Biên phòng - Trong hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác với những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Tính đến nay, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng - Ðại hội đại biểu toàn quốc đã qua 12 kỳ được tổ chức. Mỗi kỳ đại hội là một dấu mốc lịch sử quan trọng với những thắng lợi to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Biên phòng điểm lại 12 kỳ đại hội của Đảng.
I. Diễn ra từ ngày 27 đến 31-3-1935, tại Ma Cao (Trung Quốc) với sự tham dự của 13 đại biểu thay mặt cho gần 6.000 đảng viên. Đại hội có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu sự khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng; thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) gồm 13 đồng chí, do đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
II. Diễn ra từ ngày 11 đến 19-2-1951, tại tỉnh Tuyên Quang với sự tham dự của 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết. Đại hội đánh dấu sự trưởng thành của Đảng ta về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Đại hội bầu BCHTW gồm 19 Ủy viên chính thức, 10 Ủy viên dự khuyết. BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 7 Ủy viên chính thức và 1 Ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư.
III. Diễn ra từ ngày 5 đến 10-9-1960, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 525 đại biểu chính thức, 51 đại biểu dự khuyết. Đại hội tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng, nêu lên những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội bầu BCHTW gồm 47 Ủy viên chính thức, 31 Ủy viên dự khuyết. BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 11 Ủy viên chính thức, 2 Ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Đảng; đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất.
IV. Diễn ra từ ngày 14 đến 20-12-1976, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.008 đảng viên. Đại hội đánh dấu sự toàn thắng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; tổng kết những bài học lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xác định nhiệm vụ, phương châm và biện pháp tiến hành cách mạng XHCN. Đại hội bầu BCHTW gồm 101 Ủy viên chính thức, 32 Ủy viên dự khuyết. BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 14 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư.
V. Diễn ra từ ngày 27 đến 31-3-1982, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.033 đại biểu. Đại hội đánh giá toàn diện những thắng lợi to lớn đã giành được trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc kể từ sau năm 1975; đồng thời đề ra nhiệm vụ, phương hướng nhằm giải quyết những vấn đề nóng bỏng của cách mạng Việt Nam. Đại hội bầu BCHTW gồm 116 Ủy viên chính thức, 36 Ủy viên dự khuyết. BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 13 Ủy viên chính thức, 2 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư.
VI. Diễn ra từ ngày 15 đến 18-12-1986, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.129 đại biểu. Đại hội khẳng định quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học, đồng thời khởi xướng sự nghiệp đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đại hội bầu BCHTW gồm 124 Ủy viên chính thức, 49 Ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 13 Ủy viên chính thức, 1 Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư.
VII. Diễn ra từ ngày 24 đến 27-6-1991, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.176 đại biểu. Đại hội lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; đồng thời tiếp tục khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc. Đại hội bầu BCHTW gồm 146 Ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư.
VIII. Diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.198 đại biểu. Đại hội đánh giá tổng quát 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện và rút ra 6 bài học chủ yếu. Đồng thời khẳng định, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đại hội bầu BCHTW gồm 170 Ủy viên. BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 19 Ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư.
IX. Diễn ra từ ngày 19 đến 22-4-2001, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.168 đại biểu. Đại hội khẳng định, phải coi trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đó là nhiệm vụ then chốt, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của Đảng ta; là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội bầu BCHTW gồm 150 Ủy viên. Hội nghị lần thứ nhất BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư.
X. Diễn ra từ ngày 18 đến 25-4-2006, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.176 đại biểu. Một trong những quan điểm mới của Đảng tại Đại hội lần này là cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân, thể hiện bước đột phá trong thay đổi tư duy của Đảng sau 20 năm đổi mới. Đại hội bầu BCHTW gồm 160 Ủy viên chính thức, 21 Ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí và Ban Bí thư gồm 8 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư.
XI. Diễn ra từ ngày 12 đến 19-1-2011, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.377 đại biểu. Đại hội đã thông qua nhiều văn kiện rất quan trọng của Đảng, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Đại hội bầu BCHTW gồm 175 Ủy viên chính thức và 25 Ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí, Ban Bí thư gồm 4 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư.
XII. Diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.510 đại biểu. Đại hội đánh giá kết quả 30 năm đổi mới, trong đó khẳng định, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội bầu BCHTW gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức, 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất BCHTW bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí, Ban Bí thư gồm 3 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư.
Lê Hữu Tình (thực hiện)