Biên phòng - Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp. Nhờ vậy, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực.

Tây Giang là huyện biên giới, miền núi của tỉnh Quảng Nam, có hơn một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Được sự quan tâm của các cấp, ngành trong đầu tư cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội..., đời sống của người dân các xã miền núi, biên giới đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật của người dân trên địa bàn còn nhiều hạn chế, nên những hủ tục trong tổ chức lễ, ma chay, cưới hỏi; tình trạng tảo hôn, tranh chấp đất rừng... vẫn thường xuyên xảy ra.
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, với sự nỗ lực không mệt mỏi của cấp ủy, chính quyền các địa phương cộng với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng, công tác TTPBGDPL cho người dân trên địa bàn đã tạo được những chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, các đồn Biên phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã tuyên truyền, vận động người dân xây dựng các mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT), với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện của từng thôn, bản... Qua đó, phát huy vai trò của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm và giữ gìn trật tự xã hội.
Đến nay, trên địa bàn huyện Tây Giang đã có 70 tổ tự quản ANTT, 70 "nhóm nòng cốt" và 62 tổ hòa giải. Ngoài ra, BĐBP và chính quyền địa phương còn thành lập các mô hình hoạt động có hiệu quả như "Bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, giữ gìn ANTT khu vực biên giới", "Thôn không có tội phạm về tệ nạn xã hội", "Bố trí, sắp xếp dân cư trong cộng đồng thôn". Để việc TTPBGDPL cho người dân đạt hiệu quả cao, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng đã chủ động tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác TTPBGDPL huyện Tây Giang cũng như các xã biên giới và lực lượng có liên quan, triển khai các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn.
Hình thức tuyên truyền cũng được các đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn đổi mới. Bên cạnh tổ chức hội nghị, hội thảo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng xuống tận từng bản làng biên giới xa xôi để TTPBGDPL cho người dân theo hướng tăng cường đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ phía người dân. Đồng thời, các đơn vị vận động tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật; tổ chức lưu diễn văn nghệ tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các hoạt động TTPBGDPL được gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng “Gia đình văn hóa, thôn, khu dân cư tiên tiến”...
Đánh giá về những kết quả trong công tác TTPBGDPL, ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) cho biết: Nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nắm vững các quy định của pháp luật về công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Thông qua đội ngũ báo cáo viên của huyện, của xã, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được phổ biến ngắn gọn, dễ hiểu, giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật...
Đến nay, các thiết chế như “Tủ sách pháp luật” được thành lập ở 100% xã, thị trấn; các câu lạc bộ pháp luật, tổ hòa giải ở cơ sở, hệ thống loa truyền thanh cơ sở... được quan tâm đầu tư, khai thác. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào BVANTQ huyện Tây Giang còn phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền các xã biên giới và các đồn Biên phòng đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân BVANTQ, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.
Trần Hoàng