Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

“Điểm tựa” 9X

Biên phòng - Năm 2018, tại buổi gặp gỡ các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tại chương trình “Điểm tựa của bản làng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu là điểm tựa cho mọi điểm tựa khác”. Và trên vùng biên giới, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ hai “điểm tựa” còn rất trẻ, song, họ đã trở thành chỗ dựa tin cậy của đồng bào.

Bí thư Chìu Văn Phúc (thứ ba, bên phải sang) tích cực tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân tuần tra biên giới (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Phương Hạnh

Sức trẻ ở Phai Lầu

Bí thư Chìu Văn Phúc sinh năm 1990, tại bản Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Từng là sinh viên Đại học Quản trị kinh doanh, song, không như nhiều thanh niên khác luôn tìm cách rời bỏ quê nghèo, đến lập nghiệp tại các thành phố, sau khi tốt nghiệp đại học năm 2012, chàng trai người Dao này trở về quê hương làm kinh tế tự do và tham gia vào các hoạt động đoàn thể.

Thời điểm ấy, Phai Lầu còn nhiều khó khăn, 100% bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo trong thôn còn trên 30%. Bằng sức trẻ, sự nhiệt tình và trách nhiệm với quê hương, Phúc cùng các đoàn viên, thanh niên vùng biên giới xa xôi này đưa chi đoàn thôn Phai Lầu trở thành một trong những chi đoàn xuất sắc. Không lâu sau, khi mới 25 tuổi, anh được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Trưởng bản Phai Lầu, rồi được bầu giữ chức Bí thư chi bộ thôn Phai Lầu vào năm 2017.

Đồng chí Lý Văn Bình, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn cho biết, trước đây, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, đa phần người dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp, không dám xây dựng hay phát triển mô hình vì sợ rủi ro. Không những vậy, nhiều người vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Song, nhờ có sự xốc vác, nhiệt tình và trách nhiệm của Bí thư Chìu Văn Phúc, Phai Lầu đã thay đổi tích cực.

Là người sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, Chìu Văn Phúc nhận thấy địa phương có lợi thế về khí hậu, phù hợp với nhiều loại nông sản ôn đới nên anh đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã trồng rau sạch và áp dụng mô hình nuôi gia súc bán hoang dã đối với dê và lợn. Tuy không được học về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, song anh không ngại khó, đến các trang trại dưới xuôi để học hỏi kinh nghiệm, rồi tự tìm hiểu trên mạng, sách báo... và áp dụng vào sản xuất. Cứ vừa học, vừa làm như thế, anh không những thành công với nông trại của gia đình mình, mà còn thành công trong việc phổ biến kinh nghiệm cho bà con trong bản, tìm đầu ra giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, mang lại một sinh kế mới cho đồng bào Dao nơi đây. Đến nay, 50% số hộ trong bản đã tham gia mô hình trồng rau sạch, nuôi dê, lợn cung ứng cho hợp tác xã.

Chi bộ thôn Phai Lầu có 14 đảng viên, có người 25 tuổi, có người đã gần 70 tuổi, song Chìu Văn Phúc đã rất khéo léo, linh hoạt trong việc phát huy vai trò của đảng viên trong cộng đồng dân cư. Anh cùng các đảng viên trong chi bộ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với những người có uy tín trong bản để tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con, tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, 100% trẻ em đến tuổi đi học ở Phai Lầu đều được đến trường. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Chìu Văn Phúc cùng chi bộ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, tuyên truyền để bà con bài trừ những tập tục lạc hậu, tốn kém. Đồng thời, bám sát, kịp thời hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách có được thêm những phần quà ấm áp nghĩa tình.

Năm 2020, Chìu Văn Phúc có thêm một vinh dự mới, trở thành Bí thư Đoàn xã Đồng Văn, “thủ lĩnh thanh niên” ở xã giáp biên này và vẫn kiêm nhiệm vai trò Bí thư chi bộ thôn Phai Lầu. Cuối tháng 4-2021, trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6, người dân Phai Lầu hết sức tự hào khi thôn bản mình cùng thôn Tràng Nhì, trấn Động Trung, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc được tổ chức sơ kết kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Chìu Văn Phúc đã rất tích cực huy động đảng viên, thanh niên trong xã tham gia dọn vệ sinh thôn bản, trồng hoa để đón mừng sự kiện đáng nhớ ở vùng biên này.

