Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

“Điện Biên phủ trên không” - Chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Biên phòng - Ngày 14-12-1972, Tổng thống Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Linebacker II - một kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ nhất từ trước. Đế quốc Mỹ tin rằng, thông qua đòn đánh có tính chất hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, uy lực và sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam phải trở lại Hội nghị Paris, chấp nhận các đòi hỏi của Mỹ. Không ngờ Mỹ đã nhận lại “đòn đau” từ quân – dân Việt Nam.

vjci_5b
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - người đầu tiên trên thế giới bắn hạ máy bay B52 kể lại 12 ngày đêm chiến đấu rực lửa. Ảnh: Bích Nguyên

Theo kế hoạch, một lực lượng lớn không quân Mỹ sẽ tiến hành đánh phá dữ dội vào các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam liên tục 24/24 giờ.Các máy bay ném bom chiến lược B52 sẽ hoạt động về ban đêm. Máy bay chiến thuật vừa làm nhiệm vụ yểm trợ cho máy bay B52, vừa sử dụng vũ khí, khí tài điều khiển bằng tia lade để công kích, chế áp mạnh các mục tiêu, đặc biệt là sân bay, trận địa tên lửa, trận địa pháo phòng không, tạo điều kiện cho B52 hoạt động. Toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, không quân chiến thuật của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương đều được huy động vào chiến dịch tập kích chiến lược này. Đích thân Nixon theo dõi, kiểm soát toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch.

19 giờ 40 phút, ngày 18-12-1972, hàng chục tốp máy bay B52 được hàng trăm máy bay cường kích và máy bay tiêm kích hộ tống đã tới vùng trời Hà Nội, ồ ạt ném bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Kép, Gia Lâm, Hoà Lạc, các khu vực có nhiều cơ sở công nghiệp như Đông Anh, Yên Viên, kho xăng Đức Giang, Gia Lâm, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì... Do được chuẩn bị từ sớm, quân dân Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương miền Bắc đã đánh trả mãnh liệt. 20 giờ 13 phút, từ trận địa bên thành Cổ Loa, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 (thuộc Trung đoàn 261) đã bám sát dải nhiễu, phóng đạn từ cự ly thích hợp, bắn rơi chiếc B52 đầu tiên. Đây là chiếc B52 bị bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch. Chỉ trong 9 giờ chiến đấu, lực lượng phòng không Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương trên miền Bắc đã bắn rơi 7 máy bay, trong đó có 3 chiếc B52 và 1 chiếc F111 của Mỹ. Thủ đô Hà Nội vẫn vững vàng trong bom đạn ác liệt. Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì sau 9 phút ngừng tiếng do máy bay Mỹ đánh trúng đã lại vang lên báo tin chiến thắng và tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ. Chiều 19-12, tại Câu lạc bộ Quốc tế, trước đông đảo phóng viên trong nước và nước ngoài, 6 phi công Mỹ vừa bị bắt đã phải cúi đầu thú nhận nỗi kinh hoàng trước lưới lửa phòng không dày đặc trên vùng trời Hà Nội...

Cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ diễn ra trong 12 ngày đêm, từ 18 đến 29-12-1972. Trong 12 ngày đêm đó, Mỹ sử dụng 729 lần chiếc máy bay ném bom chiến lược B52, gần 4.000 lần chiếc máy bay chiến thuật; rải xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía Bắc vĩ tuyến 20 một khối lượng bom đạn xấp xỉ 35.000 tấn chất nổ. Riêng Hà Nội, địch tập trung 444 lần chiếc B52 (chiếm 60% tổng số lần/chiếc) và hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá vào 830 điểm; hơn 1.000 lần đánh vào các điểm dân cư, kinh tế, giáo dục, văn hoá, xã hội ở khắp 4 khu phố và 4 huyện, trong đó có 39 khối phố nội thành, 3 thị trấn và 78 trong số 102 xã ngoại thành.

Đến 7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Chính phủ Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị ta nối lại cuộc đàm phán ở Paris. Cuộc tiến công đường không bằng máy bay chiến lược B52 - “lưỡi gươm thần” của Mỹ, đã chịu thảm bại. Những mục tiêu chủ yếu của cuộc tập kích chiến lược hoàn toàn thất bại. 81 máy bay hiện đại Mỹ, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111 bị bắn rơi. Quân và dân Hà Nội lập công đầu, hạ 25 máy bay B52. Bộ đội tên lửa, lực lượng chủ yếu của chiến dịch bắn rơi 30 máy bay B52, góp phần quyết định đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của địch. Lực lượng phòng không dân quân, tự vệ đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung bắn rơi 11 máy bay chiến thuật hiện đại của Mỹ.

c8gf_5a
Xác máy bay Mỹ bị quân dân Việt Nam bắn rơi trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B52. Ảnh: Bích Nguyên

Cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của át chủ bài trong lực lượng quân sự khổng lồ của Mỹ là không quân và hải quân mà đỉnh cao là cuộc tập kích chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng đã bị quân và dân ta đánh bại hoàn toàn. Đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972. Đây là chiến dịch phòng không đạt tới mức tiêu diệt cao nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc cũng như trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đây cũng là một chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt số lượng lớn máy bay chiến lược B52 của đế quốc Mỹ, giáng cho không quân chiến lược Mỹ đòn nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngày 29-12-1972, Hãng tin Reuters phải đưa ra nhận xét rằng: “Nếu Mỹ còn tiếp tục ném bom thì chỉ đến ngày 28-4-1973, toàn bộ không quân chiến lược của Mỹ ở vùng Đông Nam Á sẽ hết nhẵn”.

Thất bại đó đã đập tan âm mưu hòng sử dụng sức mạnh hủy diệt để đàm phán trên thế mạnh của đế quốc Mỹ. Ngày 15-1-1973, Chính phủ Mỹ phải đơn phương tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong cuốn hồi ký Hòa bình thật sự-Không có những Việt Nam khác nữa, Nixon thừa nhận: “Đỉnh cao của cuộc leo thang chiến tranh Việt Nam là đợt chúng ta đưa B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng vào dịp Noel năm 1972 nhưng chúng ta đã thất bại... Thất bại ở Việt Nam là thảm họa lớn đối với Mỹ, từ nay không còn ai muốn có thêm những Việt Nam nữa”.

Hải Hà

Bình luận

ZALO