Biên phòng - Các tộc người Rục, Mày (dân tộc Chứt) ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã từ bỏ được những tập tục lạc hậu vốn ăn sâu trong tiềm thức để từng bước tự chủ về lương thực, xóa đói giảm nghèo, hòa nhập cùng cộng đồng các dân tộc anh em. Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, những người lính Biên phòng chính là điểm tựa để đồng bào Chứt “chuyển mình” như hiện nay.
Bài 2: Đồng bào Chứt xin thoát nghèo
Sau quãng thời gian dài được BĐBP hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, đồng bào dân tộc Chứt ở Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã quen dần với lao động sản xuất. Nhiều hộ dân không chỉ tự chủ được lương thực, mà còn nghĩ đến việc vươn lên làm giàu, một số hộ dân viết đơn xin thoát nghèo.
Nhờ dự án trồng cây lúa nước của BĐBP Quảng Bình mà các gia đình đồng bào Chứt ở bản Mò O Ồ Ồ đã chủ động được lương thực. Trong khi đó, nhân dân bản Ón và bản Yên Hợp, xã Thượng Hóa được những người lính Biên phòng định hướng phát triển kinh tế theo một cách khác. Bộ đội hướng dẫn để nhân dân tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng nguyên liệu.
Khi đang chuẩn bị cùng đồng đội xuống địa bàn thực hiện nhiệm vụ, Thượng úy Đinh Lâm Viên, đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ bản Ón thấy chuông điện thoại đổ liên hồi. Anh bắt máy trò chuyện với ai đó, rồi quay sang nói với 2 cán bộ Biên phòng: “Anh Vinh vừa gọi điện mời chúng ta ghé qua nhà có việc quan trọng muốn trao đổi”. Qua lời người cán bộ Biên phòng giới thiệu thì được biết, người vừa gọi điện thoại là anh Trần Xuân Vinh, 39 tuổi, dân tộc Chứt, nhà ở ngay trung tâm bản Ón. “Đồng bào Chứt ở đây là thế, mọi việc quan trọng trong gia đình đều tìm đến BĐBP. Chúng tôi phải đến đó xem bà con đang cần gì?” – Thượng úy Viên chia sẻ.
Khi tổ công tác Biên phòng đến nhà, anh Vinh cùng một số người đàn ông khác đang uống nước, đợi sẵn. Chỉ chờ Thượng úy Viên và đồng đội ngồi vào bàn, anh Vinh hướng mắt về phía những người lính Biên phòng nói chậm rãi: “Gia đình tui (tôi) với chú Lực quyết định xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Bầy tui (chúng tôi) viết đơn sẵn đây rồi, mong các chú chuyển lên cho chính quyền địa phương xem giải quyết giúp. Nhà cửa kiên cố rồi, các con đã lớn, trâu, bò, lợn, gà đều phát triển tốt, vườn keo sắp thu hoạch, nói nghèo thì ngại lắm! Chúng tôi xin rút khỏi hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những người khác còn khó khăn hơn”. Vừa ngắt lời, hai người đàn ông đồng bào dân tộc Chứt đã đưa những lá đơn xin thoát nghèo cho cán bộ Biên phòng cắm bản.
Qua câu chuyện với anh Trần Xuân Vinh và anh Cao Văn Lực, chúng tôi mới biết, trước đây, cũng như nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Chứt trong vùng, cuộc sống của gia đình họ chủ yếu phụ thuộc vào việc khai thác lâm sản và các khoản trợ cấp của Nhà nước nên cái đói nghèo vẫn luôn đeo bám. Không chỉ vậy, họ còn phải đối diện với nguy cơ vi phạm pháp luật do khai thác gỗ, săn bắt thú rừng trái phép. Khi được BĐBP, chính quyền địa phương vận động, những người như anh Vinh, anh Lực bàn nhau quyết tâm từ bỏ việc khai thác lâm sản để bắt đầu làm quen với việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt ở vườn nhà và trồng rừng nguyên liệu.
Ban đầu, được cán bộ Biên phòng Cà Xèng định hướng, họ cũng chỉ nuôi ít gà, lợn để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, sau đó có dư thì mang bán cho những người ngoài xã vào thu mua. Thấy việc chăn nuôi lợn, gà thuận lợi, anh Vinh, anh Lực lại xây thêm chuồng trại phát triển đàn gia súc, gia cầm với mục đích kinh doanh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, họ được Đồn Biên phòng Cà Xèng cung cấp giống lợn rừng lai để chăn nuôi và đạt hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi ở trong vườn, khi được Nhà nước tạo điều kiện vay vốn, anh Vinh và anh Lực làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò ở trong khu nương rẫy. Hiện nay, ngoài lợn, gà, mỗi gia đình đang sở hữu 5-7 con trâu, bò. Đặc biệt, họ cũng mạnh dạn chuyển toàn bộ đất đồi vốn chỉ để trồng sắn sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi và trồng rừng keo nguyên liệu. “Nhờ có nguồn thức ăn tự nhiên nhiều nên việc phát triển chăn nuôi ở đây cũng khá thuận lợi. Đàn lợn rừng lai của gia đình tôi nuôi hằng năm đều không kịp cho khách đặt” - Anh Vinh khẳng định. Thành công bước đầu, hai anh lại chia sẻ kinh nghiệm cho các gia đình khác thực hiện tạo nên bước đệm cho phong trào lao động sản xuất ở địa phương.
Nhờ chăm chỉ lao động sản xuất, đời sống vật chất được nâng lên, đồng bào Chứt ở Thượng Hóa cũng nghe theo BĐBP, chính quyền địa phương từng bước từ bỏ những tập tục lạc hậu vốn tồn tại từ lâu đời. Chính vì thế mà anh Cao Xuân Long, Bí thư chi bộ - Trưởng bản Mò O Ồ Ồ cho biết: “Đã hai năm nay, trong bản làng không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Mọi thủ tục cưới hỏi, ma chay đều được tổ chức rất hợp với nét văn hóa mới”.
Bài 3: Còn đó những trăn trở
Viết Lam