Bí thư “dân vận khéo”

Tại Đại hội Thi đua yêu nước các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020, nhiều đại biểu hết sức đồng tình với bài phát biểu của đại biểu Vàng A Tùng (sinh năm 1992, dân tộc Mông), Bí thư chi bộ bản Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai: “Năm 2015, sau khi ra trường, tôi nhận thức được việc lập nghiệp không nhất thiết phải đi làm trong các cơ quan nhà nước, mà có thể lập nghiệp ngay trên chính mảnh đất của quê hương mình. Với sức trẻ và vốn kiến thức được trang bị tại trường đại học, bản thân nuôi hy vọng không ngừng phấn đấu vươn lên làm giàu và giúp đồng bào mình cùng vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng, bảo vệ quê hương thân yêu nơi địa đầu Tổ quốc".

Cách đây chưa lâu, khi nhắc đến Ngải Thầu Thượng là nhắc đến một vùng đất lạc hậu và nghèo khó, còn chưa có điện nước sinh hoạt. Chàng thanh niên Vàng A Tùng lớn lên trong gia đình nằm trong số 38 hộ nghèo nhất bản. Hành trình vượt khó để tìm đến tri thức của Tùng có thể coi là câu chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ ở Bát Xát. Học lực tốt, Tùng lựa chọn ngành quản lý tài nguyên thiên nhiên, Đại học Lâm nghiệp, với mong muốn được mang kiến thức để áp dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên miền rừng quê mình. 4 năm học tập ở Hà Nội, là chừng ấy thời gian chàng trai người Mông nỗ lực vừa học, vừa làm để thực hiện ước mơ của mình.

Dấu ấn đầu tiên của người kỹ sư trẻ sau khi tốt nghiệp đại học, quay về quê hương là việc đưa củ hoàng sin cô, hay còn gọi là khoai sâm đất trồng đại trà trên đỉnh Ma Cha Va. Loại củ có chất dinh dưỡng cao, phát triển tốt trong điều kiện khí hậu lạnh và được chăm sóc cẩn thận, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật mà gia đình Tùng cùng người dân Ngải Thầu Thượng trồng đã được nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm, nước giải khát tìm mua với giá cao. Năm 2020, bà con người Mông trong bản đã trồng được gần 20ha, cho thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm là 2,38%.

Mộc mạc, chân tình và không ngại khó khăn, Vàng A Tùng tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ mọi người trong vùng cùng tiến bộ. Người đảng viên trẻ ấy nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tín nhiệm của nhân dân và trở thành Bí thư chi bộ - Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng vào năm 2017, khi mới tròn 25 tuổi. Khó khăn dần ở lại phía sau khi Ngải Thầu Thượng đã có thêm rất nhiều “điểm tựa” là những đảng viên trẻ, đoàn viên ưu tú noi theo gương Bí thư Vàng A Tùng, xung kích đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con đưa các giống cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Trẻ tuổi mà thấu tình đạt lý, chỉ trong năm 2020, Bí thư Vàng A Tùng đã vận động được hơn 40 hộ dân trong bản hiến hơn 5,8km đất làm đường nông thôn mới. Gia đình Vàng A Tùng cũng đã làm gương hiến 220m2 đất làm đường. Ấy là bởi Vàng A Tùng đã nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của bà con để thuyết phục, giải thích cái lợi của việc làm đường, cho trẻ con đến trường và động viên bà con thay đổi, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Dấu chân Bí thư Vàng A Tùng đã đi khắp bản trên xóm dưới của ngọn núi Ma Cha Va cũng như Bí thư Chìu Văn Phúc đã thông thuộc từng nóc nhà trên dãy Cao Xiêm. Tình yêu gia đình, làng bản đã trở thành tình yêu đất nước và trách nhiệm với cộng đồng trong trái tim họ. Họ đã và sẽ luôn là những “điểm tựa” đáng kỳ vọng của biên cương hôm nay và mai sau.

Phương Hạnh

Bình luận

ZALO