm 18-12-1972, giờ khởi đầu Mỹ tập kích dã man vào Hà Nội, dùng B52 ném bom nhiều đợt vào Đài phát sóng Mễ Trì. Nhưng tiếng nói Việt Nam chỉ ngừng có 9 phút, lại tiếp tục vang lên dõng dạc, đường hoàng...
Tôi ghi vội những dòng đó vào cuốn nhật ký, rồi lại tiếp tục ôm cái ra-đi-ô nhỏ và cắm ê-cút-tơ vào tai nghe bản tin cuối cùng trong ngày:
- 20 giờ 21 phút, Tiểu đoàn 59 tên lửa đã quật ngã chiếc B52 đầu tiên xâm phạm vùng trời Hà Nội. Xác chiếc B52 nằm ở cánh đồng Gầm, cạnh ngã ba Phù Lỗ, Vĩnh Phú...
Lúc này tôi đang ở khu trung tâm tạm cư Pêtruský (khu Việt Kiều Campuchia hồi hương). Tôi thấy nhà nào cũng mở ra-đi-ô hoặc ti vi để theo dõi tình hình từ Hà Nội. Cả Sài Gòn thao thức với hậu phương.
![]() |
Xác máy bay B52 rơi ở hồ Hữu Tiệp. Ảnh: TL |
Còn nhớ, khi Ních-xơn trình bày học thuyết “Việt Nam hóa chiến tranh”, Ních-xơn đã ngạo ngược nói rằng: “Bắc Việt Nam không thể đánh bại hoặc làm nhục được Mỹ”. Ních-xơn còn nói thêm: “Chỉ có Mỹ mới làm được việc đó”. 12 ngày đêm: 81 máy bay Mỹ đã rơi, trong đó có 34 máy bay B52. Ấy là chưa kể số lượng máy bay Mỹ đã bị bắn rơi trên miền Bắc tính đến ngày 17-10-1972 lên tới con số khổng lồ: 4.000 chiếc. Người ta tính rằng, riêng trận tập kích 12 ngày đêm của Mỹ trong tháng 12, Mỹ phải huy động tới 46% lực lượng B52 của toàn nước Mỹ, 32% loại máy bay chiến thuật đi hỗ trợ cho máy bay B52. Năm 1943, trong trận 291 máy bay Mỹ tấn công thành phố Sơ-ven-phuốc ở Đức, Mỹ đã mất 60 chiếc, có thể đó là tỷ lệ đậm nhất, nhưng cũng không quá 20%. Vậy mà, trong trận tấn công B52 ở Việt Nam, Mỹ đã bị mất từ 25% tới 30% tổng số máy bay B52. Riêng Hà Nội đã tiêu diệt 20% tổng số máy bay B52 của Mỹ ở Đông Nam Á. Trong khi đó, Mỹ chỉ thú nhận mất có 15 B52 (gồm cả B52G và B52H). ChínhTrung tá Uy-li-am Con-li đã viết suy nghĩ của mình như sau: “Tôi có thể khẳng định rằng, nếu B52 còn vào nữa, thì còn bị bắn rơi nhiều nữa. Các ông chiến đấu dũng cảm, mưu trí, có chính nghĩa. Tôi tin chắc rằng nhất định các ông sẽ thắng vì lịch sử ở về phía các ông, đạo lý ở phía các ông”. Vì vậy nên sáng 30-12-1972, lại chính Ních-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom, nối lại đàm phán với ta tại Pa-ri. Đọc lại lời đề tựa trong cuốn sách của hai giáo sư Mỹ: Ra-phen Lít-tan-ơ và Na-man U-phốp viết về: “Cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương” của Giáo sư Mỹ Nan-lơ-si-man thật xác đáng: “Sau những năm dài tìm cách khuất phục các dân tộc nghèo bằng sự tàn bạo nhiều mặt của sức mạnh kỹ thuật của mình, nước giàu nhất và mạnh nhất trên quả đất này cuối cùng có thể đã tự thấy mình bị những người Cộng sản Việt Nam đuổi ra khỏi bán đảo Đông Dương. Thắng lợi của người Việt Nam là một thí dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”...
