Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:22 GMT+7

Điểm hẹn trẩy hội của du khách bốn phương

Biên phòng - Cuối tháng 4 vừa qua, Khu du lịch quốc gia Núi Sam, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang đã mở cửa trở lại sau thời kỳ dài giãn cách do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Lễ hội quy mô lớn nhất, nâng đỡ đời sống tâm linh của người dân đồng bằng sông Cửu Long – Lễ Vía Bà Chúa xứ Núi Sam diễn ra vào ngày 14 và 15-5 năm nay vẫn phải giảm thiểu phần hội, chỉ giữ phần thực hiện các nghi lễ.

Màn biểu diễn văn hóa, trang phục của người Chăm An Giang tại lễ hội Vía Bà Chúa xứ. Ảnh: Thụy Văn

Trên cả miền đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu cuối nguồn sông Mê Kông, mảnh đất Châu Đốc, An Giang là cái rốn phù sa văn hóa tụ về theo dòng chảy khai phá đồng bằng. Thành phố cổ kính Châu Đốc nằm bên bờ sông Hậu, kế bên ranh giới con sông này bắt đầu chảy vào đất Việt, nơi giao thoa và giữ lại vốn văn hóa và lịch sử kiến tạo vùng đất phù sa sông giàu sản vật, giàu tình người của Nam bộ. Đây cũng là nơi duy nhất được phép giữ lại xe lôi đạp – bóng dáng của đời sống đặc sắc miền Tây Nam bộ để du khách có thể hoài niệm và tìm lại hơi thở miền đồng bằng mỗi khi về lại nơi này.

Và dường như đã thành thông lệ, tháng 5 hằng năm, lễ hội Vía Bà Chúa xứ là điểm hẹn trẩy hội của du khách bốn phương. Không chỉ vì đây là lễ hội tâm linh lớn nhất của Nam bộ, mà còn là thời điểm miền Nam kết thúc mùa khô hạn, chuẩn bị đón mùa lũ lành ào về trên sông Mê Kông mang theo một lượng lớn thủy hải sản từ Biển Hồ tràn về. Lúc này, các loại mắm làm từ thủy hải sản cũng đúng vào độ ngấu, trái cây miệt vườn và cá bè, cá hầm vào độ thu hoạch rộn ràng từng con lộ đồng bằng. Vì vậy, lễ hội Vía Bà Chúa xứ hằng năm vào giữa tháng 5 (ngày lễ tính theo tháng 4 âm lịch) còn là lễ hội Mắm Nam bộ. An Giang đã lần đầu tiên tổ chức thành công lễ hội này ở thủ phủ mắm của Nam bộ là Châu Đốc vào năm 2019, tôn vinh đặc sản hàng ngàn loại mắm ở đây, đồng thời, mang lại nét riêng, đậm đà mùi vị đồng bằng, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch.

Hơn thế nữa, quần thể di tích kiến trúc, văn hóa nổi tiếng ở núi Sam Châu Đốc gồm miếu Bà Chúa xứ, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang... đã tạo ra một không gian văn hóa quy mô và đáp ứng nhiều nhu cầu của du khách để có thể trở thành một khu du lịch phong phú, tích hợp nhiều sản phẩm du lịch. Hành hương viếng miếu Bà Chúa xứ hằng năm vào tháng 4 âm lịch dịp lễ hội V?ía Bà là điểm xuất phát, đòn bẩy, điểm nổ của cả mùa du lịch. Từ cội rễ, lễ hội Vía Bà Chúa xứ có từ lâu đời, mang giá trị truyền thống, văn hóa tâm linh tín ngưỡng của vùng sông nước miền Tây Nam bộ.

Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là lễ hội cấp quốc gia và năm 2014 tiếp tục được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Tượng Bà Chúa xứ đặt ở miếu Bà là tượng đá bằng sa thạch cổ và lớn nhất Việt Nam đã được sách kỉ lục Việt Nam xác lập. Ban đầu, pho tượng được phát hiện tồn tại trên núi Sam, sau được người dân đưa về thờ trong miếu. Nhiều nhà sử học nhận, định pho tượng cổ đã có rất lâu đời, được tạo tác mỹ thuật theo hình mẫu tượng nữ thần trong tín ngưỡng tâm linh của người đồng bằng. Pho tượng này nổi tiếng linh thiêng đến độ có rất nhiều người từ khắp nơi đổ về chỉ để một lần được chiêm ngưỡng. Chính vì thế, khu du lịch tâm linh núi Sam Châu Đốc còn là điểm hẹn của khách du lịch từ Campuchia và Thái Lan đến vào mỗi tháng 5 hằng năm dự lễ Vía Bà.

Lễ tắm tượng mỗi năm chỉ diễn ra một lần do các thiếu nữ đồng trinh thực hiện và chỉ diễn ra vào chính lễ vía Bà tháng 5 hằng năm (đêm 23- 4 âm lịch). Người hành hương đến Châu Đốc không chỉ mong muốn được có mặt vào thời điểm diễn ra nghi lễ linh thiêng này, mà còn chờ đợi sự may mắn. Sau lễ thay xiêm y tượng Bà, người ta sẽ cắt nhỏ bộ xiêm áo cũ hạ xuống từ bức tượng và phân phát nhiều mảnh nhỏ cho khách hành hương như một thứ bùa cầu an, hộ mệnh, ban cho che chở, may mắn. Vì vậy, dù đã lược bỏ hết phần hội có thể tụ họp đông người, lễ Vía Bà năm nay vẫn giữ lại các nghi lễ tâm linh để đảm bảo người dân vẫn được hành hương, kính lễ qua các nghi thức dâng hương, chúc tửu, hiến trà, đọc văn tế và cầu quốc thái, dân an. Ngoài ra, các hoạt động thường diễn ra trong lễ hội như đua thuyền rồng, thả đèn hoa trên ngã ba sông Châu Ðốc được hạn chế tối đa để đảm bảo nguyên tắc chống dịch bệnh.

Những năm trước, mỗi dịp lễ hội Vía Bà Chúa xứ Châu Đốc đều là ngày hội lớn của nam thanh, nữ tú miền châu thổ, đặc biệt là với cộng đồng người Chăm theo đạo Islam ở đầu nguồn sông Hậu. Với họ, Bà Chúa xứ có một vị trí tối thượng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của họ và còn mang ý nghĩa cầu mong sự an lành cho đất, cho người, mùa màng bội thu và đời sống nhân dân yên ổn, quần tụ.

Trước kỳ lễ hội Vía Bà 2020, Ban quản trị các khu lăng miếu tại núi Sam đã phải làm việc hết tốc lực để đảm bảo mỗi du khách hành hương đều phải đeo khẩu trang, phòng dịch và hạn chế đông người trong các khu vực thăm viếng, tẩy trùng, phân luồng giãn cách vì du khách quá đông.

Chỉ tính trong 1 tuần cao điểm trước khi lễ hội bắt đầu, đã có gần 100 ngàn người hành hương về núi Sam và dự tính, lượng khách du lịch đổ về An Giang cũng sẽ tương đương với con số của năm 2019 là trên dưới 6 triệu lượt người. Châu Đốc vắng vẻ sau kì giãn cách xã hội đã bắt đầu đông đúc trở lại, báo hiệu sự hồi phục đời sống du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO