Biên phòng - Nhà trưng bày Hoàng Sa tại thành phố Đà Nẵng được khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 28-3. Nơi đây đã trở thành điểm đến của người dân cả nước để thể hiện tấm lòng hướng về mảnh đất Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc.

Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm bên cạnh Đồn Biên phòng Sơn Trà, mặt quay ra Biển Đông. Thiết kế nhà trưng bày này được chọn từ 43 đồ án của các kiến trúc sư. Kết quả, Ban tổ chức đã chọn thiết kế của nhóm tác giả Fumino Minacami cùng kiến trúc sư Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang.
Công trình được phác thảo dựa trên hình tượng con dấu trong sắc chỉ thành lập Hải đội Hoàng Sa năm 1835. Nhà trưng bày được xây dựng 3 tầng và các phòng trưng bày nằm trên lối rẽ ngang của cầu thang hình xoắn ốc. Tâm của cầu thang ôm trọn biểu tượng cột mốc chủ quyền được cắm trên mặt nước. Cột mốc khổng lồ này như một cách nhắc nhở mọi người về “Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam”.
Ngay tại lối vào của tầng 1 là tấm bảng đỏ ghi dòng chữ của vua Lê Thánh Tông lưu truyền lại đời đời cho con cháu: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần... Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di...”. Phía dưới dòng chữ này là lời tuyên bố đanh thép của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hội châu Á ở New Yoork, Mỹ vào ngày 28-9-2015 “...Trường Sa, Hoàng Sa trước sau như một thuộc về Việt Nam. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về lịch sử và thực tiễn pháp lý để xác định chủ quyền của Việt Nam”.
Hành lang tầng 1 còn triển lãm bản đồ Việt Nam với đầy đủ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh đó là tấm bảng thống kê 37 đảo, bãi ngầm ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là những phần tư liệu cứng của các bảo tàng và nếu có điều kiện thì cần được làm mềm hóa. Trên thực tế, ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Bình Định thường xuyên đánh bắt hải sản tại 36/37 điểm đảo và đá ngầm này. Riêng đảo Tri Tôn ở tọa độ 15 độ 47 phút vĩ Bắc - 111 độ 12 phút kinh Đông là nơi một số ít tàu cá đã cập vào từ năm 1982. Hiện nay, hòn đảo này đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép và xây dựng thành lô cốt với những lỗ châu mai tua tủa.
Các tàu cá làm nghề lưới của ngư dân thành phố Đà Nẵng hiện nay thường đánh bắt ở khu vực đảo Đá Bông Bay ở tọa độ 16 độ 2 phút vĩ Bắc - 112 độ 32 phút kinh Đông, thuộc mạn ngoài cùng của quần đảo Hoàng Sa. Đây là hòn đảo ngư dân tự do ra vào và hình ảnh tàu cá của ngư dân Việt Nam cắm cờ Tổ quốc rợp trời hiện diện chủ quyền của mình tại quần đảo này. Riêng các đảo tại cụm Lưỡi Liềm như: Đá Hải Sâm, Xà Cừ, Lưỡi Liềm, Ba Ba, Quang Hòa, Quang Ảnh, Duy Mộng, Hữu Nhật là ngư trường của các ngư dân làm nghề lặn ở tỉnh Quảng Ngãi và nhiều tỉnh khác của Việt Nam.
Điểm qua các hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa để thấy rằng, cần gắn thêm biểu tượng lá cờ Tổ quốc trên tổng số 36/37 điểm đảo và bãi ngầm ở Hoàng Sa được thống kê tại hành lang tầng 1 nhà trưng bày. Đó cũng là cách để các du khách trong và ngoài nước nhìn thấy được ý chí không rời bỏ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và các hoạt động của ngư dân vẫn được thực hiện công khai, liên tục. Chính các hoạt động dân sự ở vùng đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép cũng là cách chứng minh sinh động về chủ quyền của Việt Nam.
Khách tham quan đã ghi nhiều cảm nhận tốt về Nhà trưng bày Hoàng Sa, đồng thời cũng góp ý phần phụ đề minh họa ảnh bằng tiếng Anh cần thêm chữ tiếng Trung để du khách Trung Quốc hiểu rõ về chủ quyền chính nghĩa của Việt Nam.
Các bậc thang của nhà trưng bày được thiết kế rộng và thấp, giúp cho những người lớn tuổi đi lại dễ dàng. Tầng 2 và 3 của nhà trưng bày được trưng bày các tư liệu về Hoàng Sa trong thư tịch cổ, bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay, sự kiện Trung Quốc kéo và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, hoạt động đánh bắt của ngư dân, công tác huấn luyện chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của ta, bản đồ của Trung Quốc tự xác nhận phần lãnh thổ của mình không có Hoàng Sa, Trường Sa, các nhân chứng lịch sử từng công tác tại Hoàng Sa trước năm 1975...
Các tư liệu về quần đảo Hoàng Sa trong nhà trưng bày được tích hợp theo thời gian. Nhưng có lẽ rất cần một cuốn sổ vàng có ghi đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ, tàu cá của ngư dân và BĐBP ở 3 địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã ra tham gia đấu tranh tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014. Đây chính là những người đã ghi lại giây phút tàu ĐNa 9152 TS bị đâm chìm. Họ là những người đối mặt với mối nguy hiểm cao nhất. Chiến công thầm lặng của họ dường như rất ít người biết đến. Sự tôn vinh đó sẽ động viên và cổ vũ hàng chục ngàn ngư dân sẵn sàng ra khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo “khi có tiếng gọi”.
Lê Văn Chương