Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 08:10 GMT+7

Điểm sáng trong mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới

Biên phòng - Với phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ Biên phòng”, những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường công tác ngoại giao nhân dân, trong đó triển khai có hiệu quả mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt - Trung. Đây được coi như một điểm sáng về thực hiện chủ trương xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

5ade8b9122f7c706ed002cd9
Lễ kết nghĩa giữa thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tổ Ngũ Đạo Hà, thôn Thủy Tào, xã Dao Sơn, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: Trung Nguyên

Mô hình bám sát thực tiễn

Là tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lào Cai có 26 xã, phường, thị trấn biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc. Xuất phát từ những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa nên nhiều người dân ở hai bên biên giới có mối quan hệ họ hàng, thân tộc.

Trước khi tổ chức kết nghĩa, tại các thôn bản giáp biên của hai nước, nhìn chung, người dân đều coi nhau như anh em trong nhà; thường xuyên qua lại, chia sẻ các công việc; thôn bản bên này có việc gì thì người dân bên kia cũng chia sẻ, giúp đỡ. Song, khi chưa kết nghĩa, việc đi lại, thăm thân hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi gặp không ít khó khăn. Nhận thấy rõ thực tế này, trong 5 năm qua, BĐBP Lào Cai đã trở thành lực lượng nòng cốt trong việc triển khai thực hiện mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” trên tuyến biên giới Việt - Trung.

Một ngày cuối tháng 3, trở lại thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, nơi ghi dấu điểm kết nghĩa đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung và cũng là một điểm sáng trong thực hiện kết nghĩa thôn-bản hai bên biên giới, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Từ khi thực hiện kết nghĩa vào tháng 8-2013, những khó khăn, khúc mắc trong việc đi lại thăm thân, giao lưu giữa nhân dân thôn Cốc Phương và tổ Tam Bình Bá (thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã được khắc phục triệt để.

Nhân dân hai bên biên giới coi nhau như người trong nhà, tình hữu hảo anh em, dòng họ được thắt chặt hơn. Đặc biệt, nhân dân hai bên thường xuyên động viên nhau tự giác chấp hành các quy chế biên giới, khi xảy ra vụ việc liên quan, cùng ngồi lại với nhau, để giải quyết thấu tình đạt lý, vừa đảm bảo đúng pháp luật, vừa giữ được tình đoàn kết, hữu nghị.

Nhân dân hai bên không chỉ cùng nhau đoàn kết bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, mà còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Anh Giàng Chúng, Trưởng thôn Cốc Phương chia sẻ: “Sau khi kết nghĩa, việc trao đổi hàng hóa giữa nhân dân hai bên diễn ra thuận lợi hơn trước. Bên bạn hỗ trợ nhiều trong trồng trọt, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp các loại giống cây trồng như dứa, chuối... Bà con mình làm ra sản phẩm được phía bạn nhận bao tiêu đầu ra nên yên tâm sản xuất”.

Hiệu quả thiết thực bền vững

Khu vực biên giới tỉnh Lao Cai có  17 dân tộc anh em cùng cư trú, địa hình rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Các đối tượng xấu thường triệt để lợi dụng đặc điểm trên để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại truyền thống hữu nghị, lôi kéo đồng bào di cư tự do, vượt biên trái phép, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại... Vì vậy, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã cho thấy ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ bình yên trên tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

6qai_8b
Nhân dân tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chuối cho nhân dân thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trung Nguyên

Theo báo cáo của BĐBP Lào Cai, tính đến nay, mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới đã được triển khai thành công tại 6 cặp thôn bản thuộc huyện Mường Khương, Bát Xát (Việt Nam) với huyện Hà Khẩu và Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc). Mới đây nhất, vào cuối tháng 11-2017 đã diễn ra lễ ký kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tổ Ngũ Đạo Hà, thôn Thủy Tào, xã Dao Sơn, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Qua đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai và phía bạn Trung Quốc, hoạt động kết nghĩa đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân hai bản, hai nước. Hoạt động thăm thân giữa người dân hai bên trở nên thuận lợi; mối quan hệ thân tộc và tình nghĩa hàng xóm của nhân dân hai bên biên giới cũng được củng cố bền vững hơn. Việc trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm của bà con hai bên biên giới cũng được thúc đẩy và hiệu quả.

Đại tá Trần Kim Phúc, Phó Chính ủy BĐBP Lào Cai cho biết: “Hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới được xác định là một nội dung trọng tâm trong công tác đối ngoại biên phòng, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nên nhận thức về chủ quyền, ý thức quốc gia, quốc giới cũng như việc chấp hành các quy định của hiệp định, quy chế biên giới của nhân dân các dân tộc sống hai bên biên giới đã được nâng lên rõ rệt.

Một trong những hiệu quả nổi bật nhất từ việc thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới trên tuyến biên giới của tỉnh Lào Cai, đó là nhân dân hai bên biên giới kết nghĩa đã tích cực tham gia cùng lực lượng bảo vệ biên giới mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, cùng giải quyết các vụ việc xảy ra thấu tình đạt lý nhưng vẫn đúng hiệp định, quy chế biên giới và quy định pháp luật của mỗi nước”.

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới” trên tuyến biên giới Việt - Trung thuộc tỉnh Lào Cai đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với nước láng giềng theo chủ trương, đường lối đối ngoại rộng mở của Ðảng, Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập; đồng thời, xây đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống hai bên biên giới ngày càng bền chặt.

Trung Nguyên

Bình luận

ZALO