Biên phòng - Nhìn lại bức tranh thế giới năm 2019, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng thắt chặt sự đoàn kết, khẳng định mạnh mẽ hơn vị thế là một trong những khu vực ổn định và thịnh vượng nhất trên thế giới.

Gam màu khủng hoảng chính trị tại nhiều nơi
Bầu không khí chung của thế giới trong năm qua là sự bất ổn chính trị nội bộ, thậm chí giai đoạn cuối năm còn được ví như “mùa biểu tình”. Nổi cộm nhất ở châu Âu là việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Vào những ngày cuối cùng của năm, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Đảng Bảo thủ của ông bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sớm khi chiếm được đại đa số ghế trong Quốc hội Anh. Sau hơn 3 năm mắc kẹt trong “mớ bòng bong”, Brexit đã xác định được thời hạn được cho là cuối cùng vào ngày 31-1-2020, mở ra hy vọng chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị lịch sử tại xứ sở sương mù.
Cũng tại châu Âu, Italia lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị, mà đỉnh điểm là việc Thủ tướng Giuseppe Conte buộc phải từ chức vào ngày 20-8 sau khi ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, lãnh đạo của Đảng cực hữu Liên đoàn đề xuất tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng và bầu cử sớm. Diễn biến này được ví như “dấu chấm hết” cho hình thái liên minh cầm quyền, đồng thời phản ánh sự mâu thuẫn nghiêm trọng trong nội bộ chính trường ngày càng bế tắc ở Italia. Trong 70 năm sau Thế chiến thứ 2, Italia đã có tới trên 65 lần bầu chính phủ mới.
Đi kèm với sự bất ổn nội bộ của nhiều quốc gia thành viên EU, sự đoàn kết của khối cũng đang “xuống dốc” bởi sự bất đồng giữa các nước. Cùng với đó là sự phân hóa trong nội bộ Nghị viện châu Âu (EP); sự chênh lệch tốc độ phát triển giữa các nước thành viên; chủ trương xây dựng quân đội châu Âu trước cái “chết não” của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); căng thẳng trong quan hệ với Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ... càng làm cho châu Âu tiến tới vòng xoáy bất ổn.
“Gam màu” bất ổn nội bộ đáng chú ý khác trong bức tranh thế giới 2019 là khu vực Mỹ - Latinh. Tình hình chính trị tại các quốc gia như Bolivia, Chile, Ecuador, Peru, Paraguay... liên tục được các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế đưa tin với cùng một nội dung là phản ánh phong trào biểu tình lan rộng phản đối giới cầm quyền, song song với sự khủng hoảng nội bộ chính trường.
ASEAN duy trì ổn định chính trị
Tâm điểm chú ý của Đông Nam Á trong năm 2019 là những cuộc bầu cử tại Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Tại Thái Lan, cuộc tổng tuyển cử được gọi là “phức tạp nhất Đông Nam Á” diễn ra vào tháng 3 đã đánh dấu bước ngoặt lớn đối với nền chính trị của xứ Chùa vàng, kể từ cuộc đảo chính vào năm 2014. Đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm qua, sau nhiều lần trì hoãn, cử tri Thái Lan được bỏ lá phiếu của mình để bầu ra nhà lãnh đạo đất nước. Việc tái đắc cử Thủ tướng Thái Lan của ông Prayut Chan-o-cha được giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận sẽ tạo ra sự ổn định để tiếp tục duy trì quỹ đạo phát triển, nhất là khi nền kinh tế đang đối diện với nguy cơ suy yếu.
Sự ổn định chính trị cũng được duy trì tại Indonesia khi Tổng thống Joko Widodo tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 sau 5 năm đầu tiên dẫn dắt đất nước mà được đánh giá là khá thành công. “Cuộc siêu bầu cử” vào tháng 4 được truyền thông quốc tế bình chọn là cuộc bầu cử trực tiếp lớn nhất thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, 190 triệu cử tri đi bầu cử trong cùng một ngày. Indonesia kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do vậy sự ổn định về mặt chính trị nói chung và chính sách ngoại giao nói riêng có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với nhiều quốc gia. Không có sự chuyển hướng chính trị đồng nghĩa với sự ổn định tiếp tục được duy trì.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte tiếp tục chứng minh rằng, ông vẫn được đa số người dân ủng hộ cao, thông qua cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 5. Trước bầu cử giữa nhiệm kỳ này, những chính sách và kế hoạch cải tổ của ông Rodrigo Duterte luôn gây ra tranh cãi và bị ngăn cản bởi Thượng viện. Sau cuộc bầu cử, ngoài Hạ viện vốn được những người ủng hộ Tổng thống Rodrigo Duterte kiểm soát thì phe đối lập của ông trong Thượng viện đã thất bại toàn diện, khi chỉ còn giữ được 4 trong tổng số 24 ghế. Chiến thắng này được xem như sự mở đường cho những chính sách và kế hoạch cải cách chiến lược sâu rộng trong thời kỳ lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte.
ASEAN vươn mình nhờ tinh thần đoàn kết
Trong bối cảnh bùng nổ bất ổn chính trị khắp nơi trên thế giới, điều đáng mừng là những mối đe dọa tương tự đều được bình ổn tại Đông Nam Á. Cả 3 cuộc bầu cử nêu trên đều là minh chứng cho thấy, người dân tại 3 nước vẫn ủng hộ những nhà lãnh đạo của mình, góp phần tạo nên sự thống nhất trong nội bộ. Sự ổn định chính trị tại Thái Lan, Indonesia và Philippines là một nền tảng quan trọng duy trì sự bình ổn chung của ASEAN.

Trong năm 2019, ASEAN tiếp tục đạt được nhiều bước phát triển mới mà nguồn động lực chính là sự tăng cường đoàn kết nội khối, đặc biệt là vai trò trung tâm ASEAN tiếp tục được củng cố mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, tương lai phát triển thịnh vượng của cộng đồng ASEAN cũng ngày càng trở nên tươi sáng khi những tiến trình đàm phán an ninh, kinh tế, hợp tác thương mại... giữa 10 thành viên ASEAN và với các nước đối tác được đẩy mạnh.
Hơn lúc nào hết, thế giới đang chứng kiến sự vươn mình mạnh mẽ của ASEAN. Đặc biệt, khi bối cảnh chung là chủ nghĩa đa phương suy yếu ở nhiều nơi, thì tổ chức đa phương ASEAN đang chứng minh điều ngược lại, khi liên tục phát triển và mở rộng tầm ảnh hưởng.
Thanh Trúc