Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:42 GMT+7

Điện Biên Phủ - nơi kết tinh nghệ thuật quân sự Việt Nam

Biên phòng - Điện Biên phủ - cái tên bình dị như một “phủ” miền Tây Bắc và có từ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Khi đó, vua Nguyễn trích đất của 3 châu Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu đặt làm phủ Điện Biên (Theo sách Đại Nam nhất thống chí).

kdrn_17
Dấu tích khối thuốc nổ nặng gần 1 tấn do quân ta điểm hỏa vào đêm 6-5-1954, góp phần làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: H.L

Thế mà chỉ hơn một thế kỷ sau, phủ Điện Biên đã là một trong những cái tên được nhắc nhiều nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới. Nơi đây đã đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp kéo dài gần một thế kỷ. Và quan trọng hơn, mảnh đất này đã chứng kiến nghệ thuật quân sự tài tình, độc đáo của dân tộc ta.

Nhằm tiêu diệt lực lượng quân sự còn non trẻ của Quân đội Việt Nam (khi đó vừa tròn 10 tuổi), quân Pháp đã xây tập đoàn cứ điểm quân sự kiên cố ở Điện Biên Phủ, được mệnh danh là “Con nhím”. Mục đích biến nơi này thành cái “bẫy nhử” quân chủ lực Việt Minh tấn công và sẽ bị nghiền nát.

Quả là một “Con nhím” lợi hại với những công sự bê tông kiên cố, tua tủa mọc ra bốn hướng nơi lòng chảo Mường Thanh trong phạm vi chiều dài 15km, rộng 5km. Có 2 sân bay quân sự, quân số lên đến hơn 16 ngàn người, có pháo binh với 11 vạn viên đạn pháo, 10 xe tăng, 420 máy bay yểm trợ với 5 ngàn tấn bom, 4 ngàn tấn hàng.

Tập đoàn cứ điểm này chia làm 3 phân khu: Bắc, Nam và Trung tâm hỗ trợ nhau, vòng trong, vòng ngoài dày đặc. Tưởng như “Con nhím” bất khả chiến bại. Ngay các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đến thăm cũng khen ngợi hết lời. Tuyệt nhiên không có một ý kiến nào phê phán, ngay cả vị Tổng thống Hoa Kỳ tương lai R. Ních-xơn, khi đến thị sát cứ điểm mà không ít tiền bạc của Mỹ bỏ ra xây dựng, cũng rất hài lòng.

Người Pháp cho máy bay rải truyền đơn ở khắp nơi thách thức Việt Minh tấn công. Chính tướng Cô-nhi huênh hoang: “Chúng ta đến đây là buộc Việt Minh phải giao chiến, không nên làm gì thêm để họ phải sợ mà lảng đi".

Hóa ra Việt Minh chẳng sợ, mà cũng chẳng lảng đi. Quân đội Việt Nam quyết đánh để giành một thắng lợi quyết định để kết thúc chiến tranh. Tướng Giáp và Bộ Tổng tham mưu đã nhận thấy vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ. Đây vốn là vựa lúa của miền Tây Bắc “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Mường Thanh còn được gọi là Mường Then, tức Mường Trời của người Thái. Từ Mường Trời, người Thái tỏa đi muôn nơi lập nghiệp. Vì thế, ai nắm được Điện Biên Phủ, Mường Thanh tức là nắm được vùng Tây Bắc và cả cửa ngõ Thượng Lào.

Cuộc đấu tưởng chừng... không tưởng. Bởi lẽ, theo chính viên chỉ huy phó của tập đoàn cứ điểm P. Lăng-le nhận định: “Viện trợ cho Việt Minh chỉ là một giọt nước đặt bên cạnh dòng thác vật tư của Mỹ đổ vào cho người Pháp chúng ta”. Ấy thế mà chiến cuộc 55 ngày đêm, “Con nhím” lại trở thành cái thòng lọng siết chặt dần vào cổ quân Pháp, biến Điện Biên Phủ trở thành địa ngục, dọc bờ sông Nậm Rốm trở thành bùn lầy ngập ngụa, lính lê dương trở thành nửa người nửa ngợm, thiếu ăn, thiếu nước, thiếu cả ánh sáng mặt trời, chỉ còn nước giơ tay đầu hàng.

