Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 06:21 GMT+7

Điểm sáng trên biên giới Tây Nam

Biên phòng - Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang đã triển khai thực hiện nhiều phong trào, mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại khu vực biên giới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới, xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh. Từ những kết quả đạt được, năm 2019, BĐBP An Giang đã vinh dự được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua Quyết thắng.

h6jl_7a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, BĐBP An Giang giúp dân làm nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” tại xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu. Ảnh: Chiến Khu

Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP An Giang cho biết: BĐBP An Giang được giao quản lý, bảo vệ đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp nước bạn Campuchia, với hơn 156.000 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc anh em là Kinh, Chăm, Khmer, Hoa cùng nhau chung sống. Đây là khu vực đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, trình độ dân trí còn thấp. Chính vì vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang luôn xác định việc giúp địa phương phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm thay đổi diện mạo nông thôn và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc ở khu vực biên giới”.

“Để giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, các cơ quan, đơn vị của BĐBP An Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức các chương trình hoạt động hướng về biên giới. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng thực hiện các phong trào, mô hình giúp đỡ nhân dân phù hợp với khả năng, nguồn lực của từng đơn vị” - Đại tá Phạm Văn Phong cho biết thêm.

Thực hiện phong trào thi đua “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”, các đồn Biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng của mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, trực tiếp giúp người dân bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực như: Chia sẻ, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cho bà con; tặng lúa giống, bò giống cho hộ nghèo; khám chữa bệnh cho nhân dân...

Qua thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như: “Ngôi nhà 100 đồng”, “Heo đất tình thương”, “Hũ gạo tình thương”, “Thùng rác 100 đồng”, “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, “Nhà Đại đoàn kết”, “Nhà Tình thương”... Trong đó, tiêu biểu là mô hình “Hũ gạo tình thương” tại Đồn Biên phòng Lạc Quới.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Nhứt, trú tại ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Đồn Biên phòng Lạc Quới giúp đỡ, hỗ trợ gạo từ mô hình “Hũ gạo tình thương”. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nhứt xúc động cho biết: “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, chỉ còn hai bà cháu nương tựa vào nhau. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên mỗi tháng, Đồn Biên phòng Lạc Quới lại hỗ trợ 10kg gạo và thường xuyên tặng thực phẩm cho gia đình. Không những vậy, cháu ngoại tôi là Nguyễn Văn Duy Chương (sinh năm 2013) còn được đơn vị nhận làm “Con nuôi đồn Biên phòng”, đồng thời, mở sổ tiết kiệm cho cháu đến năm 18 tuổi (mỗi tháng tiết kiệm 1,1 triệu đồng). Được BĐBP chăm lo, giúp đỡ, nên cuộc sống của bà cháu tôi đã bớt khó khăn hơn trước”.

wypg_7b
Quân y BĐBP An Giang cấp thuốc miễn phí cho nhân dân thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Ảnh: Chiến Khu

Là một trong những đơn vị điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã vận động nhân dân trên địa bàn xã Vĩnh Xương và Phú Lộc, thị xã Tân Châu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tham mưu cho địa phương mở lớp đào tạo nghề cho nhân dân. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo 2 xã Vĩnh Xương, Phú Lộc xây mới 50 nhà Tình thương, 15 nhà Đại đoàn kết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn; sửa chữa 25 căn nhà giúp các hộ dân khó khăn; sửa chữa và xây mới 3 cây cầu; sửa chữa và làm mới 4km đường giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại thông suốt từ ấp đến xã cho bà con.

Bên cạnh phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng thì việc xây dựng và phát triển các khóm, ấp biên giới gắn với các đồn Biên phòng trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” cũng được BĐBP An Giang đặc biệt chú trọng. Thời gian qua, các đơn vị đã thường xuyên cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn, "3 bám, 4 cùng" với đồng bào. Qua đó, kịp thời lắng nghe những ý kiến của bà con; xây dựng các quy ước phù hợp với đặc điểm, điều kiện và phong tục, tập quán của địa phương; bình xét gia đình văn hóa... Đồng thời, tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong đám cưới, đám ma và lễ hội, bài trừ tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các đơn vị cũng tích cực xây dựng nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, hệ thống truyền thanh, tủ sách..., nhằm phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan, đơn vị của BĐBP An Giang đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, doanh nghiệp xây dựng được 442 căn nhà Tình nghĩa, nhà Đồng đội, nhà “Mái ấm biên cương”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, trị giá 18,9 tỷ đồng; xây dựng, nâng cấp đường bê tông nông thôn được 10,7km; làm mới và sửa chữa 10 cây cầu dân sinh. Hàng năm, các đơn vị cũng vận động hỗ trợ quà tặng, hiện vật cho người nghèo biên giới, với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng.

Nổi bật trong việc xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” là mô hình “Phòng đọc biên giới”,  tiêu biểu như “Phòng đọc biên giới” do Đồn Biên phòng Nhơn Hưng phối hợp với UBND xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên thực hiện. Được biết, từ khi thành lập (tháng 10-2017) đến nay, phòng đọc đã được đầu tư trang bị hơn 2.000 đầu sách, báo, văn bản pháp luật, đặc biệt là các văn bản pháp luật liên quan đến biên giới quốc gia. “Phòng đọc biên giới” đã trở thành địa chỉ thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân và học sinh trên địa bàn đến đọc sách, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Qua đó, góp phần kéo giảm đáng kể các vụ việc vi phạm pháp luật, quy chế khu vực biên giới trên địa bàn xã Nhơn Hưng.

Bằng những việc làm cụ thể, sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang đã đóng góp thiết thực vào việc phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới tỉnh An Giang. Đến nay, trên địa bàn biên giới tỉnh có hơn 42.000 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa và 67 khóm, ấp văn hóa, 5 xã đạt chuẩn văn hóa; 32 khóm, ấp đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 14/14 cơ quan, đơn vị của BĐBP An Giang đạt chuẩn văn hóa và có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn), Vĩnh Tế (thành phố Châu Đốc), Khánh An (huyện An Phú), Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên).

Trọng Thành

Bình luận

ZALO