Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

Điểm tựa của người dân vùng “rốn lũ”

Biên phòng - Hơn 4 năm nay, người dân thôn Sủng Hoảng, xã Phìn Ngan, thuộc huyện biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã quen với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn trong trang phục dân tộc Dao đỏ luôn gương mẫu, nhiệt tình đến từng gia đình thăm hỏi, động viên bà con đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó là Bí thư Chi bộ thôn Sủng Hoảng Chảo Kiếu Mẩy, người luôn gương mẫu, tâm huyết, trách nhiệm với công việc và là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân.

tiw3_13a
Bí thư Chảo Kiếu Mẩy (bên trái) hướng dẫn bà con thôn Sủng Hoảng cách chăm sóc cây sa nhân. Ảnh:Trung Dũng

Người dân Sủng Hoảng bây giờ gọi sa nhân tím là cây “thoát nghèo”. Bao năm qua, nhiều giống cây mới được đưa về trồng tại thôn đều không có hiệu quả. Chỉ đến khi sa nhân tím được chính tay chị Mẩy mang về trồng thử nghiệm vào năm 2003 thì hướng đi mới cho vùng đất khó đã được mở ra.

Chị Mẩy tâm sự: Trước đây, nghe một vài người bạn ở xã khác kể về cây sa nhân tím dễ trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chị bàn với chồng mua giống sa nhân này về trồng. Được sự ủng hộ, chị mạnh dạn đầu tư trồng 500 gốc sa nhân. Qua thời gian, cây sa nhân tím tỏ rõ sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, lúa. Nhận thấy vùng đất này thích hợp với loại cây sa nhân tím, gia đình chị quyết định mở rộng diện tích loại cây trồng này. Sau hơn 10 năm, gia đình chị đã phát triển được trên 3ha sa nhân tím, đến nay cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm từ quả khô và cây giống.

Không phải ngay từ đầu đã “xuôi chèo mát mái”, bởi chỉ có gia đình chị trồng với số lượng ít, chưa thành vùng nên giá bán sản phẩm không cao. Chị luôn trăn trở làm thế nào để tạo vùng sản xuất với sản lượng lớn để tăng giá thành sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con. Chị Mẩy mạnh dạn đề xuất với các ban, ngành, đoàn thể của thôn, xã vận động bà con trồng phủ sa nhân ở những vùng đồi, núi trọc, kết hợp trồng cây lấy gỗ tạo tán.  Làm như vậy, vừa đảm bảo mục tiêu trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa tạo sinh kế cho bà con.

Là hộ trồng sa nhân đầu tiên ở thôn, chị Mẩy còn cung cấp giống cây cho những gia đình nghèo, đồng thời tận tình đến từng nhà hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, hầu hết các hộ dân trong thôn đều trồng sa nhân tím, nhà ít trồng một, hai ha, nhà nhiều cũng có đến cả chục ha. Từ nguồn bán quả tươi, quả khô, cây giống, các gia đình ở Sủng Hoảng hộ ít nhất cũng có thu nhập gần 20 triệu đồng mỗi năm. Nhờ trồng sa nhân tím, nhiều gia đình đã giảm nghèo và thoát nghèo bền vững.

Về Sủng Hoảng hôm nay, 100% trẻ em trong độ tuổi đã đến trường, nhiều em được học hết các bậc học phổ thông và theo học tại các trường chuyên nghiệp; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều sử dụng các biện pháp phòng, tránh thai, 10 năm trở lại đây, thôn không có hộ nào sinh con thứ 3.

Sủng Hoảng là một trong những thôn xa, khó khăn nhất của xã nghèo Phìn Ngan và là nơi chịu nhiều thiệt hại bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên với những cơn lũ lịch sử năm 2004, 2008 và 2016. Để ổn định cuộc sống cho bà con, chủ động phòng tránh hậu quả do thiên tai, chính quyền địa phương đã có chủ trương di dời dân đến nơi ở mới. Khu tái định cư của 34 hộ dân Sủng Hoảng 2 ở cách nơi ở cũ gần chục cây số. Đi hay ở, đó là quyết định không dễ dàng đối với nhiều gia đình, vì tất cả ruộng nương, hoa màu, chuồng nuôi nhốt gia súc của họ bao năm tích cóp, xây dựng đều ở đây. Xác định tính mạng con người là trên hết, cùng với sự tuyên truyền, vận động của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Chi bộ thôn Sủng Hoảng dưới sự lãnh đạo của Bí thư Chảo Kiếu Mẩy đã tích cực tuyên truyền bà con di chuyển về nơi ở mới.

l5zj_13b
Bí thư Chảo Kiếu Mẩy (bên trái) đến từng hộ gia đình tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: Trung Dũng

Khu tái định cư của 34 hộ dân Sủng Hoảng 2 ở cách trung tâm xã không xa, cây cầu mới bắc qua suối Van Hồ đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Giờ đây, Sủng Hoảng đang dần hồi sinh với những ngôi nhà xây cấp 4 chắc chắn hơn. Bà con hối hả với vụ lúa mùa, màu xanh của những luống rau, màu đỏ của những vườn ớt khiến không gian tràn đầy sức sống. Nhà cửa hoàn thiện, hơn 30 hộ dân vùng lũ được “an cư”.

Đầu tháng 7-2017, Bí thư Chi bộ thôn Chảo Kiếu Mẩy được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Sủng Hoảng. Ông Tẩn Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: “Đồng chí Chảo Kiếu Mẩy là nữ Bí thư Chi bộ, nữ Trưởng thôn đầu tiên của xã Phìn Ngan, nhưng rất mạnh dạn trong công tác, luôn đề xuất những công việc có lợi cho dân, xứng đáng là điểm tựa của người dân vùng rốn lũ Sủng Hoảng. Gia đình đồng chí Mẩy là hộ tích cực trong việc phát triển kinh tế, là tấm gương cho nhân dân noi theo”.

Trung Dũng - Cao Hương

Bình luận

ZALO