Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 10:21 GMT+7

Điểm tựa vững chắc của học sinh “vùng khó” (bài 3)

Biên phòng - Các huyện vùng cao phía Tây Nghệ An, địa bàn định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất khó khăn. Nhiều năm về trước, việc học tập của con em họ gặp muôn vàn trắc trở. Có một số lượng không nhỏ học sinh người dân tộc thiểu số đã bỏ lỡ giấc mơ, quyền lợi được đến trường. Trường học bán trú được thành lập đã trở thành điểm tựa vững chắc để con em đồng bào dân tộc thiểu số ở “vùng khó” vươn lên học tập tốt. Qua đó, tạo cơ sở cân bằng về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền của tỉnh Nghệ An.

Bài 1: Chặn đứng “cơn lốc” bỏ học

Bài 2: Môi trường giáo dục toàn diện

Bài 3: Còn đó những trăn trở

Trải qua thực tế, hệ thống trường học bán trú đang khẳng định được chủ trương đúng đắn, giá trị nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao biên giới nói chung và phía Tây Nghệ An nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao, cân bằng chất lượng giáo dục ở miền núi đối với đồng bằng. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang cho thấy, nhiều trường học bán trú đang gặp muôn vàn khó khăn cả về cơ sở vật chất và cơ chế đối với giáo viên. 

grjz_10b
Khu bếp ăn, nhà ăn của các trường bán trú phía Tây Nghệ An đang rất chật hẹp. Ảnh: Viết Lam 

Nửa đêm, trong điều kiện mưa gió, bản làng vùng cao đã im lìm trong giấc ngủ, thầy giáo Lương Hoàng Anh, Trưởng ban Bán trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Hữu Kiệm lại ra khỏi giường, mang đèn pin đi một vòng quanh khu ký túc học sinh. Trong những căn phòng kín đáo, học sinh đang ngon giấc ngủ. Anh nhẹ nhàng đóng cửa sổ những căn phòng mà học sinh để quên trước khi lên giường. Cùng thời gian này, còn rất nhiều đồng nghiệp của anh ở các ngôi trường khác cũng đang làm nhiệm vụ tương tự.

Thực tế, tại các trường bán trú có số lượng lớn học sinh tập trung ăn ở, sinh hoạt, học tập thì trách nhiệm của giáo viên là rất nặng nề. Ngoài công tác chuyên môn trên bục giảng, thầy cô, giáo phải chia nhau gánh vác thêm rất nhiều việc để đảm bảo chăm lo cho học trò về mọi mặt. 

Để đảm bảo an toàn cho hàng trăm học sinh bán trú học tập, sinh hoạt, các trường học ở vùng cao Nghệ An đã tổ chức nhiều biện pháp đồng bộ, thường xuyên. Ngoài giáo viên phụ trách công tác bán trú, nhà trường cũng thành lập tổ quản sinh do thầy, cô giáo thay nhau đảm nhận, cùng với đó còn có các tổ tự quản do học sinh phụ trách. Đặc biệt, để đảm bảo an ninh trật tự, các trường học cũng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an xã, các đồn Biên phòng để ngăn chặn các tác động xấu từ môi trường bên ngoài. Cụ thể như không để cho các tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu xâm nhập vào môi trường học đường. 

“Ở trên địa bàn nhà trường đứng chân vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Cùng với công tác được triển khai nội bộ, chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đồn Biên phòng, công an xã tổ chức các phương án phòng ngừa ngăn chặn, không để tái diễn các tệ nạn như ma túy, bắt vợ diễn ra đối với học sinh” - Thầy giáo Nguyễn Trường Giang, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mai Sơn, huyện Tương Dương cho biết. 

Hiện nay, hình thức trường học bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang tập trung chủ yếu ở bậc trung học cơ sở. Để đáp ứng cho chương trình giáo dục mới, từ năm học 2019-2020, ngành giáo dục Nghệ An sẽ đẩy mạnh thực hiện bán trú ở điểm trường chính với học sinh bậc tiểu học (từ lớp 3 trở lên). Theo kế hoạch, việc triển khai bán trú cho học sinh tiểu học (từ lớp 3 trở lên) sẽ được hoàn thành vào năm học 2022-2023. 

Vì tình yêu nghề, yêu người, giáo viên các trường bán trú vùng cao đang chấp nhận hi sinh, thiệt thòi, âm thầm chăm lo cho học sinh. Thế nhưng, điều họ luôn trăn trở là cơ sở hạ tầng các trường bán trú còn nhiều hạn chế, tác động không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt, học tập của học sinh.

