Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 10:26 GMT+7

Điểm tựa của học sinh nghèo nơi biên giới

Biên phòng - Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chiềng Khương, BĐBP Sơn La đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trở thành điểm tựa của học sinh nghèo nơi biên cương.

zmq1_5a
Cán bộ Đồn BPCK Chiềng Khương trao quà “Nâng bước em tới trường” cho em Thạo Phe. Ảnh: Thanh Thuận

Chắp cánh ước mơ đến trường

Đồn BPCK Chiềng Khương đứng chân trên địa bàn xã biên giới Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Bên cạnh nhiệm vụ chính, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn luôn quan tâm, thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Thiếu tá Vì Văn Chương, Chính trị viên Đồn BPCK Chiềng Khương cho biết: “Chương trình “Nâng bước em tới trường” được đơn vị thực hiện thường xuyên từ năm 2016 đến nay với nguồn kinh phí từ sự đóng góp ngày lương của cán bộ, chiến sĩ, tiền tiết kiệm và nguồn thu từ tăng gia sản xuất của đơn vị, đồng thời vận động các nhà hảo tâm tặng quà và đồ dùng học tập cho các em. Hiện, đơn vị đang nhận đỡ đầu 3 em học sinh đến hết lớp 12, trong đó có 1 em người Lào ở cụm Bản Đán đối diện”. 

Theo chân Đại úy Vi Thanh Tùng, cán bộ Đội vận động quần chúng, chúng tôi đến thăm gia đình em Vũ Khánh Ngọc, dân tộc Thái tại bản Tiên Sơn, xã Chiềng Khương. Ngọc là học sinh lớp 6, Trường Trung học cơ sở Chiềng Khương đang được Đồn BPCK Chiềng Khương hỗ trợ 500 ngàn đồng/tháng. Ngôi nhà nhỏ của gia đình em đã xuống cấp, mái tôn trước nhà bị thủng nhiều chỗ, vách tường ẩm ướt, nứt toác, trong nhà chẳng có tài sản gì đáng giá. Đón chúng tôi, chị Lý Thị Nhung (mẹ của Ngọc) buồn bã tâm sự, chồng chị mất do bệnh ung thư. Trong thời gian 10 năm kể từ khi phát hiện bệnh của chồng, chị đã đi vay mượn chạy chữa khắp nơi nhưng không cứu vãn được tình hình. Người chồng ra đi để lại cho vợ con một khoản nợ không nhỏ. Chị phải một nách nuôi 3 con nhỏ và cáng đáng khoản nợ trong khi không có công ăn việc làm ổn định. Bữa ăn hàng ngày của 4 mẹ con trông chờ vào chút tiền đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy của chị.

Ngọc là chị cả trong nhà, 2 em còn nhỏ. Tuy hoàn cảnh khó khăn và thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha, nhưng Ngọc luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, chăm chỉ đỡ đần mẹ việc nhà và chăm lo cho 2 em. 6 năm vừa qua, em đều đạt học sinh giỏi. Ngọc tâm sự: “Nhờ có được sự hỗ trợ từ các chú BĐBP mà cháu không phải nghỉ học giữa chừng. Đối với cháu, đây là niềm động viên to lớn để cháu tiếp tục được đến trường. Cháu xin hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng các chú”.

Ngoài ra, Đồn BPCK Chiềng Khương còn “đỡ đầu” em Quàng Thị Xuân, lớp 11, Trường Trung học phổ thông Chiềng Khương. Gia đình Xuân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi mẹ bệnh tật suốt, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào việc trồng trọt của bố Xuân lại phải nuôi 3 đứa con trong độ tuổi ăn học nên kinh tế rất khó khăn. Được Đồn BPCK Chiềng Khương đỡ đầu, Xuân đã yên tâm đến trường và đạt thành tích học sinh giỏi của tỉnh Sơn La ở bộ môn lịch sử.

Xuyên biên giới “Nâng bước em tới trường”

Đồn BPCK Chiềng Khương đứng chân trên địa bàn huyện Sông Mã, nơi con sông Mã đổi dòng chảy qua nước bạn Lào, có đường biên, mốc giới giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Cặp cửa khẩu Chiềng Khương (Việt Nam) - Bản Đán (Lào) là điểm sáng minh chứng cho mối quan hệ, giao lưu giữa nhân dân hai bên biên giới huyện Sông Mã. Qua cửa khẩu Bản Đán, được sự hỗ trợ của cán bộ Đồn BPCK Chiềng Khương, chúng tôi sang đất Lào tìm đến Trường Tiểu học Bản Đán, nơi có học sinh do Đồn BPCK Chiềng Khương đỡ đầu. 

Khi chúng tôi đến Trường Tiểu học Bản Đán đúng lúc đang giờ ra chơi của các em học sinh, các thầy cô đã đưa em Thạo Phe vào gặp chúng tôi. Thạo Phe có vẻ khá nhút nhát trước người lạ như chúng tôi và cũng không hiểu tiếng Việt nên em chỉ nép vào bà ngoại. Thạo Phe đang là học sinh lớp 4 của trường. Hoàn cảnh của em khá đặc biệt khi bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng ở nơi xa, em phải sống cùng bà ngoại. Bà ngoại Thạo Phe không có thu nhập ổn định, chỉ trông chờ vào việc làm ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. 

Biết được hoàn cảnh của Thạo Phe, Đồn BPCK Chiềng Khương đã đứng ra nhận đỡ đầu em từ tháng 9-2016. Thầy Xẳng Thoong, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thạo Phe học tốt, viết chữ đẹp, năm nào cũng được nhận phần thưởng của nhà trường. Nhà trường luôn quan tâm hỗ trợ mua đồ dùng học tập, miễn học phí cho em”. 

Từ sự hỗ trợ của nhà trường và Đồn BPCK Chiềng Khương, Thạo Phe tiếp tục được đi học khiến bà ngoại vui lắm. Qua lời phiên dịch của cô giáo Kẹo Bun Mi Xay, bà Nang Nọi cho biết, bà rất xúc động và cảm ơn tấm lòng của BĐBP Việt Nam, Đồn BPCK Chiềng Khương đã giúp đỡ Thạo Phe để cháu được cắp sách đến trường.

Thiếu tá Vì Văn Chương cho biết: “Với những việc làm cụ thể, thiết thực, Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã tạo được dấu ấn và sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân biên giới. Chương trình không chỉ dừng lại ở ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới có điều kiện học tập tốt hơn, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa các lực lượng bảo vệ biên giới và sự gắn kết bền chặt giữa quân dân hai tỉnh Sơn La, Hủa Phăn nói riêng và hai nước Việt Nam - Lào nói chung”.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO