Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Điểm tựa vững vàng cho nhân dân trong mưa bão

Biên phòng - Nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ, vừa qua, tỉnh Phú Yên đã liên tục hứng chịu 2 cơn bão số 5 và số 6 đổ bộ vào đất liền. Là lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn ven biển, cán bộ, chiến sỹ BĐBP Phú Yên đã tích cực, chủ động bám sát tình hình diễn biến của bão, phối hợp cùng chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng triển khai các phương án ứng phó, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho nhân dân. Phóng viên Báo Biên phòng đã phỏng vấn Đại tá Nguyễn Thanh Hương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Phú Yên về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) của BĐBP tỉnh.

8plr_12a
Đại tá Nguyễn Thanh Hương. Ảnh: Phương Oanh

- Trong một thời gian ngắn, Phú Yên đã hứng chịu 2 cơn bão. Điều này tác động như thế nào đối với công tác PCTT-TKCN trên địa bàn ven biển của tỉnh Phú Yên, thưa đồng chí? 

- Từ ngày 30-10 đến 10-11, đã có 2 cơn bão số 5 và số 6 đổ bộ và tâm bão hướng thẳng vào tỉnh Phú Yên. May mắn là bão được dự báo giật cấp 14-15, nhưng khi vào sát bờ, sức gió giảm còn cấp 8, giật cấp 10.

Thực tế, với bờ biển dài đến 189km, Phú Yên đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều mối nguy hiểm khi bão đến. Bởi cả 4 huyện, thành phố, thị xã ven biển của tỉnh từ Xuân Hải, Xuân Hòa đến thành phố Tuy Hòa, vào huyện Đông Hòa đều có những khu dân cư sát biển, ven mép nước. Nhiều năm gần đây, triều cường xâm thực, biển lấn sâu vào bờ, lấy mất nhiều khu dân cư. 10 ngày trước, cơn bão số 5 đi qua, nhiều khu vực bị sạt lở chưa kịp gia cố, thì bão số 6 tiếp tục đổ bộ, lại vào thời điểm giữa tháng 10 âm lịch, thủy triều lên, nước biển dâng cao kết hợp với gió bão, sóng biển càng mạnh. Hiểm họa đối với tính mạng, tài sản của người dân là rất lớn.

Phú Yên có trên 4.000 tàu, thuyền, trong đó có hơn 600 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại, đa phần tàu thuyền đánh bắt trong tuyến lộng hoặc ven bờ. Trong cơn bão số 5, đã có 13 ghe thuyền nhỏ neo đậu trong khu vực trú tránh bị gió bão mạnh hất văng, bị sóng lớn nhấn chìm. 

Đáng lưu ý là vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có 678ha thả nuôi với khoảng 91.000 bè/120.800 lồng, nằm trải dọc từ vùng biển huyện Đông Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu với gần 10.000 lao động. Mỗi bè lồng nuôi tôm hùm, nuôi cá là tất cả vốn liếng, gia tài người nuôi đầu tư tích góp. Bà con luôn lo sợ khối tài sản của mình bị bão đánh trôi, sợ bị mất trộm, thất thoát. Trước bão, khi nghe tuyên truyền, kêu gọi thì họ rời bè vào bờ, nhưng sau đó lại quay ngược trở ra, liều lĩnh đánh đổi tính mạng của mình để canh giữ tài sản. 

- Dù tâm bão vào thẳng Phú Yên, nhưng qua 2 cơn bão vừa qua, không có thiệt hại nào về người. Đề nghị đồng chí chia sẻ về vai trò của các đơn vị BĐBP trong công tác giúp dân ứng phó với mưa bão?

- Trong đợt bão vừa qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc rất quyết liệt. Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc họp, phổ biến thông tin và chỉ đạo, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát thực tế, quán triệt đến đơn vị, địa phương triển khai kịp thời. Đặc biệt, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã có sự phối hợp nhịp nhàng, trao đổi tình hình giữa các lực lượng Công an, Quân sự, BĐBP luôn kịp thời, chặt chẽ, phân công cụ thể nhiệm vụ, quản lý địa bàn. Phương châm “4 tại chỗ” luôn được các lực lượng thực hiện tốt.

