Biên phòng - Trong rất nhiều nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thì xây dựng thiết chế văn hóa được xác định một nội dung trọng tâm nhất. Tuy nhiên, trong sự vận động, phát triển của đời sống văn hóa đã và đang xuất hiện nhiều “điểm nghẽn” để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa.

Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định, sau hơn 20 năm triển khai rộng khắp trong cả nước, nhiều khoảng trống về thiết chế văn hóa đã và đang được lấp đầy. Tính đến hết tháng 8/2022, cả nước có 66 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 96% quận, huyện có trung tâm văn hóa-thể thao hoặc nhà văn hóa; 76,8% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa-thể thao và 77% làng, thôn, bản, ấp có nhà văn hóa.
Các thiết chế văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhằm từng bước xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, hướng con người đến những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo động lực thúc đẩy các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thế nhưng, các cơ quan quản lý văn hóa phản ánh thực trạng hàng loạt thiết chế văn hóa trong tình trạng cơ sở vật chất kỹ thuật bị xuống cấp, lỗi thời, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của nhân dân, dẫn đến sự lãng phí. Thậm chí, một số địa phương chưa thực hiện quy hoạch đất cho hệ thống thiết chế văn hóa hoặc đã có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư xây dựng và bị chuyển đổi mục đích sử dụng.Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” thiết chế văn hóa cơ sở khi đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, quy mô, kiểu dáng, địa điểm xây dựng chưa phù hợp...
Không khó nhận ra sự thiếu đồng bộ giữa hạ tầng và trang thiết bị, cùng nguồn kinh phí hạn hẹp đang khiến cho hoạt động của các thiết chế văn hóa chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng.
Đơn cử, cả nước hiện có 10.599 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, với hàng trăm nghìn khu dân cư trực thuộc. Nếu mỗi khu dân cư đều có ít nhất một địa điểm nhà văn hóa, chi phí bình quân 150-200 triệu đồng/nhà văn hóa (chưa kể đất) thì số tiền đầu tư ban đầu đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Chưa kể, cơ chế, chính sách cho vận hành thiết chế văn hóa là “điểm nghẽn” lâu nay khi hầu hết các địa phương đều khó khăn trong việc cấp kinh phí vận hành. Bên cạnh hàng loạt nhà văn hóa thôn, bản rơi vào cảnh “xây xong để đấy”, thì không ít trung tâm văn hóa - thể thao sau khi đưa vào vận hành bị “đắp chiếu”, mỗi năm chỉ mở cửa vài lần, chủ yếu phục vụ cho các cuộc hội họp, kỷ niệm.
Các nhà quản lý văn hóa cho rằng, để khắc phục thách thức này, không còn cách nào khác là phải bắt đầu từ cơ chế chính sách vĩ mô, khuyến khích việc tài trợ cho văn hóa, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng và vận hành thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là ở vùng dân tộc-miền núi. Thực tế, nhiều địa phương đã vận dụng sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia vận hành các thiết chế văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, tại các khu vực kinh tế chưa phát triển, giải pháp này gặp rất nhiều khó khăn.
Thiết nghĩ, việc điều chỉnh về chính sách và đổi mới phương thức tổ chức, quản lý nhà nước theo hướng phân cấp quản lý cụ thể hơn cho cơ sở, để cơ sở chủ động vận hành, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, các hoạt động văn hóa ở cơ sở là hết sức cấp bách của ngành Văn hóa.
Các thiết chế văn hóa cần được xác định đúng vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của mỗi khu dân cư, địa phương, để tạo nên những điểm nhấn, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của các cộng đồng. Do đó, ngành Văn hóa cần có các giải pháp đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn; xây dựng các chương trình, hoạt động phù hợp với đặc điểm dân tộc, vùng, miền, các nhóm đối tượng và lứa tuổi…
Hoàng Lâm