Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 07:30 GMT+7

Điểm sáng an toàn giao thông trong hoạt động du lịch biển đảo

Biên phòng - Với lợi thế của một địa phương có tiềm năng dồi dào về du lịch biển, đảo, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã không ngừng gia tăng khai thác loại hình du lịch này, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, giải trí, vui chơi tại các đảo. Do vậy, đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy khi đưa khách ra, vào đảo đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, được các ngành chức năng tăng cường giám sát, thực hiện.

ldqn_16a
Cán bộ Trạm KSBP Cầu Bóng trực tiếp xuống tàu, giám sát công tác đảm bảo an toàn cho du khách trước khi rời bến. Ảnh: Phương Oanh

Sôi động bến tàu du lịch biển

Chúng tôi có mặt tại bến cảng Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) một buổi sáng giữa tuần của mùa du lịch hè. Trên bến, dưới thuyền, hàng ngàn du khách rộn ràng, háo hức đợi giờ xuất phát đi các tour du lịch đảo trong vịnh Nha Trang. Tại tàu du lịch KH 0250 của Công ty TNHH Xuân Anh, các thuyền viên của tàu cùng hướng dẫn viên du lịch đang tận tình hỗ trợ, đưa những vị khách cuối cùng trong đoàn du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh bước xuống khoang thuyền.

Những du khách đã ổn định chỗ ngồi liền tự giác lấy chiếc áo pháo ngay sau ghế ngồi khoác lên người, cẩn thận cài chặt khuy, chờ giờ tàu khởi hành trong khi anh hướng dẫn viên du lịch tranh thủ căn dặn mọi người cách thức giữ an toàn. Vài phút sau khi hướng dẫn viên du lịch cùng lái tàu hội ý nhanh các thông tin chuyến đi, đồng thời kiểm tra lại lượng khách, tàu nhổ neo, rời cảng hướng thẳng ra phía đảo.  

Cùng thời điểm ấy, dọc bờ cầu cảng, hàng chục chiếc tàu của các công ty du lịch khác cũng đang cập bến, neo đậu san sát nhau. Trình tự việc đón khách lên tàu, công tác bảo đảm an toàn đều diễn ra không khác tàu du lịch KH 0250. Lần lượt, trật tự, khi một chiếc tàu đầy khách vừa nổ máy xuất phát, chiếc đứng bên ngoài sẽ di chuyển, nhanh chóng cập bờ, tiếp tục đón khách.

Giữa khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp của hàng ngàn du khách, chúng tôi không khó để nhận diện sự có mặt của các chiến sĩ Công an đường thủy, anh em Trạm KSBP Cầu Đá và cán bộ Ban quản lý vịnh Nha Trang đang làm nhiệm vụ điều hành, giám sát tại bến.

Theo Trung tá Phạm Xuân Trường, Phó Trạm trưởng Trạm KSBP Cầu Đá, nhiều năm gần đây, khách du lịch tăng nhanh, đặc biệt là khách nước ngoài, đến từ Nga, Trung Quốc. Trong những tháng hè, lượng khách về bến tàu du lịch Cầu Đá mỗi ngày thường từ 3.000 đến 4.000 người. Đặc biệt, cao điểm như ngày nghỉ cuối tuần hoặc thời điểm lễ, Tết có khi hơn 6.000 người mỗi ngày.

Từ bến Cầu Đá, các chuyến tàu đưa khách đi tham quan qua các đảo liên tục vào ra, nhiều phương tiện phải hoạt động hết công suất. Trung tá Trường còn cho biết, hiện bến Cầu Đá mỗi ngày có từ 200 đến 300 lượt phương tiện ra, vào. Hoạt động đón khách du lịch tham quan đảo gần như chỉ tập trung khoảng 2 giờ đồng hồ, từ 8 đến 10 giờ mỗi buổi sáng. Rất nhiều thời điểm, tàu thuyền ra, vào liên tục khiến bến quá tải. Tuy nhiên, mọi hoạt động trên bến, dưới tàu diễn ra khá nhịp nhàng, trật tự, theo quy định thống nhất nên không xảy ra ùn tắc quá lâu.