Đối với BĐBP Phú Yên, để ứng phó với 2 cơn bão vừa qua, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện và chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết để sẵn sàng cứu trợ nhân dân trong mọi tình huống. Trên cơ sở triển khai chỉ đạo của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, tùy theo đặc điểm, đặc thù địa bàn mà mỗi đơn vị tập trung vào phần việc ứng phó của riêng mình. 

w6r5_12c
Cán bộ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam giúp ngư dân chằng néo tàu thuyền tránh trú bão. Ảnh: Phương Oanh

TP Tuy Hòa có 635 tàu cá với hơn 3.500 lao động thường xuyên hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ. Khi có thông tin về cơn bão hướng về đất liền, thông qua hệ thống bộ đàm, Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã nhanh chóng thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão. Đối với các tàu, thuyền đã vào bờ, đơn vị hướng dẫn ngư dân neo đậu ở nơi an toàn nhất và không để ai ở lại trên tàu khi bão đến. Lệnh cấm biển trước khi bão vào 1 ngày được thực hiện nghiêm. Trong cả 2 cơn bão, không có tổn thất đối với tàu cá đánh bắt xa bờ. 

Trong cơn bão số 5, một số phương tiện nhỏ đang neo đậu trong vịnh, đầm đã bị gió bão đánh chìm, làm bể, hư hỏng. Khi nắm thông tin bão số 6 tiếp tục vào, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân đưa ghe đến nơi trú đậu an toàn, tổ chức chằng néo cẩn thận nên không có phương tiện thiệt hại. 

Đối với 2 vùng nuôi trồng thủy sản lớn của tỉnh là thị xã Sông Cầu và huyện Đông Hòa, các đơn vị đứng chân trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, chủ động triển khai các phương án chằng buộc lồng bè nuôi trồng thủy sản, di dời lao động, tích cực tuyên truyền, vận động kết hợp với răn đe, cảnh báo; BĐBP phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, sẵn sàng cưỡng chế, không để người nào ở lại trên lồng bè khi bão vào. 

Tại huyện Tuy An, nơi có nhiều khu vực bị triều cường xâm thực đe dọa tính mạng tài sản nhân dân, nhất là 2 thôn Mỹ Quang Nam, Mỹ Quang Bắc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng An Hải tổ chức đắp bờ bao chắn sóng. Anh em dầm mình trong mưa gió, làm việc không kể giờ giấc nghỉ ngơi. Hải đội 2, BĐBP tỉnh cũng chủ động phương tiện, sẵn sàng cơ động vào vùng xung yếu để ứng cứu dân. Tất cả những nỗ lực đó đã làm cho người dân yên tâm, vững tin cùng với chính quyền vững vàng ứng phó với mưa bão. 

7mzs_12d
Quân y Đồn Biên phòng Xuân Hòa chăm sóc sức khỏe cho người dân thôn Hòa An, xã Xuân Hòa trú tránh bão ở doanh trại đơn vị. Ảnh: Hồng Chiên

- Đồng chí chia sẻ thêm về phương hướng, nhiệm vụ PCTT-TKCN của BĐBP Phú Yên trong thời gian tới?

- Hiện nay, khu vực Nam Trung bộ đang trong thời điểm cao độ của mùa mưa bão, BĐBP Phú Yên đã và đang bố trí lực lượng bám địa bàn; tập trung tối đa quân số, phương tiện tàu tuần tra và ca nô, thường trực sẵn sàng làm nhiệm vụ PCTT-TKCN trên biển, nhất là những khu vực xung yếu thường xảy ra triều cường, vùng trũng sâu dễ bị chia cắt, cô lập khi nước lũ tràn về nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra. Bên cạnh đó, chúng tôi coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc ứng phó với thiên tai, điều này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục. 

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, BĐBP Phú Yên sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho cán bộ của các cấp, các ngành trong tỉnh. 

- Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Oanh (thực hiện)

Bình luận

ZALO