Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 12:54 GMT+7

Điểm tựa vững chắc của học sinh “vùng khó” (bài 2)

Biên phòng - Các huyện vùng cao phía Tây Nghệ An, địa bàn định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất khó khăn. Nhiều năm về trước, việc học tập của con em họ gặp muôn vàn trắc trở. Có một số lượng không nhỏ học sinh người dân tộc thiểu số đã bỏ lỡ giấc mơ, quyền lợi được đến trường. Trường học bán trú được thành lập đã trở thành điểm tựa vững chắc để con em đồng bào dân tộc thiểu số ở “vùng khó” vươn lên học tập tốt. Qua đó, tạo cơ sở cân bằng về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền của tỉnh Nghệ An.

Bài 1: Chặn đứng “cơn lốc” bỏ học

Bài 2: Môi trường giáo dục toàn diện

Ở những ngôi trường bán trú phía Tây Nghệ An, học sinh không chỉ được học tập văn hóa, mà còn được chăm lo cả về thể chất lẫn tinh thần. Các em được hỗ trợ toàn diện, không lo đến nơi ăn, chốn ở khi phải học tập xa nhà, từ đó, tạo điều kiện để các em không ngừng nỗ lực vươn lên. Đã có nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở địa bàn khó khăn học ở những ngôi trường bán trú đã tự tin bước vào giảng đường đại học, cao đẳng bằng nghị lực, ý chí vượt khó, vươn lên của bản thân.

q0b5_10a
Học sinh bán trú Trường PTDTBT THCS Mai Sơn tập thể dục buổi sáng. Ảnh: Viết Lam

Khi con gà rừng cất tiếng gáy dồn ở những ngọn núi xung quanh báo hiệu bình minh sắp đến, khu bếp ăn học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Mai Sơn, huyện Tương Dương đã sáng ánh điện. Chị Phạm Thị Hiền, nhân viên cấp dưỡng của nhà trường đã dậy chuẩn bị bữa sáng cho học trò. Chị gom củi, rồi nhóm bếp lửa từ những đốm than còn cháy âm ỉ để đun sôi lại 2 nồi cháo giò heo rất lớn được nấu sẵn từ đêm qua. Chị Hiền quê tận Thái Bình, đã tốt nghiệp chuyên ngành Âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình. Sau đó, chị theo chồng - anh Nguyễn Hữu Xuyên, giáo viên Trường PTDTBT THCS Mai Sơn về địa bàn huyện biên giới Tương Dương, tỉnh Nghệ An với mong muốn thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng.

Nhưng trong giai đoạn ngành giáo dục đang thực hiện tinh giản biên chế, giấc mơ của chị đành dang dở. Không còn cách nào khác, chị tiếp tục hoàn thiện thêm ngành học Trung cấp nấu ăn để được ký hợp đồng nhân viên cấp dưỡng cho nhà trường, có thêm thu nhập, được gần gũi, chăm sóc chồng, con. Gắn bó với công việc đã được 6 năm, tuy vất vả nhưng “cô giáo” Hiền luôn thấy vui vì thường xuyên được chăm lo cho những học trò vùng khó. 

Đúng 5 giờ 30 phút, khi nồi cháo trên bếp của chị Hiền tỏa mùi thơm lừng, cũng là lúc tiếng trống trường vang lên liên hồi. Có lẽ, do được tạo thói quen từ trước, tất cả học sinh ở khu bán trú nhanh chóng rời khỏi phòng ngủ, đổ về sân trường tham gia tập thể dục. Sau 8 động tác thể dục tay không, thầy và trò ở ngôi trường vùng biên lại cất cao lời bài hát “Việt Nam ơi!” cùng những điệu nhảy sôi động chào ngày mới. Sau khi kết thúc giờ thể dục sáng, các học trò mỗi người một việc, quét dọn khuôn viên trường học, vệ sinh cá nhân. Thêm một hồi trống vang lên, báo hiệu đến giờ ăn sáng, lên lớp học.

Hiện, toàn tỉnh Nghệ An có 36 trường học được công nhận đạt chuẩn bán trú. Ngoài ra, còn trên 100 trường có học sinh bán trú, tập trung chủ yếu ở 8 huyện miền núi phía Tây. Năm học 2018-2019, tỉnh Nghệ An có 20.061 em học sinh được hưởng chế độ học sinh bán trú, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện phía Tây như Kỳ Sơn 5.489 em; Tương Dương 3.272 em; Quế Phong 2.447 em...

“Tất cả các trường đạt chuẩn bán trú và các trường có học sinh bán trú đều thực hiện rất nghiêm túc các chế độ được đặt ra cho học trò từ thời gian học tập trên lớp, sinh hoạt văn hóa, thể thao và cả kỹ năng lao động. Ở đây, các em được rèn luyện theo môi trường như của một đơn vị quân đội thu nhỏ nên tiến bộ rất nhanh và tự tin hơn nhiều khi ở cùng gia đình. Nhiều em đã nỗ lực vươn lên học tập tốt và nuôi dưỡng ước mơ cho riêng mình” - Thầy giáo Nguyễn Trường Giang, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mai Sơn khẳng định.

Rồi thầy Phó hiệu trưởng nhà trường kể về tấm gương của học trò Lương Thị Son (hiện đang là học sinh lớp 10, Trường PTDTNT tỉnh Nghệ An). Son là cô học trò người dân tộc Khơ Mú, phải chịu cảnh mồ côi từ khi còn rất nhỏ, ở với ông bà nội đã già yếu. Cảm thương hoàn cảnh của cô học trò bất hạnh, nên từ khi em bước vào học lớp 6, giáo viên trong trường đều dành tình thương yêu cho em. Đáp lại, Lương Thị Son rất ngoan ngoãn, học giỏi và sau khi tốt nghiệp bậc THCS, em thi đậu vào trường PTDTNT của tỉnh, đang về thành phố Vinh tiếp tục học tập nuôi dưỡng giấc mơ trở thành bác sĩ. 

Buổi chiều cùng ngày, ở Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, sau khi hết giờ trên lớp, theo tiếng trống hiệu lệnh, học sinh bán trú đổ về khu tăng gia sản xuất để được giáo viên hướng dẫn trồng, chăm sóc vườn rau chung. Khu tăng gia sản xuất của ngôi trường vùng cao có diện tích khoảng 4.500m2, được phủ một màu xanh ngắt của các loại rau cải, dền, ngọn bí, chuối... Tất cả được dùng phục vụ bữa ăn hàng ngày của hơn 240 học sinh bán trú. 

Để có vườn rau xanh phục vụ cho bếp ăn của học trò trong bữa cơm đầu tiên trở lại lớp, trong thời gian nghỉ hè, giáo viên nhà trường đã cùng nhau góp công sức trồng, chăm sóc mỗi ngày. Hỏi ra mới biết, khu đất trên không phải do nhà trường làm chủ mà được thầy Hoàng Văn Thưởng, Hiệu trưởng nhà trường đứng ra thuê của người dân gần đó. Ngoài vườn rau rộng lớn, nhà trường cũng tổ chức làm chuồng nuôi lợn để chủ động thực phẩm sạch cho học sinh. Nhờ kết quả tăng gia sản xuất tốt mà ngôi trường này gần như chủ động được nguồn rau xanh và thịt lợn sạch suốt cả năm học cho học sinh bán trú. Không chỉ vậy, nó còn tạo nguồn quỹ để nhà trường tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào các dịp lễ, Tết. 

6gsn_10b
Thầy Hoàng Văn Thưởng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm hướng dẫn học sinh bán trú trồng rau sau giờ lên lớp. Ảnh: Viết Lam 

Ở vườn rau, nhìn thầy Thưỏng chẳng khác nào một bác nông dân lành nghề. Tay làm, miệng nói, ông chỉ cho học trò cách lên luống, trồng từng cây rau. “Tất cả học sinh bán trú của nhà trường đều là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhìn chung, các em không chỉ yếu về học vấn, mà còn thiếu kỹ năng lao động, chăm lo cuộc sống. Nên ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chúng tôi rất chú trọng việc bồi dưỡng nhân cách, kỹ năng lao động sản xuất cho học sinh. Việc hướng dẫn các em chăm sóc vườn rau, đàn lợn không chỉ góp phần đảm bảo thực phẩm sạch, mà còn là một biện pháp giáo dục toàn diện rất tích cực cho học sinh. Nhiều em sau khi hết bậc THCS, không có điều kiện học tập lên cao đã tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất tại địa phương rất hiệu quả”. 

Sau bữa cơm chiều, khi màn đêm buông xuống, học sinh bán trú ở Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm và những ngôi trường bán trú khác ở vùng cao phía Tây Nghệ An được xem các chương trình truyền hình, được tập trung ôn bài, dưới sự giám sát của giáo viên nhà trường và đi ngủ đúng giờ quy định. 

Chính vì thế, khi nói về hình thức trường học bán trú, thầy giáo Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An khẳng định: “Cùng với công tác chuyên môn, chúng tôi đã chỉ đạo các trường bán trú phải xây dựng được thiết chế văn hóa, xây dựng các nội quy, quy định để đào tạo, rèn luyện học sinh toàn diện. Trong những năm qua, trường học bán trú ở phía Tây Nghệ An đang tạo cơ sở giúp chúng tôi từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền của tỉnh nhà”. 

Bài 3: Còn đó những trăn trở

Viết Lam

Bình luận

ZALO