Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:54 GMT+7

“Điểm tựa của bản làng” tôn vinh những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc

Biên phòng - Tối 21-12, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp tổ chức Chương trình “Điểm tựa của bản làng” nhằm tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên toàn quốc. Họ thực sự là những tấm gương tiêu biểu, là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của bản, làng, phum, sóc của các địa phương trên cả nước.

5c1de093455714abad0003ad
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Viết Hà

Tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Về phía Bộ Tư lệnh BĐBP có Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP và các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP tham dự.

Tham dự Lễ tôn vinh người có uy tín tiêu biểu có 163 đại biểu đến từ 25 tỉnh, thành phố, đại diện cho 45 dân tộc thiểu số. Trong đó, đại biểu cao tuổi nhất là ông Quỳnh Vân, dân tộc Tà Ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, 82 tuổi; đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Chìu Văn Phúc, dân tộc Dao ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, 28 tuổi. Đó là những bông hoa đẹp, đa sắc màu trong vườn hoa nghìn việc tốt của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong cả nước. Họ đại diện cho hàng nghìn người có uy tín trên dải đất biên cương của Tổ quốc, làm “cầu nối” gắn bó “máu thịt” giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, tạo nên “thế trận lòng dân vững chắc”, thật sự là “điểm tựa của bản làng”. 

5c1db6ba455714adb9003e35
Các đại biểu tham dự chương trình “Điểm tựa của bản làng”. Ảnh: Trần Đức

Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện nay, cả nước có 34.800 người có uy tín do nhân dân tin tưởng bầu chọn, đang ngày đêm lăn lộn với phong trào hành động cách mạng ở cơ sở. Trong đó, người có uy tín ở địa bàn biên giới có vai trò rất quan trọng. Họ là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, gắn bó mật thiết với nhân dân. Không quản ngại khó khăn, vất vả, người có uy tín đã đi từng ngõ, gọi cổng từng nhà, nắm tay từng người, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; tham gia giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn bản, buôn làng, phum sóc đoàn kết, bình yên, phát triển.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá cao sáng kiến của Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP trong việc tổ chức chương trình “Điểm tựa của bản làng”; đồng thời bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức to lớn của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam, đặc biệt là những đóng góp vào việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

1xl5_9-1
Các điển hình tiêu biểu người có uy tín giao lưu trên sân khấu. Ảnh: Trần Đức

Đồng chí Trần Quốc Vượng cho rằng: “Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi, thủy chung, đoàn kết keo sơn. Truyền thống đoàn kết được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt". Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là sợi dây kết nối bền chặt tình đoàn kết keo sơn đó”.

7-7-4
 Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương chụp ảnh lưu niệm với đại biểu người uy tín trong chương trình “Điểm tựa của bản làng”. Ảnh: Trần Đức

Đồng chí Trần Quốc Vượng mong muốn, việc tuyên dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được tổ chức thường xuyên, với hình thức phong phú, tạo ý nghĩa xã hội và sức lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam: "Tôi đề nghị Ủy ban Dân tộc, Tạp chí Cộng sản và Bộ Tư lệnh BĐBP định kỳ tổ chức 2 năm/lần chương trình “Điểm tựa của bản làng” để kịp thời tôn vinh, động viên những người có uy tín tiêu biểu đang ngày đêm không quản gian khổ cùng với đồng bào các dân tộc và lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc”.

Lễ tôn vinh người uy tín tiêu biểu cũng là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, qua đó để nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, gương người tốt và động viên, khích lệ người có uy tín tiếp tục có những cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc. 

rtxf_8-1
Tiết mục văn nghệ “Bản hùng ca chim lạc” do tập thể nghệ sĩ diễn viên Nhà hát ca múa nhạc Quân đội biểu diễn chào mừng. Ảnh: Trần Đức

Nhân dịp này, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Chương trình, UBND TP Hà Nội đã trao tặng biểu trưng và quà cho các đại biểu người có uy tín tiêu biểu tham dự chương trình “Điểm tựa của bản làng”.

Trần Đức

Bình luận

ZALO