Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:29 GMT+7

“Điểm hẹn” tình người trên biên giới

Biên phòng - Hàng trăm ngày đêm ròng rã kể từ khi triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ “kép”, các đơn vị BĐBP nơi vùng ngã ba Đông Dương (tỉnh Kon Tum) đã phải trải nghiệm biết bao gian lao, thử thách. Trong khi trên đường biên giới, lính Biên phòng phải dầm mưa dãi nắng, hình thành nên lớp “hàng rào sống” để chặn dịch Covid-19 thì ở các khu dân cư, những “ngôi sao xanh” vẫn luôn tỏa sáng, mang niềm tin đến với mọi nhà…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Loong bám biên giới phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thái Kim Nga

Bước chân trên “tấm bản đồ hình da báo”

Đứng chân trên khu vực phía Nam ngã ba Đông Dương, Đồn Biên phòng Hồ Le, BĐBP Kon Tum được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 16,3km đường biên giới, với 24 mốc quốc giới và 54 điểm đặc trưng. Từ ngày đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, đồn đã triển khai 3 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh và 2 tổ tuần tra lưu động, hoạt động suốt 24/24 giờ. Giữa vùng biên khắc nghiệt, bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống thường nhật, lính Biên phòng Hồ Le phải đối mặt với những thử thách cực kỳ lớn từ sự “đỏng đảnh” của thời tiết giao mùa. Vừa qua đỉnh mùa khô cháy khát thì đến những trận mưa rừng ào ào đổ về, khiến cho nền nhiệt độ càng trở nên oi bức, ngột ngạt hơn. Kiểu thời tiết này từng là nỗi ám ảnh của người dân bản địa khi bắt đầu bước vào “mùa” sốt rừng.

Nhọc nhằn thực thi nhiệm vụ trên đường biên giới, lính Biên phòng Hồ Le vẫn còn “trận tuyến” thầm lặng nhưng không kém phần cam go, đó là “tấm bản đồ” dân vận hình da báo. Mặc dù, trên địa bàn đơn vị quản lý chỉ có hơn 580 hộ gia đình, với khoảng 1.800 nhân khẩu nhưng lại sinh sống rải rác trên... 6,5 thôn của 2 xã Ia Đal và Ia Đơr của huyện Ia H’drai. Do đây đều là những khu dân cư mới được hình thành, có nhiều khác biệt về văn hóa, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên công tác vận động quần chúng, xây dựng địa bàn của Đồn Biên phòng Hồ Le luôn phải đối diện với những vấn đề rất nan giải.

Thiếu tá, Đồn trưởng Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: “Mỗi lần xuống với bà con, chúng tôi lại được trải nghiệm những khác biệt về văn hóa, bởi chỉ có “sáu thôn rưỡi” thôi mà tập trung đến 21 dân tộc anh em chung sống. Được cái, tình hình địa bàn ổn định, anh em vừa làm, vừa học (học nghe, học nói, học cách tiếp cận phong tục tập quán) nên mọi việc tuy vất vả nhưng rất thuận lợi. Đặc biệt, từ ngày đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh đến nay, Đồn Biên phòng Hồ Le luôn là chỗ dựa vững chắc của bà con nhân dân. Chúng tôi tập trung lực lượng phòng, chống dịch từ bên kia biên giới vào, từ các địa bàn nội địa lên, đẩy mạnh tuyên truyền kết hợp hỗ trợ vật tư y tế giúp bà con từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống...”.

Bên cạnh triển khai các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như mô hình trồng cà phê tại thôn 10, nuôi cá nước ngọt ở thôn 6, nuôi heo sinh sản tại thôn 5, thôn 7, xã Ia Đal, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, Đồn Biên phòng Hồ Le đã giúp dân hàng trăm ngày công lao động sửa chữa nhà ở, thu hoạch mùa màng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, tổ chức thăm hỏi tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân.

Cùng với đó, đơn vị phân công 16 đảng viên phụ trách, giúp đỡ 53 hộ gia đình khó khăn, đôn đốc 2 cán bộ sĩ quan là người dân tộc thiểu số nhận kết nghĩa, hỗ trợ 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thoát nghèo bền vững. Mỗi bước chân người lính đi qua là mỗi phong trào, mỗi chương trình giàu chất nhân văn để lại. Trên “tấm bản đồ” dân vận hình da báo ấy là bức tranh sống động, tuyệt đẹp của tình quân dân, tiếp thêm nguồn năng lượng để các chủ nhân vùng biên giới Ia Đal, Ia Đơr vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng ổn định và phát triển.

“Điểm nhấn” tháng 9

Kể từ ngày triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường”, sau đó là mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, tháng 9 đến với các đơn vị BĐBP Kon Tum như một “điểm nhấn” của công tác dân vận. Biên cương vào hội, trên dọc dài gần 300km đường biên giới, đi qua 99 thôn làng thuộc 13 xã, 4 huyện biên giới của tỉnh Kon Tum, bộ đội và nhân dân nô nức đưa trẻ đến trường.

Ở một “góc nhỏ” nằm chếch sang hướng Nam ngã ba Đông Dương - một trong những điểm đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hình ảnh những người lính Đồn Biên phòng Sa Loong “tay xách, nách mang” nào gạo, nào quà chuẩn bị cho ngày hội đưa trẻ tới trường đã gieo vào lòng người một cảm giác bình yên đến vô tận.

Trên con đường đất quen thuộc dẫn vào thôn Đắk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, Trung tá Phan Trọng Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Loong tâm sự: “Hiện tại, chúng tôi nhận đỡ đầu hai cháu và trực tiếp nuôi một cháu. Các cháu đều ngoan hiền, chăm học, trong đó có cháu A Lao đã lên lớp 11 tại trường dân tộc nội trú của huyện. Cây đã sắp ra quả ngọt rồi, nhưng vẫn còn nhiều việc phải lo lắm, bởi điều kiện kinh tế gia đình của các cháu còn rất khó khăn. Bên cạnh nâng bước học trò nhỏ vùng biên đến trường, chúng tôi còn tiếp sức cho hai cụ cao niên trong xã bằng cách nhận chăm sóc y tế suốt đời với mức 300 nghìn đồng/ người/ tháng. Suốt thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, Đồn Biên phòng Sa Loong liên tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, góp phần cùng chính quyền địa phương sớm phục hồi lao động sản xuất, ổn định đời sống cho bà con...”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sa Loong tặng quà cho học sinh trên địa bàn trong chương trình “Nâng bước em tới trường” nhân dịp năm học mới. Ảnh: Thái Kim Nga

Cùng với việc duy trì các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đẩy mạnh các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tự quản đường biên, cột mốc, xây dựng đời sống văn hóa mới, Đồn Biên phòng Sa Loong phân công đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn làng và phụ trách hộ gia đình, tạo ra “chiếc cầu nối” bền vững giữa ý Đảng với lòng dân, chung sức xây dựng biên giới ổn định và phát triển.

Đặc biệt, Đồn Biên phòng Sa Loong là một trong những đơn vị đầu tiên của BĐBP Kon Tum triển khai xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình được nhân rộng trên toàn tuyến biên giới, không chỉ góp phần giải quyết những khó khăn cho người nghèo, mà còn lan tỏa nét đẹp tình người, tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân trên biên giới.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Y Vỉa (dân tộc Xê Đăng) - con gái cụ Y Huynh, 96 tuổi, ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum cho biết: “Mẹ mình sống khỏe, sống thọ đến ngày hôm nay là nhờ Đồn Biên phòng Sa Loong. Bất cứ lúc nào dân cần, các chú cũng đều có mặt để giúp đỡ. Ở đây, đồn Biên phòng là chỗ dựa vững chắc nhất của gia đình và thôn làng mình...”.

Từ bước chân thầm lặng trên “tấm bản đồ hình da báo” đến “điểm nhấn” tháng 9 nơi vùng ngã ba Đông Dương - tất cả đều hướng đến một “điểm hẹn”: Điểm hẹn của tình người trên biên giới.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO