Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

“Điện Biên Phủ trên không”: Kết tinh tinh thần chiến đấu kiên cường của dân tộc ta

Biên phòng - Mỹ là siêu cường kinh tế và quân sự, luôn có sự kiêu hãnh của một cường quốc, trước dân tộc Việt Nam ý chí quật cường, không bao giờ chịu khuất phục trước mọi sức mạnh. Mỹ sử dụng “bài cuối cùng” bằng không quân chiến lược B52 tấn công Hà Nội để uy hiếp tinh thần và ý chí của ta trên bàn đàm phán hòa bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bộ đội tên lửa đánh B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Bắn hạ pháo đài bay “bất khả xâm phạm”

Chiều 18/12/1972, chiếc chuyên cơ mang ký hiệu BH195 đưa đồng chí Lê Đức Thọ và đoàn đàm phán hòa bình của nước ta rời hội nghị từ Paris về nước đáp xuống sân bay Gia Lâm, Hà Nội. 17 giờ cùng ngày, Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi công hàm cho Chính phủ ta như ra tối hậu thư, hạn trong 72 giờ, ta phải quay trở lại bàn đàm phán theo những điều khoản của Mỹ đưa ra.

Chính phủ ta không chấp nhận những yêu sách vô lý của Mỹ. Mỹ - ngụy liên tiếp bị thất bại dồn dập trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam, Tổng thống Mỹ ra lệnh bắt đầu chiến dịch tấn công Hà Nội bằng máy bay chiến lược B52. Quân và dân ta vẫn thường quen gọi đây là trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội.

Trước đó, ngày 14/12/1972, Mỹ đã thành lập Bộ Chỉ huy Sư đoàn không quân chiến lược lâm thời số 57, sử dụng 50 máy bay KC-135 để tiếp dầu trên không cho B52. Trên vịnh Bắc Bộ có 5 tàu sân bay của Mỹ hoạt động.

19 giờ, ngày 18/12, máy bay B52 của Mỹ cất cánh từ căn cứ Utapao (Thái Lan), đảo Guam (Mỹ), Philippines… Tốp B52 bay qua Biển Đông, tốp khác bay theo dọc sông Mekong lên phía Bắc để ném bom dữ dội Thủ đô Hà Nội. Gần 21 giờ, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261, Bộ đội Phòng không Hà Nội đã bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội, coi như đập tan sự kiêu hãnh về pháo đài bay “bất khả xâm phạm” của Mỹ trên bầu trời mà trước đó, họ đã rêu rao khắp thế giới.

Thủ đoạn của Mỹ là cho B52 tập kích vào ban đêm, bay ở độ cao trên 11km nhằm tránh hỏa lực từ pháo cao xạ và tránh radar mặt đất của ta phát hiện, sử dụng tên lửa tiêu diệt. Mỹ đã dùng các loại máy bay tiêm kích và cường kích đánh phá vào sân bay Gia Lâm, kết hợp máy bay gây nhiễu làm cho radar không bắt được tín hiệu, để cho B52 hoạt động hết công suất.

Dưới mặt đất Hà Nội, bộ đội ta đã bố trí trận địa lưới lửa phòng không dày đặc, kết hợp sử dụng máy bay MIG “mai phục” trên bầu trời, cùng tấn công B52. Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 77 chiếc máy bay hiện đại thuộc không quân chiến lược và không quân chiến thuật của Mỹ, phần lớn rơi tại chỗ, trong đó có 33 máy bay chiến lược B52. Đây là cuộc chiến duy nhất mà B52 của Mỹ chịu tổn thất nặng nề bởi hỏa lực tấn công từ mặt đất.

Uy thế không lực Mỹ bị sụp đổ. Hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Mỹ cũng sụp đổ theo và buộc Chính phủ Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán vô điều kiện và đặt bút ký vào Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.

Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1955, Mỹ đã đưa máy bay chiến lược B52 vào biên chế chiến đấu, với tuyên bố “bất khả xâm phạm” trên bầu trời, có thể mang 30 tấn bom/chiếc, trở thành “kho bom” di động khủng khiếp. Ngày 12/4/1966, lần đầu tiên Mỹ sử dụng B52 đánh ra miền Bắc ở đèo Mụ Giạ, trục đường 12, tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 1968, Bác Hồ đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân, Người căn dặn: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”.

Có thể nói, Mỹ dùng không quân chiến lược B52 giống như “át chủ bài” cuối cùng tấn công sâu vào hậu phương miền Bắc Việt Nam. Chấp hành chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5/1966, Trung đoàn tên lửa 238 được lệnh điều động lên đường vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Bình… để nghiên cứu cách đánh B52. Lúc còn sống, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể lại: “Những trọng điểm được xem là “yết hầu” trên tuyến đường Trường Sơn, suốt nhiều năm Mỹ sử dụng máy bay B52 đánh phá dữ dội, hòng cắt đứt tuyến đường vận tải chiến lược của ta. Bộ đội tên lửa đã kiên trì mai phục, đánh trả và nghiên cứu phương thức hoạt động của B52 tại chiến trường”.

Việc nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch đánh B52 được Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam triển khai gấp rút, căn bản hoàn thành tài liệu cách đánh B52 vào đầu tháng 9/1972. Song song với đó là đẩy nhanh công tác nâng cấp, cải tiến kỹ thuật khí tài tên lửa, radar… chuẩn bị sẵn sàng đánh B52 tiến công miền Bắc.

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” ở bầu trời Hà Nội cuối năm 1972 là kết tinh của tinh thần chiến đấu kiên cường của dân tộc ta, tính sáng tạo trong chiến đấu. Đế quốc Mỹ đã thua trong ván bài cuối cùng, đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ: “Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Lệ Giang

Bình luận

ZALO