Trong 12 ngày đêm Mỹ cho máy bay B52 tập kích dã man vào Hà Nội và cả miền Bắc, ở miền Nam, Đài Phát thanh Giải phóng đã phát đi những tuyên bố và những bức điện chan chứa nghĩa tình “máu chảy, ruột mềm”. Trong tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày 12-12-1972 có đoạn: “Thực tiễn hùng hồn trong hàng chục năm qua đã chứng minh, không một sức mạnh tàn bạo nào của Mỹ có thể lay chuyển nổi quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam. Bọn xâm lược Mỹ đụng đầu miền Bắc một thì quân dân miền Nam quyết giáng trả chúng gấp năm, gấp mười lần”. Bức điện của Ủy ban Mặt trận dân tộc Giải phóng miền khu Sài Gòn, Chợ lớn, Gia Định gửi quân dân Hà Nội đã ghi: “Để trả thù cho đồng bào Hà Nội, quân dân Sài Gòn quyết đẩy mạnh hơn nữa đà tiến công và nổi dậy, quyết giáng trả thêm nữa những đòn sấm sét xuống Mỹ-ngụy. Kho đạn lớn nhất Thành Tuy Hạ đã nổ, các căn cứ không quân chiến lược Tân Sơn Nhất, Biên Hòa mà địch cho là bất khả xâm phạm đã bị tấn công dữ dội. Và Hà Nội, Sài Gòn sẽ lập nên những chiến công lớn hơn nữa, không phải chỉ trên mặt trận tấn công quân sự mà trên mọi trận địa đấu tranh”.
![]() |
"Sự trừng phạt thích đán" của Nhà nhiếp ảnh Quang Văn. Ảnh: T.Liệu |
Một số nhà báo nhớ lại, đêm 24-10-1972, Nguyễn Văn Thiệu đã lên ti vi hò hét phản đối một giải pháp chuẩn bị ký kết Hiệp định hòa bình của Ních-xơn. Vốn xảo quyệt, Ních-xơn lại thấy Thiệu vẫn cứng cáp gân cốt, y đã không ngần ngại lật lọng, tráo trở, cắt bỏ hàng loạt ngân khoản: 2 tỷ đô la lập các trung tâm giữ trẻ, 5 triệu đô la cho các trường trung học và tiểu học, 28 triệu đô la cho các trung tâm y tế và 900 triệu đô la cho các khu vực nghèo của Mỹ, để dốc vào cuộc phiêu lưu hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Việc làm này của Ních-xơn đã bị nhân dân tiến bộ Mỹ kịch liệt phản đối. Những xứ giả yêu chuộng hòa bình ở Mỹ đặt chân đến Việt Nam như các nghệ sỹ Giên Phôn-đa hay Gioăn Bai-ê đều đã bày tỏ tấm lòng như vậy.
Khi tôi đến thăm các khu đồng bào công giáo miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 như Tân Chí Linh, Tân Sa Châu, như khu nhà thờ Ba chuông, khu vườn Xoài, Bùi Phát, bà con giáo dân đã nguyền rủa bọn Mỹ là loài quỷ dữ “vừa ném bon xuống thánh đường vừa giao giảng phúc âm”. Có vị linh mục đã ví sự lừa đảo của Mỹ như một đoạn trích trong sách Thánh Vịnh, để đọc cho các con chiên nghe trong một buổi xem lễ: “Chúng nó mài lưỡi chúng nó nhọn sắc như lưỡi rắn hổ mang và dưới môi chúng nó chứa đựng nọc độc của loài bọ cạp và miệng chúng nó giả dối mà tay chúng nó làm sự gian ác”...
Gioan Che-nô trong cuốn “Truyền thống và cách mạng Việt Nam” đã viết: “Từ chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân Việt Nam đã chống lại một chuỗi những cuộc chiến tranh xâm lược và chiếm đóng quân sự đặc biệt, tàn bạo về cường độ có một không hai trong thời đại ngày nay. Họ đã liên tiếp đương đầu với chiến thuật “giết sạch, đốt sạch, phá sạch” của Nhật Bản, với sự cướp phá của lực lượng quốc dân Đảng, với bom na-pan của nền đệ tứ cộng hòa Pháp, với bom B52 và chất độc hóa học của Lầu Năm Góc hòng hủy diệt sự sống. Họ đã chống trả kiên quyết đến mức nhờ đó mà họ chiếm được vị trí đặc biệt trong xã hội loài người”. Và, “Nước Việt Nam trước kia không được ai biết đến, mà giờ thì ai cũng biết đó là một đất nước có một cấu tạo đặc biệt, một dân tộc liên kết với nhau chặt chẽ, đến nỗi bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ bề ngoài mạnh nhất trong lịch sử thế giới cũng không sao đè bẹp được”. Ngay Giác Ma-dôn, một nhà Thiên chúa giáo Pháp đã coi cuộc chiến đấu chống B52 tháng 12-1972 ở Hà Nội là “cuộc chiến đấu của thời đại”. Ông đã từng tuyên bố: “Nếu dân tộc Việt Nam vĩ đại đầu hàng đế quốc Mỹ thì cả loài người sụp đổ”. Người ta thấy Việt Nam và loài người sụp đổ. Việt Nam và ba dòng thác cách mạng của thế giới đã chiến thắng.