4ti5_16b
Tàu thuyền ra vào tấp nập trên bến tàu du lịch Cầu Đá trong mùa hè. Ảnh: Phương Oanh

Để không xảy ra mất an toàn

Theo ông Nguyễn Ngọc Khoa, Trưởng phòng Quản lý bến tàu dịch vụ du lịch thuộc Ban quản lý vịnh Nha Trang thì Khánh Hòa hiện có 18 bến tàu du lịch có giấy phép hoạt động đường thủy nội địa. Trong đó, có 3 bến tàu thu hút du khách, đông nhất là bến Cầu Đá, Phú Quý (phường Vĩnh Nguyên) và Long Phú (xã Vĩnh Lương). Đây là những điểm xuất phát để du khách đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng - giải trí như Vinpearl, Hòn Tằm, Thủy cung Trí Nguyên, Hòn Mun, Hòn Yến, Hòn Một, Bãi Trũ, Bích Đầm, Hòn Lao, Hòn Thị, Suối Hoa Lan.

Song song với việc tổ chức tốt hoạt động tham quan, giải trí, vui chơi cho du khách, hầu hết các công ty du lịch cũng như chủ tàu, thuyền viên, nhân viên tại các bến này đều tuân thủ nghiêm công tác đảm bảo an toàn đường thủy. Trên mỗi phương tiện trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn như bình chữa cháy, phao cứu sinh. Du khách thường mặc áo phao trước khi phương tiện xuất bến và không có tình trạng tàu thuyền chở khách quá tải.

“Đáng ghi nhận, hơn 10 năm qua, chưa xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào về an toàn giao thông đường thủy đối với du khách đi tour du lịch biển đảo. Tình hình an ninh trật tự, an toàn tại bến luôn đảm bảo, hiếm khi xảy ra ồn ào, cự cãi cũng như va chạm giữa phương tiện này với phương tiện khác” - Ông Khoa nói.

Theo Trung tá Phạm Xuân Trường: Xây dựng được ý thức tuân thủ quy định an toàn và duy trì thành nề nếp như hiện nay, là nhờ các cơ quan, ngành chức năng tại bến thực hiện nghiêm công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Mặt khác, bằng nhiều hình thức khác nhau, các đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải thủy, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện và người dân về Luật Giao thông đường thủy, hướng dẫn các chủ phương tiện thực hiện biện pháp giảm ùn tắc giao thông thủy.

Phó Trạm trưởng Trạm KSBP Cầu Đá còn cho biết, bến tàu du lịch Cầu Đá hiện nay đã thành lập Đội công tác liên ngành gồm: Cảnh sát giao thông thủy, Cảng vụ, Ban quản lý vịnh Nha Trang, BĐBP, ngành quản lý văn hóa, thanh tra giao thông. Mỗi tháng đội tiến hành kiểm tra đột xuất 2 lần; cũng có khi kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động du lịch biển, đảo một cách liên tục, ráo riết như thời gian lễ, tết; trong đó, vấn đề cốt lõi là an toàn giao thông.

Trung tá Trường cũng chia sẻ, xác định vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn của du khách là chất lượng của phương tiện và bằng cấp của thuyền trưởng, thuyền viên. Trong quá trình quản lý, các lực lượng chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra hai yếu tố trên. Hạn đăng kiểm đối với ca nô là 1 năm, tàu gỗ 6 tháng. Đến kỳ hạn kiểm định, các chủ phương tiện phải chấp hành đưa tàu, ca nô lên đà để cơ quan Đăng kiểm tiến hành kiểm định, cấp lại giấy chứng nhận. Dứt khoát không để tình trạng phương tiện hết hạn đăng kiểm vẫn hoạt động ngoài biển.

Cùng với đó, người lái tàu bắt buộc phải có bằng thuyền trưởng tương ứng theo công suất phương tiện. Phương tiện công suất trên 200 mã lực thì thuyền trưởng phải có bằng điều khiển cao tốc. “Nếu phương tiện đầy đủ giấy phép hợp lệ, đảm bảo an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, tuân thủ về quy định số người chở và đủ nhân sự điều khiển tàu thuyền mới được xuất bến, không thì dứt khoát nằm lại bờ” - Trung tá Trường khẳng định.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO