Biên phòng - Không may trở thành F1, phải đi cách ly tập trung, nhiều cháu nhỏ gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày ở khu cách ly bởi chưa tự chăm sóc được bản thân. Trước những hoàn cảnh như vậy, dù công việc bận rộn, vất vả, nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP thành phố Đà Nẵng làm việc tại các khu cách ly luôn dành thời gian quan tâm, đùm bọc, yêu thương, trở thành chỗ dựa cho các cháu nhỏ khi không có người thân bên cạnh.

Đã hơn 2 tháng nay, Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm, nhân viên cơ điện, Hải đội 2, BĐBP thành phố Đà Nẵng tham gia làm nhiệm vụ tại các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Đà Nẵng. Nếu như trước đây, nhiều người biết anh chính là tác giả của bức ảnh “Má đừng ngại, cứ ôm lấy con” (ghi lại khoảnh khắc Thượng úy Nguyễn Thanh Bình bế cụ bà là F0 ra xe chuyển viện, gây xúc động cho nhiều người) thì hôm nay, anh lại tiếp tục viết nên câu chuyện đầy tình người khi đứng ra nhận chăm sóc con trai của một bệnh nhân mắc Covid-19.
Cuối tháng 8-2021, anh Lê Văn Lộc (trú tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) cùng vợ, con gái và con trai phải cách ly tại Khu cách ly Đà Sơn. Cả nhà ở chung một phòng nên khi vợ, con gái trở thành F0, anh Lộc hiểu mình và con trai có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Rồi điều anh Lộc lo lắng đã trở thành sự thật, khi anh được thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính. Nỗi lo sợ vì nhiễm bệnh chưa qua thì anh lại lo cho cậu con trai tên Nghĩa. Từ nhỏ, Nghĩa chưa khi nào rời xa vòng tay cha mẹ, lại thường hay sốt về đêm. Rồi việc ăn uống, tắm giặt sẽ thế nào với đứa trẻ mới 10 tuổi? Thương con, anh Lộc từ chối đi điều trị.
Bác sĩ Trần Thị Mỹ Linh, người phụ trách chính ở Khu cách ly Đà Sơn bàn phương án kêu gọi các F1 ở cùng tầng nhận cháu Nghĩa về phòng chăm sóc. Ngặt nỗi, cháu Nghĩa thuộc diện nguy cơ rất cao, nên nếu chuyển phòng thì có thể gây lây nhiễm chéo. Biết được điều ấy, Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm đã bàn bạc với bác sĩ Linh và đến trao đổi với anh Lộc. Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm nói: “Biến chủng mới này nguy hiểm cả với những người khỏe mạnh, không có bệnh nền nên anh đừng chủ quan. Tôi cũng có con trai năm nay 9 tuổi, nên rất hiểu những lo lắng của một người cha. Tuy nhiên, anh cứ yên tâm đi chữa bệnh, tôi hứa sẽ lo cho cháu”. Nói đoạn, Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm quay sang hỏi Nghĩa: “Cháu có đồng ý để ba đi chữa bệnh không?”. Nghe câu chuyện từ đầu, Nghĩa hiểu rằng, ba cần được điều trị càng sớm càng tốt, nên nói dứt khoát: “Ba hãy đi chữa bệnh. Con ở lại với chú Khiêm”. Anh Lộc bật khóc: “Gia đình tôi trăm sự nhờ các anh bộ đội và các y, bác sĩ ở đây”.
Từ hôm đó, ngoài mang cơm, Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm còn đến phòng để hướng dẫn Nghĩa tắm, giặt quần áo. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, anh đều gọi điện nói chuyện để cậu bé không sợ hãi vì ở một mình trong căn phòng rộng thênh thang.
Ngày 4-9, Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm chợt nhớ ra hôm sau là ngày khai giảng, anh liền gọi điện thoại liên hệ với cô giáo chủ nhiệm của Nghĩa, xin đường link rồi mày mò cài đặt phần mềm học trực tuyến cho Nghĩa. Anh cũng nhờ người mua một số đồ dùng học tập cần thiết cho cậu bé. Biết chuyện, Đại tá Đỗ Văn Đông, Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng cũng gửi tặng vở ghi chép với lời nhắn: “Cố lên nhé, chiến sĩ nhỏ!”. Và Nghĩa đã bắt đầu năm học mới theo cách đặc biệt như thế.
Trong thực tế, không chỉ Thượng úy Nguyễn Tống Khiêm, mà bất cứ người lính Biên phòng nào cũng luôn quan tâm tới các F1, đặc biệt là các cháu nhỏ. Trong điều kiện có thể, các anh luôn nỗ lực, cố gắng giúp các cháu từ việc nhỏ nhất, bởi ai cũng hiểu rằng, lúc này mình là chỗ dựa cho những con người đang chông chênh vì nỗi lo nhiễm bệnh. Thượng úy Nguyễn Thanh Bình không chỉ “đẹp” trong bức ảnh “Má đừng ngại, cứ ôm lấy con”, mà trong cuộc sống hàng ngày, anh cũng luôn nhận được sự yêu mến của mọi người vì lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác ngay cả khi việc đó không thuộc trách nhiệm của mình.

Là F1, nên bé Nguyễn Lê Quỳnh Như (sinh năm 2012, trú tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cùng bà ngoại, mẹ, dì và 2 em phải đi cách ly tập trung tại Trường Đại học Thể dục-Thể thao Đà Nẵng. Cả ngày phải ở trong phòng, giữa 4 bức tường, Quỳnh Như càng tò mò về những thứ xung quanh. Khi biết “người mặc quần áo bảo hộ kín mít, phát cơm mỗi ngày” là các chú BĐBP, Quỳnh Như rất ngạc nhiên, bởi trong suy nghĩ của cô bé 9 tuổi, chú bộ đội phải cầm súng bảo vệ đất nước.
Sự ân cần của các chú BĐBP mỗi lần phát cơm, đưa giúp đồ tiếp tế, rồi các chú còn tặng quà ngày Quốc tế thiếu nhi khiến Quỳnh rất vui. Em nói với mẹ: “Hôm nào mẹ nhờ người mua cho con hộp màu để con vẽ tặng các chú BĐBP bức tranh ạ”. Thế nhưng, chưa thực hiện được dự định đó thì Quỳnh Như có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, phải chuyển sang Bệnh viện 600 giường điều trị. Nghĩ những ngày tới phải ở một mình, Quỳnh Như rơm rớm nước mắt, không muốn đi cho tới khi Thiếu tá Đặng Anh Tuấn, Đồn Biên phòng Phú Lộc nói: “Ở đây có nhiều em nhỏ, cháu là chị lớn nhất, phải làm gương cho các em chứ”. Cô gái nhỏ hít một hơi thật sâu rồi kéo va li ra xe đang chờ sẵn để chuyển viện.
Cứ thế, các cháu nhỏ ở khu cách ly càng thêm yêu những người lính Biên phòng, bởi các chú đã xuất hiện, giúp đỡ lúc các cháu cần nhất, tựa như thể ông bụt trong câu chuyện cổ tích ngày xửa, ngày xưa...
Trúc Hà