Biên phòng - Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-12, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây được xem như một kỳ tích trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang khiến hoạt động đầu tư, hợp tác kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam trải qua một giai đoạn khó khăn và nhiều biến động.
Tính đến thời điểm này, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Cụ thể, có 1.738 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD; 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD; 3.797 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù, tổng vốn FDI tăng so với cùng kỳ song số lượng dự án đăng ký năm 2021 giảm khá mạnh. Nguyên nhân là do chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam, loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng vào Việt Nam thời gian qua.
Thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam - vốn là điểm đến hấp dẫn và hứa hẹn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh do triển khai các biện pháp giãn cách kéo dài và đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như xuất khẩu hàng hóa toàn cầu.
Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư FDI tăng tại Việt Nam cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Bởi, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát.
Ngân hàng thế giới (WB) cũng nhận định, Chính phủ Việt Nam đang làm việc tích cực để ngăn chặn dịch bệnh trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm các hoạt động kinh tế, đặc biệt là một sự chuyển dịch quan trọng trong chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đặc biệt là những nỗ lực cải hiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua.
Các nhà đầu tư nhận thấy cam kết mạnh mẽ ở cấp độ cao nhất là Chính phủ về việc vượt qua đại dịch đi đôi với bảo vệ doanh nghiệp và nền kinh tế. Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã chủ động nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, có kế hoạch hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, để môi trường đầu tư tại Việt Nam tiếp tục duy trì sự tiềm năng, an toàn và chất lượng cho nhà đầu tư, bên cạnh các yếu tố thị trường, thương mại, đối tác, việc cải thiện khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cấp tỉnh, đào tạo nguồn nhân lực có thể xem là một trong những yếu tố then chốt nhất. Khi các yếu tố này được bảo đảm, bức tranh đầu tư tại Việt Nam sẽ trở nên tươi sáng hơn.
Rõ ràng, bước sang giai đoạn bình thường mới cũng là lúc đã nhìn thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn khi số lượng các dự án đầu tư dù giảm về số lượng nhưng lại tăng đáng kể về chất lượng; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cũng đã được thực hiện tốt hơn... Các nhà đầu tư FDI cũng đã vạch ra các kế hoạch mang tính chiến lược hơn theo hướng phục hồi an toàn và phòng ngừa có hiệu quả trước diễn biến của đại dịch cũng như các biến cố bất thường khác có thể xảy ra trong thời gian tới.
Đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng kiểm soát dịch bệnh và làm chủ tình hình của Việt Nam, rất nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã khẳng định sẽ đồng hành và hỗ trợ Việt Nam cùng vượt qua đại dịch.
Năm 2022, Việt Nam vẫn là nơi mà các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn để gắn bó và phát triển hoạt động kinh doanh lâu dài.
Hoàng Lâm