Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 07:29 GMT+7

Điểm tựa để nữ sinh nghèo vượt khó vươn lên

Biên phòng - Từ nhỏ, Xeo Thị Hoa, 16 tuổi, người đồng bào dân tộc Khơ Mú, ở xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Đã có lúc, em nghĩ đến chuyện bỏ học giữa chừng để phụ bà làm nương rẫy nuôi các em ăn học. Thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của em, Đồn Biên phòng Keng Đu, BĐBP Nghệ An đã nhận đỡ đầu Xeo Thị Hoa theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Đây thực sự là điểm tựa để cô học trò nghèo vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.     

Em Xeo Thị Hoa (ngoài cùng bên trái) là 1 trong 6 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Đồn Biên phòng Keng Đu, BĐBP Nghệ An nhận đỡ đầu (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Viết Lam

Những ngày cuối tháng 9-2021, Xeo Thị Hoa đã rời bản làng về lại trường học. Hiện tại, Hoa đang theo học lớp 11 hệ bổ túc, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An (tại thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông). Khi được hỏi về gia đình, nữ sinh người đồng bào dân tộc Khơ Mú ngậm ngùi cho biết, từ nhỏ, mình đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Khi Hoa 4 tuổi, bố, mẹ em ly hôn, rồi bố bỏ đi và mất liên lạc đến tận bây giờ.

Vài năm sau mẹ em cũng đi tìm hạnh phúc mới, Hoa cùng 2 em gái phải nương tựa vào bà ngoại tuổi đã cao, sức yếu. Khi lên 8 tuổi, nhìn thấy cảnh bà ngoại già yếu vẫn phải vất vả mưu sinh nuôi các cháu, ngoài giờ học ở trường, Hoa lại lên rẫy phụ bà trồng ngô, trồng sắn. Càng lớn lên, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, cô học trò vùng cao nhiều lần tâm sự với giáo viên chủ nhiệm về việc muốn xin nghỉ học, ở nhà làm rẫy đỡ đần bà ngoại và các em.

Câu chuyện của nữ sinh nghèo được cán bộ, chỉ huy Đồn Biên phòng Keng Đu biết đến và muốn tạo điều kiện để em có cơ hội thay đổi số phận. Trung tá Nguyễn Tiến Hạnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Keng Đu cho biết: “Thời điểm năm 2017, khi biết về hoàn cảnh của Hoa, đơn vị đang nhận đỡ đầu 5 học sinh khác theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Sau đó, chúng tôi đã thảo luận trước tất cả cán bộ, chiến sĩ đơn vị, rồi đi đến thống nhất sẽ tiếp tục nhận đỡ đầu thêm Xeo Thị Hoa để tạo điều kiện cho em có cơ hội vươn lên trong cuộc sống”. Cũng từ đó, cuộc sống của bà cháu Xeo Thị Hoa đã có nhiều thay đổi. Đồn Biên phòng Keng Đu cử cán bộ phụ trách, thường xuyên đến nhà hướng dẫn phương pháp để Hoa học tập có kết quả tốt nhất. Cán bộ quân y Biên phòng luôn có mặt thăm khám, cấp thuốc, động viên mỗi khi có thành viên trong gia đình ốm đau, bệnh tật.

Ngôi nhà nhỏ của bà, cháu Hoa cũng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu giúp sửa lại kín đáo, ấm áp trong những ngày mưa gió, rồi bộ đội còn tham gia thu hoạch lúa, ngô trên nương rẫy giúp gia đình Hoa khi mùa vụ đến. Bước vào năm học mới, Hoa và các em cũng được các chú bộ đội mua sắm đầy đủ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập. Khoản tiền nhỏ mà hàng tháng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Keng Đu gửi tặng, Hoa thường đưa cho bà ngoại mua thêm thực phẩm khi cần thiết.

Hiểu được tình cảm, sự thương yêu của những người lính Biên phòng, Hoa luôn chăm ngoan, học giỏi. “Từ ngày em được các chú ở Đồn Biên phòng Keng Đu nhận đỡ đầu, cuộc sống của mấy bà cháu đã đỡ vất vả hơn nhiều. Không biết từ khi nào, em đã coi các chú như người thân thiết, ruột thịt của mình. Chính sự quan tâm, chăm lo của các chú đã tạo động lực mạnh mẽ thôi thúc em cố gắng học tập tốt. 3 năm liền, em đạt học sinh giỏi toàn diện và đạt giải Khuyến khích các môn Tiếng Anh và Ngữ Văn trong các kỳ thi học sinh giỏi huyện Kỳ Sơn” - Hoa chia sẻ.

Học hết bậc trung học cơ sở, Hoa đăng ký học hệ bổ túc văn hóa của trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An để vừa được học văn hóa, vừa được học nghề. Hoa nói về quyết định của mình: “Thực lòng, em cũng có mơ ước được học đại học để làm cô giáo. Nhưng hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nên em đành gác lại ước mơ để đăng ký học nghề dệt may với mong muốn sớm tự lập lo cho bản thân, đỡ đần được nhiều hơn cho bà ngoài và các em. Sau một năm học, giờ em đã có thể tự dệt được vải và may được những bộ đồ truyền thống của dân tộc mình”. Qua câu chuyện của Hoa, chúng tôi cũng biết rằng, dù không gặp gỡ thường xuyên, nhưng chỉ huy Đồn Biên phòng Keng Đu vẫn luôn gọi điện thoại động viên, nhắc nhở em trong quá trình đi học xa nhà.

Khi được hỏi về Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, cô học trò lớp 11 cho biết: “Những chương trình, mô hình mà Đồn Biên phòng Keng Đu đã và đang thực hiện thực sự là nguồn động lực lớn lao, giúp đỡ em cùng các bạn có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới vươn lên thực hiện ước mơ của mình. Em mong muốn sau khi học nghề xong sẽ trở về địa phương để hướng dẫn cho bà con người dân tộc Khơ Mú có thêm việc làm, cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống”.

Viết Lam

Bình luận

ZALO