Biên phòng - Khu vực hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nơi núi non trùng điệp, bao đời nay là địa bàn sinh sống của bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng... với những nét văn hóa truyền thống đậm sắc màu vùng cao. Vài năm trở lại đây, những cụm dân cư được kết nghĩa, những mùa hoa thơm, trái ngọt đã bừng lên dọc theo tuyến biên giới Việt - Trung... Cùng với đó là những Nhà văn hóa hữu nghị được xây dựng để đồng bào các dân tộc hai bên biên giới cùng sinh hoạt đã trở thành “điểm hẹn” của tình bằng hữu, đoàn kết cùng phát triển.
Nhà hữu nghị trên biên giới Lào Cai
Trong sắc nắng vàng của những ngày tháng Ba, chúng tôi theo Thượng tá Nguyễn Văn Thiệu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai rong ruổi khắp những cung đường xanh mướt, bạt ngàn những đồi dứa, chuối trĩu quả của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Khi chúng tôi đến trước ngôi nhà lớn ở thôn Na Lốc 3, bất chợt tiếng loa phóng thanh phát bằng tiếng Mông vang lên. Tôi ngước lên cây cao, thấy cặp loa tỏa về hai hướng, mỗi loa hướng về một bên biên giới, để thông báo những công việc chung cho nhân dân hai nước.
Thượng tá Nguyễn Văn Thiệu cho biết, đây là Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung, được khánh thành vào dịp Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần 2, ngày 16-5-2015. Đây là món quà của Bộ Quốc phòng Việt Nam xây tặng để nhân dân biên giới hai nước cùng sinh hoạt. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng tặng bộ âm li, loa và ti vi trị giá hơn 200 triệu đồng. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng 30 bộ bàn ghế, trị giá hàng trăm triệu đồng cho Nhà văn hóa hữu nghị này.
Loa thông báo được ít phút, một số người đi đến Nhà văn hóa hữu nghị. Từ khi được khánh thành, nhân dân các dân tộc khu vực biên giới của thôn Cốc Phương và Na Lốc 1, 2, 3, xã Bản Lầu thường tới Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung để họp mặt, giao lưu và đón nhận những thông tin mới đến từ hai bên biên giới... Ở dải biên cương này, ai cũng tự hào vì có chung nhà văn hóa, có chung sân chơi thể thao với nhân dân ở tổ Tam Bình Bá, thôn Long Bảo, thị trấn Nam Khê, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Trên sân khấu của nhà văn hóa, họ còn là những diễn viên trong cùng tiết mục. Mỗi buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao đều có sự góp mặt của những người anh em kết nghĩa ở bên kia biên giới. Đây được xem như một “chất keo kết dính” nhân dân hai bên biên giới gần gũi với nhau hơn. Họ cũng tự hào về chiếc trống bịt da trâu cỡ lớn, dùng chung được coi như biểu tượng linh thiêng và không thể thiếu trong hoạt động tín ngưỡng của nhân dân hai bên. Mỗi khi nghe thấy tiếng trống, theo quy ước, người dân sẽ biết sự việc gì xảy ra bên thôn bạn và cử người sang nắm bắt tình hình, sẵn sàng hỗ trợ nếu cần thiết.
Anh Giàng Lùng, Trưởng thôn Na Lốc 3 rất hồ hởi khi nói đến ngôi nhà văn hóa hữu nghị chung. Theo anh, ba năm qua, nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt, giao lưu, hội họp cộng đồng để bà con hai bên biên giới trao đổi những thông tin về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, là nơi giao lưu văn hóa-văn nghệ của nhân dân hai bên biên giới vào những dịp lễ, tết và những thời điểm sau khi thu hoạch hoa trái.
Đến nay, tất cả các thôn ở khu vực biên giới này đều thành lập đội văn nghệ, để có dịp là tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các thôn với nhân dân phía bên kia biên giới. Cũng theo anh Giàng Lùng, vào những ngày lễ, tết truyền thống, hoặc khi có người ốm, hay việc hiếu, hỷ, bà con hai bên biên giới thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên nhau. Hai bên cùng bảo nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan biên giới, giữ vững an ninh trật tự hai bên, cùng bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc.
Ngôi nhà chung của dân hai bản Pô Tô - Cửa Cải
Tại bản Pô Tô, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có một công trình văn hóa kiên cố, khang trang, rộng rãi, đẹp mắt, với đầy đủ các trang, thiết bị, tọa lạc giữa trung tâm xã, được khánh thành vào ngày 23-9-2017. Ngày khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt - Trung hôm ấy cũng đúng vào dịp hai bản Pô Tô (Việt Nam) - Cửa Cải (trấn Kim Thủy Hà, Trung Quốc) tổ chức sơ kết ba năm thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư biên giới. Pô Tô cũng là bản biên giới đầu tiên của tỉnh Lai Châu được Trung Quốc mời sang tổ chức ký kết nghĩa thôn, bản hai bên biên giới năm 2014.
Toàn bộ công trình có tổng diện tích 1.620m2, gồm nhà văn hóa năm gian, rộng 200m2, cùng đầy đủ các công trình phụ trợ khác như: bếp ăn, sân, vườn, tường bao quanh... Đây trở thành ngôi nhà chung của nhân dân hai bên biên giới, phục vụ các hoạt động phối hợp theo chương trình kết nghĩa giữa nhân dân hai bản, tổ chức các cuộc giao lưu cũng như kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm của hai nước, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa hai bên, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
“Trước đây, mỗi khi tổ chức họp bản để tuyên truyền pháp luật, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương hay tiến hành các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với bản kết nghĩa Cửa Cải, đại diện các hộ gia đình của bản Pô Tô đều tập trung tại nhà trưởng bản, điều kiện về cơ sở vật chất không bảo đảm.
Công trình Nhà văn hóa hữu nghị khánh thành, đi vào hoạt động đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng thiết thực đối với dân bản Pô Tô, cũng như đồng bào các dân tộc trong toàn xã. Bà con chúng tôi trân trọng, biết ơn Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quan tâm, xây tặng địa phương công trình vô cùng ý nghĩa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nơi địa đầu Tổ quốc” - Ông Lý A Khớ, Trưởng bản Pô Tô nói với chúng tôi trong niềm phấn khởi, tự hào.
Có qua những vùng núi đá cheo leo, đèo cao hiểm trở trên tuyến biên giới Việt - Trung mới thấy hết giá trị thiết thực của những công trình Nhà văn hóa hữu nghị được xây dựng tại đây. Nhà văn hóa hữu nghị đã trở thành nơi nhân dân hai bên biên giới chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau và cùng đoàn kết, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên, góp phần vun đắp tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước.
Thanh Thuận