Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 21/09/2023 06:52 GMT+7

Điểm tựa giúp nông dân ở khu vực biên giới vươn lên làm chủ cuộc sống

Biên phòng - Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP và Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy có hiệu quả trong việc giúp nhân dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những việc làm thiết thực đó góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc ở khu vực biên giới; đồng thời, không ngừng lan tỏa hình ảnh cao đẹp, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ mang quân hàm xanh trong lòng nhân dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ka Lăng, BĐBP Lai Châu thường xuyên bám địa bàn, động viên nhân dân ở khu vực biên giới lao động sản xuất. Ảnh: Bích Nguyên

Hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất

Trường Sơn là xã biên giới khó khăn của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, với hơn 62% là người dân tộc Bru Vân Kiều. Nơi đây, đồng bào thiếu kiến thức và phương tiện sản xuất nên vẫn áp dụng phương thức cũ vào canh tác. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những người lính quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình đã kiên trì giúp bà con thay đổi nhận thức, xóa bỏ những tập tục lạc hậu; đồng thời, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động, dần dần cải thiện cuộc sống.

Đại úy Trần Thanh Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Làng Mô chia sẻ: “Nếu tặng bà con gạo, thực phẩm hay quần áo thì chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, chưa giải quyết được tận gốc của vấn đề đói nghèo. Cách tốt nhất để giúp đỡ bà con là thay đổi nếp nghĩ, cách làm và hướng dẫn họ tiếp cận với kỹ thuật, với máy móc và phương thức sản xuất mới. Với suy nghĩ đó, Đồn Biên phòng Làng Mô đã triển khai mô hình “Tiếng máy vùng biên”. Các máy móc mà đơn vị lựa chọn đều là loại nhỏ, gọn, công suất cao, dễ di chuyển, giá thành hợp lý. Mô hình này giúp người nông dân ở khu vực biên giới nơi đơn vị đóng quân nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giảm bớt khó nhọc trong sản xuất. Đồng thời, đây cũng là nguồn động lực lớn, nhằm động viên, khuyến khích bà con tích cực lao động, mở rộng sản xuất, phấn đấu vươn lên, từng bước tự làm chủ cuộc sống của mình”.

Chiếc máy xay xát đầu tiên được Đồn Biên phòng Làng Mô đưa về bản Dốc Mây năm 2020. Dốc Mây là một bản nhỏ xa xôi, hẻo lánh, giáp biên giới 2 nước Việt Nam - Lào. Để đến được với bản phải đi hơn 20km đường rừng, đi qua đường mòn nhỏ, nhiều khe suối và dốc đá cheo leo. Bản Dốc Mây là nơi sinh sống của 22 hộ dân/99 khẩu, 100% hộ dân là người dân tộc Bru Vân Kiều và đều là hộ nghèo.

Quyết tâm đưa máy móc về với bản làng của những người lính quân hàm xanh đã rõ, nhưng điều trăn trở lúc bấy giờ đó là bản Dốc Mây chưa có điện lưới thì máy chạy bằng gì? Cuối cùng, các anh lựa chọn loại máy xay nghiền mini vừa có thể chạy bằng điện, lại vừa sử dụng động cơ khi không có điện. Tiếng máy đầu tiên được nổ vang giữa đại ngàn Trường Sơn mang theo bao hi vọng của những người nông dân nơi đây về một tương lai máy móc thay thế sức của con người. Từ chiếc máy xay nghiền đầu tiên ở bản Dốc Mây, cho đến nay, Đồn Biên phòng Làng Mô đã đưa gần 25 máy nông nghiệp các loại như máy cày, xay xát, tuốt lúa, nghiền ngô, khoai sắn, trị giá 226 triệu đồng cho 11 thôn, bản trên địa bàn.

Cùng với đó, Đồn Biên phòng Làng Mô còn triển khai nhiều mô hình giúp người dân trong lao động sản xuất như “Con giống vùng biên”, phối hợp hỗ trợ 10 mô hình sinh kế phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ 14 con lợn giống, 45 con ngỗng, 200 con ngan giống cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn giá hơn 70 triệu đồng; hỗ trợ 1.000 cây dổi ghép, 500 cây na, 350 cây ổi, 80 cây mít.

Đơn vị cũng phối hợp xây dựng 9 ngôi nhà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 410 triệu đồng; xây dựng 6 công trình nước sạch trị giá 300 triệu đồng. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Làng Mô đã phối hợp triển khai xây dựng 16 công trình “Ánh sáng vùng biên”, có chiều dài 16,2km, với tổng trị giá 815 triệu đồng; xây dựng 12 nhà vệ sinh tự hủy trong mô hình “Công trình vệ sinh vì cộng đồng” tặng cho nhân dân các thôn, bản trên địa bàn.

Những mô hình giúp nông dân ở khu vực biên giới của Đồn Biên phòng Làng Mô được các cấp chính quyền, địa phương, bà con nhân dân đánh giá cao; đồng thời, đã tạo bước tiến mới, giúp bà con chủ động được khâu sản xuất, từ đó, đời sống của đồng bào tộc tộc thiểu số ở Trường Sơn được ổn định và nâng cao, góp phần bảo vệ bình yên biên cương của Tổ quốc.

Phối hợp triển khai nhiều phong trào

Không chỉ Đồn Biên phòng Làng Mô mà thời gian qua, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã làm tốt công tác phối hợp vận động, hướng dẫn nông dân ở khu vực biên giới phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết là các cấp Hội Nông dân và các đơn vị BĐBP thường xuyên phối hợp đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào nông dân thi đua lao động sản xuất như xây dựng nông thôn mới, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”…

Bà con bản Dốc Mây sử dụng máy xay xát do Đồn Biên phòng Làng Mô tặng trong mô hình “Tiếng máy vùng biên”. Ảnh: Tuấn Khang

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân và các đơn vị BĐBP cũng tích cực thúc đẩy thành lập các loại hình kinh tế tập thể, trang trại, gia trại, nhiều hộ nông dân đã liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết theo chuỗi. Thành lập các tổ tín chấp vay vốn, tạo điều kiện cho các hộ nông dân nghèo được tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Vận động nông dân tích cực tham gia đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Thông qua các phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân điển hình vượt khó, vươn lên để xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Tiêu biểu phải kể đến là mô hình hợp tác xã chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Thu Hằng, ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với quy mô 600 con lợn nái, thu nhập 2 tỷ đồng/năm. Hay mô hình chăn nuôi, trồng trọt của ông Đàm Thọ, ở xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 15ha trồng cam, bưởi, 1.200 con lợn, thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm. Hộ gia đình ông Trần Văn Tuyên, thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đầu tư vốn để chế biến và tiêu thụ hải sản với doanh thu 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 30-40 lao động…

Đặc biệt, các đơn vị BĐBP đã phân công 9.402 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách, giúp đỡ 40.893 hộ gia đình ở khu vực biên giới; phối hợp tổ chức các lớp học xóa mù chữ và khám chữa bệnh miễn phí cho hàng nghìn lượt người là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Những việc làm của BĐBP đã giúp bà con nông dân có kiến thức, tiềm lực để phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO