Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:41 GMT+7

Điểm tựa mới cho trụ đỡ nền kinh tế

Biên phòng - Sau khi lấy ý kiến góp ý của nhân dân, tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho giai đoạn sau năm 2021. Theo đó, những đối tượng được hỗ trợ BHNN vừa kế thừa các chính sách đã ban hành, vừa được bổ sung cả về đối tượng lẫn địa bàn được hỗ trợ, rủi ro được bảo hiểm.

Trong bối cảnh nông nghiệp đang chịu tác động tiêu cực lớn từ đại dịch Covid-19, cần thiết phải thực hiện hỗ trợ BHNN. Ảnh: minh họa

Dư luận đánh giá cao việc kịp thời ban hành chính sách mới để đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ BHNN được liên tục, ổn định và không có khoảng trống về pháp lý. Bởi, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg, ngày 26-6-2019 về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN đã hết hiệu lực thực hiện từ ngày 31-12-2021.

Kế thừa các chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, dự thảo quyết định đề xuất đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ thuộc 3 nhóm: về cây trồng có lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; vật nuôi gồm trâu, bò, lợn; nuôi trồng thủy sản gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra. Đồng thời mở rộng hỗ trợ bảo hiểm cây lúa tại 7 tỉnh; trâu, bò tại 11 tỉnh, thành phố; lợn tại địa bàn 9 tỉnh, thành phố; tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 5 tỉnh; cây cao su tại 8 tỉnh...

Để khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia BHNN, mức hỗ trợ phí BHNN tối đa cho cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 90%; không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo: 20%; tổ chức sản xuất nông nghiệp: 20%.

Theo các chuyên gia, kinh phí hỗ trợ phí BHNN từ ngân sách Nhà nước khoảng 88,4 tỷ đồng/năm không lớn so với ngân sách quốc gia, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Đối với Nhà nước, đây sẽ là một điểm tựa để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Việc mở rộng đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và hỗ trợ phí bảo hiểm sẽ khuyến khích tổ chức, người dân quan tâm, tham gia, đồng thời giúp họ bớt đi nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, có điều kiện để giảm bớt thiệt hại, sớm khắc phục và phục hồi sản xuất sau các rủi ro, thiên tai, dịch bệnh.

Rõ ràng, trong bối cảnh nông nghiệp đang chịu tác động tiêu cực lớn từ đại dịch Covid-19, cần thiết phải thực hiện hỗ trợ BHNN. Vấn đề còn nhiều ý kiến băn khoăn là số lượng sản phẩm và địa bàn được hỗ trợ khá khiêm tốn, trong khi nông nghiệp vẫn là lĩnh vực rủi ro cao, phụ thuộc lớn vào biến động khó lường của thiên tai, dịch bệnh.

Bộ Tài chính giải trình, việc lựa chọn đối tượng bảo hiểm căn cứ theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương. Các đối tượng được hỗ trợ có quy mô, diện tích mang tính đại diện cho các vùng miền, tạo thuận lợi cho việc triển khai bảo hiểm theo nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Đây cũng là các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, phù hợp với mục tiêu, định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Thực tiễn cho thấy, BHNN vẫn là sản phẩm mới, không chỉ đối với người nông dân mà còn với đội ngũ cán bộ thực thi chính sách tại cơ sở. Nhận thức của một số bộ phận người nông dân đối với BHNN vẫn còn hạn chế nên các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người nông dân.

Mặt khác, 2 năm qua, các địa phương cũng ưu tiên nguồn lực để triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch thay vì bố trí ngân sách cho mục tiêu này. Thế nên, mới chỉ có 4/19 tỉnh (Nghệ An, Thái Bình, Hà Giang và Bình Định) có kết quả triển khai BHNN; nhiều địa phương mới chỉ triển khai hỗ trợ bảo hiểm cho cây lúa và vật nuôi (trâu, bò, lợn)...

Thiết nghĩ, để quyền lợi cho người nông dân được đảm bảo và sự thuận lợi trong tổ chức thực hiện, chính sách BHNN phải đảm bảo nguyên tắc liên tục, ổn định và bền vững, song song với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc hỗ trợ, tuyên truyền để người nông dân hiểu rõ ích lợi và tham gia bảo hiểm.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO