Biên phòng - Ngày 24-11-2018, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 tại huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với vị trí, ý nghĩa lịch sử quan trọng của di tích, nơi đây là điểm đến của những chuyến tham quan du lịch về nguồn, vừa là dịp để du khách tìm hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, vừa kết hợp thưởng ngoạn du lịch sinh thái nơi biên cương Tổ quốc.

Chiến dịch Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ huy
Chiến dịch Biên giới năm 1950 là một chiến dịch có quy mô lớn đầu tiên của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây cũng là chiến dịch mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu. Những ngày tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, trong đó, Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính. Sau khi ra chỉ thị, khẳng định: “Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng, chúng ta phải quyết tâm đánh thắng trận này”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tại xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Sáng sớm ngày 16-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đài quan sát trên đỉnh núi Báo Đông và chỉ đạo trận đánh Cứ điểm Đông Khê - trận mở màn Chiến dịch Biên giới. Khi lên đến đỉnh núi, Người đã tức cảnh sáng tác bài thơ “Lên núi” với những câu thơ động viên quân dân chiến đấu, thể hiện tinh thần quyết thắng của quân ta: “Chống gậy lên non xem trận địa/ Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/ Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”. Sau đó, bài thơ đã trở nên nổi tiếng, được đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân chuyền tay nhau đọc.
Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950 là nguồn động viên tinh thần to lớn lan truyền đến toàn thể quân và dân ta. Sau 29 ngày đêm chiến đấu liên tục (từ ngày 16-9 đến 14-10-1950), Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Quân ta đã tiêu diệt 10 tiểu đoàn địch, bằng 41% lực lượng cơ động chiến lược Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới năm 1950 mở ra bước ngoặt, thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế chiến lược có lợi cho ta. Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng.
Với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, Chiến dịch Biên giới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngày 3-10-1950, Cao Bằng hoàn toàn giải phóng, mở ra một trang sử mới đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Phát huy giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt
Là huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng, Thạch An có 15 xã và 1 thị trấn. Trải qua các thời kỳ lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Thạch An đã đoàn kết một lòng tích cực lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, đất nước. Nhiều chiến công oai hùng đánh giặc cứu nước đã đi vào lịch sử và trở thành những di tích lịch sử văn hóa có giá trị bất diệt. Trong đó, các địa điểm di tích lịch sử của Chiến dịch Biên giới năm 1950, tại huyện Thạch An có giá trị đặc biệt quan trọng, gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự trưởng thành, phát triển của QĐND Việt Nam.

Hiện nay, các địa điểm liên quan đến Chiến dịch Biên giới gồm 19 di tích và điểm di tích được phân bố thành 4 cụm di tích nằm trên địa bàn 4 xã, thị trấn, gồm: Cụm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950 tại xã Đức Long; cụm di tích Cứ điểm Đông Khê tại thị trấn Đông Khê; cụm di tích Khau Luông tại xã Đức Xuân; cụm di tích Cốc Xả - Điểm cao 477 tại xã Trọng Con. Trong đó, nhiều di tích nằm rải rác ở rừng núi được khoanh vùng bảo vệ, quản lý.
Trong những năm qua, nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của các địa điểm di tích lịch sử Chiến dịch Biên giới năm 1950, huyện Thạch An đã tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực gìn giữ, bảo tồn các điểm di tích; thành lập lực lượng chức năng chuyên trách bảo vệ một số di tích quan trọng, xây dựng hồ sơ di tích... Từ năm 2000, tỉnh Cao Bằng đã tích cực tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục như: Lô cốt, nhà trại lính, hệ thống hầm ngầm, hàng rào dây thép gai tại di tích Đồn Đông Khê... Năm 2003, tỉnh đã xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950. Năm 2004, tỉnh xây dựng đường lên địa điểm Đài quan sát Sở Chỉ huy chiến dịch và xây dựng cụm tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê” trên đỉnh núi Báo Đông...
Ông Sầm Việt An chia sẻ: “Sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, cùng với Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó tại huyện Hà Quảng, các địa điểm di tích lịch sử Chiến thắng Biên giới năm 1950 tại huyện Thạch An không những trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, mà còn là nơi “về nguồn cách mạng” đối với đồng bào và chiến sĩ cả nước”.
Ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, để tiếp tục phát huy những lợi thế mang lại từ Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Biên giới năm 1950, trong thời gian tới, Thạch An tiếp tục quan tâm nâng cấp các cơ sở hạ tầng, giao thông, có chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tu bổ, tôn tạo các điểm trong khu di tích để xứng tầm là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Ngoài những giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, huyện Thạch An còn được thiên nhiên ưu đãi cho những danh lam thắng cảnh như: Ngườm Pục, rừng di sản xã Vân Trình và những nét văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Cùng với hoạt động “về nguồn”, tìm hiểu truyền thống cách mạng, du khách đến đây sẽ có cơ hội kết hợp tham quan các điểm du lịch sinh thái. Đó là hướng đi đúng đắn trong lộ trình đưa Thạch An thành một trong những huyện kinh tế phát triển, vững mạnh về an ninh - quốc phòng, giàu bản sắc, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng nơi biên cương của Tổ quốc.
Thanh Thuận