Trường PTDTBT THCS Tri Lễ, huyện Quế Phong là một trong những ngôi trường có số lượng học sinh bán trú cao nhất tỉnh Nghệ An với 320 học sinh bán trú/756 học sinh toàn trường. Do thiếu phòng học nên  6 năm qua, học sinh của nhà trường vẫn đang phải học tập 2 ca sớm - chiều. Nhà trường cũng chưa có phòng ăn tập trung cho học sinh khi đến giờ quy định, các em vẫn phải đến nhà bếp vốn chật hẹp, nhận cơm mang về phòng nghỉ để ăn uống.

“Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu chưa lường hết được nhu cầu thực tế khi nhà trường tổ chức học sinh bán trú nên còn nhiều bất cập. Mặc dù được công nhận đạt chuẩn trường bán trú, nhưng học sinh, giáo viên nhà trường đang chịu muôn vàn khó khăn, từ phòng học, phòng ăn, nghỉ cho học sinh và giáo viên” - Thầy giáo Hoàng Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tri Lễ cho biết.

Thời gian ở Trường PTDTBT THCS Mai Sơn, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp cảnh học sinh bán trú chạy ngược lên quả đồi phía sau dãy nhà ở một cách vội vàng. Hỏi ra mới biết, các em lên đó để đi vệ sinh. Mặc dù được công nhận đạt chuẩn, nhưng ngôi trường bán trú ở xã biên giới này chỉ mới được đầu tư xây dựng cơ bản 8 phòng học, 8 phòng ở cho học sinh. Còn mọi công trình từ bếp ăn, nhà ăn đều do thầy cô giáo đứng ra làm tạm, cơi nới để phục vụ học trò. 

Hiện tại, với 197 học sinh, trong đó có 127 học sinh bán trú, nhưng nhà trường chỉ được xây dựng 2 phòng vệ sinh đạt chuẩn và thường xuyên quá tải khiến nước từ bể chứa tràn ra ngoài, gây mùi hôi thối. Cực chẳng đành, thầy cô giáo buộc phải khóa cửa, làm nhà vệ sinh tạm ở những nơi xa khu ăn, nghỉ nhưng cũng trong tình trạng quá tải.

“Thiếu thốn ở những ngôi trường bán trú vùng cao như chúng tôi thì nhiều lắm và nhà trường cũng đang tìm cách từng bước tháo gỡ. Thế nhưng, nan giải nhất hiện nay là việc thiếu công trình vệ sinh cho học trò đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, học tập của các em” - Thầy giáo Nguyễn Trường Giang trăn trở. 

Ngoài những khó khăn chung mà các trường khác còn gặp phải như bếp ăn, nhà ăn chật hẹp, công trình vệ sinh thiếu thốn, Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn đang phải chịu áp lực lớn về chỗ ở cho học sinh. Với 240 học sinh bán trú, chỉ có 10 phòng ký túc nên không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Trước thực trạng đó, nhà trường buộc phải triển khai phương án thuê 2 căn nhà của người dân sát cổng trường để cho học sinh ra ở ngoài khuôn viên nhà trường.

“Các em được nhà trường thuê nhà bên ngoài vẫn tham gia ăn uống, sinh hoạt như các bạn học sinh bán trú khác. Nhưng địa điểm ngủ nghỉ, sinh hoạt  của các em nằm ngoài khuôn viên nhà trường khiến chúng tôi rất lo lắng và gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lí học sinh” - Thầy giáo Hoàng Văn Thưởng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm khẳng định.

vrlx_10a
Nhà vệ sinh tạm bợ của 127 học sinh bán trú Trường PTDTBT THCS Mai Sơn. Ảnh: Viết Lam 

Đưa những khó khăn mà các trường bán trú trên địa bàn phía Tây Nghệ An đang gặp phải để phản ánh, chúng tôi được đồng chí Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: “Các trường bán trú ở phía Tây Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn, đó là thực trạng chung. Hàng năm, chúng tôi luôn quan tâm, đầu tư để dần hoàn thiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học của thầy và trò ở vùng cao biên giới. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp nên không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Sắp tới, đích thân tôi sẽ đi kiểm tra thực tế ở các trường bán trú để nắm tình hình chung đề xuất chính quyền địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những chính sách bổ sung đầu tư xây dựng cơ bản cũng như chính sách cho giáo viên, học sinh ở các trường học vùng cao nói chung và trường học bán trú nói riêng trên địa bàn tỉnh”. 

Viết Lam

Bình luận

ZALO