Vì sao vậy? Có rất nhiều bài báo, sách vở ở trong nước và ngoài nước viết về nguyên nhân chiến thắng Điện Biên. Nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa hơn cả là quân Pháp đã đụng vào sức mạnh ngàn năm của dân tộc, đúng như tướng Christian de Castries, Tư lệnh mặt trận phải cay đắng thốt lên: "Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc". Còn một nguyên nhân nữa là nghệ thuật quân sự Việt Nam đã lắng đọng được tinh túy trong chiến tranh nhân dân kéo dài trước đó vài ngàn năm và sau đó ở trong trận chiến chống Mỹ nữa.

Về mặt chiến lược, chúng ta chủ trương “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” (chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo). Quân Pháp có đủ máy bay, xe tăng, đại bác. Ta thì không có máy bay, xe tăng chỉ có pháo 105 ly, pháo cao xạ với số lượng ít ỏi. Vì thế, cách đánh của chúng ta phải kéo dãn địch ra. Các chiến trường phối hợp với bộ đội Pa-thét Lào ở Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Bắc bộ, Liên Khu Năm... dùng lực lượng địa phương, du kích để kìm chân giặc.

Về mặt chiến thuật, chúng ta chuyển cách đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc là đúng. Đứng trước hỏa lực mạnh của địch, không thể áp dụng “trận địa chiến”, xung phong sẽ tổn thất quá lớn. Cách đánh của chúng ta, mà về sau còn áp dụng thời chống Mỹ là “nắm thắt lưng địch mà đánh”. Bằng cách đào giao thông hào, có đến 400km, lấn dần vào trung tâm theo kiểu bóc hành, cắt nửa sân bay, chặn đường hạ cánh máy bay, đã dần dần khép chặt vòng vây quân Pháp. Quân ta còn sáng tạo cách đánh dùng ngàn cân bộc phá đặt trong đường ngầm một cách bí mật để làm nổ tung cứ điểm đồi A1. Có lẽ, một trong những vũ khí lợi hại của mặt trận chính là cái... xẻng đào đường hầm.

Yếu tố bí mật cũng là vô cùng quan trọng, lựu pháo 105 được tháo tung ra, dùng sức người chuyển vào tuyến đầu. Rồi lại chuyển ra để chuẩn bị cho cách đánh mới, sau đó một lần nữa mới kéo vào. Đến nỗi mà quân Pháp không ngờ tới sự có mặt của các khẩu đại bác này. Ta lại đào hầm cho đại bác ở ngay các sườn núi gần cứ điểm, khác gì kề mang tai địch mà bắn. Khi vào trận, ta lại dùng trận địa pháo nghi binh, các khẩu pháo làm bằng... “gỗ” cháy đen đã thu hút được bao hỏa lực địch để che cho các khẩu pháo thật lúc nhả đạn. Chính C. Pi-rốt, chỉ huy pháo binh cũng rất bất ngờ  trước hỏa lực của Việt Minh mà phải tự tử.

Yếu tố hậu cần cũng làm quân Pháp bất ngờ. Để cung cấp đạn dược, lương thực cho một vùng xa hậu cứ, Việt Minh phải có xe cơ giới, có đường giao thông và dễ bị máy bay, pháo binh địch tiêu diệt. Nhưng Việt Minh sáng tạo ra cách vận chuyển bằng xe thồ, thậm chí có xe chở được 350kg. Vì thế mà quân đội không đói ngày nào. Đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, họ còn được chính... quân Pháp tiếp viện bằng đường hàng không, khi mà nhiều chuyến dù thả lại lạc sang trận địa của quân ta.

Thật thiếu sót nếu không nói đến cách đánh “lấy ít địch nhiều”, dùng các lính bắn tỉa lợi hại, khiến quân Pháp hãi hùng, không dám thò mặt lên hầm để đi lấy nước.

Góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta lại nhớ đến vị Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cho đến khi bị bắt sống, tướng Đờ Ca-xtờ-ri rất ngạc nhiên, không biết ông tốt nghiệp từ học viện quân sự cao cấp nào. Hóa ra, vị Đại tướng này vốn chỉ là một... giáo sư sử học, chưa có một tấm bằng nào về lĩnh vực quân sự. Các trận đánh đã tôi luyện ông thành tướng tài, chính Bác Hồ đã phong ông làm Đại tướng.

Trong lòng chảy cuồn cuộn của lịch sử hôm nay, chúng ta đến thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ của 64 năm về trước, nay được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, càng thấy thành phố mới hiện đại, mến khách, càng thấy tự hào về tài năng đánh giặc của cha ông, với sự sáng tạo vô song trên nền tảng lấy chiến tranh nhân dân làm gốc.

Chẳng kẻ thù xâm lược nào đánh thắng được dân tộc này, trước đây và mãi về sau...

Giáo sư Trịnh Sinh

Bình luận

ZALO