Biên phòng - Là một quốc gia đa dân tộc, có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực và thế giới, Việt Nam hiện có 53 dân tộc thiểu số phân bố trên 56 tỉnh thành, dân số khoảng 14 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Với đặc thù của từng dân tộc, đã hình thành nhiều tập tục đặc trưng được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi cộng đồng cử ra những người có trách nhiệm, bản lĩnh và am hiểu tập tục truyền thống để điều hành hoạt động của cộng đồng. Họ là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Khẳng định vai trò của người có uy tín
Trong giai đoạn hiện nay, địa bàn miền núi chiếm tới 2/3 diện tích đất đai của Tổ quốc, với nhiều tiềm năng to lớn về nông lâm nghiệp, về công nghiệp, năng lượng, khoáng sản, về văn hóa, du lịch... cùng với hơn 4.600km đường biên giới đất liền với nhiều cửa khẩu quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, nước ta còn có gần 3.300km đường bờ biển và vùng lãnh hải rộng lớn với nhiều tài nguyên và tiềm năng kinh tế biển. Ðây là những địa bàn trọng điểm trong chiến lược phát triển và bảo vệ đất nước. Ðặc biệt, đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới, biển đảo cũng có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng và phát triển bền vững khu vực biên giới, biển đảo.
Nắm bắt đặc điểm đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giúp đỡ và phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, có uy tín, trong đó, phải kể đến Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, ngày 1-2-2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Qua 10 năm tích cực triển khai Chỉ thị 06/2008/CT-TTg, cả nước đã lựa chọn được hơn 33.600 người có uy tín trong 53 dân tộc thiểu số. Đó là những người gắn bó mật thiết với nhân dân, miệt mài nêu gương sáng, không quản ngại khó khăn để đến từng nhà, gặp từng người, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và hòa giải những mâu thuẫn, vướng mắc trong cộng đồng, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.
Cùng với đó, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được nhân rộng và phát huy hiệu quả từ sáng kiến của người có uy tín hoặc được họ đi đầu hưởng ứng và tổ chức cho cộng đồng thực hiện. Sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan chức năng, sự tín nhiệm của nhân dân và ý thức trách nhiệm của mỗi người có uy tín đã và đang khẳng định vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Giản dị những tấm gương
76 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, già làng Tráng Lao Lử, ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La luôn là tấm gương sáng trong cộng đồng các dân tộc Mông, Thái, Sinh Mun... trên biên cương Tây Bắc. Là con trai cụ Lao Khô - người đã cưu mang, giúp đỡ đồng chí Kaysone Phomvihane và các chiến sĩ Ban xung phong Lào - Bắc, trong những năm kháng chiến chống Pháp, già Lử đã tình nguyện hiến tặng 1ha đất để xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. Già còn là “sứ giả hữu nghị” kết nối tình đoàn kết - thân ái giữa các dân tộc hai bên biên giới nơi đây bằng việc thường xuyên qua lại thăm hỏi, vận động bà con nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và các văn bản liên quan về biên giới, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, sẻ chia khi khó khăn, hoạn nạn. Bản Lao Khô hôm nay không chỉ là một địa danh, một biểu tượng cao đẹp của tình quân dân Việt Nam - Lào trong kháng chiến, mà còn là một điểm sáng trong công tác đối ngoại nhân dân.
Tiếp bước những người có uy tín cao niên như già Tráng Lao Lử, trên vùng mây trắng Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh cũng có những thanh niên, bằng sức trẻ, sự nhiệt tình và trách nhiệm với quê hương, được bà con tôn vinh, trân trọng. Đó là anh Chìu Văn Phúc, sinh năm 1990, dân tộc Dao, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Phai Lầu. Thượng tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, BĐBP Quảng Ninh cho biết, với chức trách, nhiệm vụ của mình, người đảng viên trẻ này luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, nêu cao tinh thần đoàn kết giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tham gia thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như công tác quốc phòng-an ninh ở khu vực biên giới.
Trên vùng biên giới Tây Giang còn nhiều gian khó của tỉnh Quảng Nam, già làng Pơloong Jim, dân tộc Cơ Tu, ở xã A Xan cũng là một “điểm tựa” vững chắc của bà con. Suốt mười mấy năm qua, già Pơloong Jím đã cùng nhân dân thôn, bản mình từng bước vượt qua đói nghèo, lạc hậu để xây dựng nông thôn mới. Già tình nguyện hiến diện tích đất trồng hoa màu, đất canh tác để làm đường giao thông nông thôn, khu sinh hoạt cộng đồng; tham mưu cho chính quyền phát triển một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhằm giúp dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Không quản ngại núi cao, vực sâu và những ngăn trở của tuổi tác, già vẫn cùng thanh niên trong thôn tham gia cùng BĐBP tuần tra đường biên, mốc giới.
Ông Lý Hoàng Chia, cựu chiến binh người Khmer, ngụ ở ấp Cơi 5B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng luôn là người gương mẫu đi đầu trong các phong trào bảo vệ biên giới. Là gia đình văn hóa tiêu biểu, hộ nông dân sản xuất giỏi và là người có uy tín của tỉnh Cà Mau, dù đã trên 70 tuổi, song ông Lý Hoàng Chia vẫn hăng say lao động sản xuất. Phần lớn số tiền thu được từ thành quả lao động, ông dành để giúp đỡ, hỗ trợ cho những gia đình đồng bào dân tộc Khmer còn khó khăn trong xã vươn lên thoát nghèo. Ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời khẳng định: “Ông Lý Hoàng Chia là người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Thời gian qua, ông đã đóng góp rất lớn trong việc thực hiện các phong trào như xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới...”.
Có thể thấy rằng, trên mọi miền biên cương của Tổ quốc, những việc làm của người có uy tín đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, có tác dụng to lớn, động viên các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”. Từ sức mạnh của những “điểm tựa của bản làng, rường cột của biên cương” đang gắn bó, cống hiến ở 1.109 xã, phường, thị trấn biên giới, tin chắc rằng, họ sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của toàn Đảng, toàn dân ta.
Phạm Vân Anh